Ngày Quốc tế Gia đình 15-5: Gia đình hạnh phúc, nền tảng vững chắc của xã hội

Cập nhật: 15-05-2015 | 08:53:15

Ngày 20-9-1993, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã quyết định lấy ngày 15-5 hàng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Gia đình. Đây là dịp để nâng cao nhận thức về những vấn đề liên quan đến gia đình và các tiến trình xã hội, kinh tế và nhân khẩu học ảnh hưởng đến gia đình.

 Ngày Quốc tế Gia đình là cơ hội để hiểu rõ hơn những vấn đề mà các gia đình phải đối mặt và khuyến khích những sáng kiến thích hợp. Ngày kỷ niệm này cũng có thể trở thành một nhân tố mạnh mẽ huy động sự tham gia của tất cả các quốc gia nhằm tìm cách ứng phó với những vấn đề đặt ra đối với các gia đình trong mỗi xã hội. Ngày Quốc tế Gia đình cũng là một cơ hội để làm nổi bật tinh thần đoàn kết, tập hợp các gia đình vào chung một nỗ lực nhằm xây dựng cuộc sống với chất lượng tốt hơn.

Ngày hội gia đình là dịp giúp các gia đình giao lưu, học tập cùng nhau. Trong ảnh: Tuyên dương các gia đình tiêu biểu ở TX.Thuận An. Ảnh: Q.NHƯ

Hơn 20 năm trước đây, tại hội nghị quốc tế về dân số và phát triển tổ chức tại Cairo, Ai Cập, cộng đồng thế giới đã thừa nhận rằng gia đình cần phải được củng cố, bảo vệ và hỗ trợ toàn diện. Trong vòng hơn 20 năm qua, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có sự thay đổi đáng kể về kết cấu hộ gia đình. Chẳng hạn như trên thế giới ngày càng có nhiều người sống độc thân và có thêm nhiều phụ nữ làm chủ hộ gia đình. Kỷ niệm Ngày Quốc tế Gia đình là cơ hội tuyệt vời để nhận ra những thay đổi và gợi mở những cách tiếp cận và các chính sách mới thân thiện với tất cả gia đình, giúp xóa nghèo, tăng cường bình đẳng giới, bảo đảm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống và tăng cường sự bền vững giữa các thế hệ. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, không thể phủ nhận nhiều vai trò mới của các gia đình trong tiến trình phát triển xã hội, đặc biệt trong các vấn đề giảm đói nghèo, tiếp cận các dịch vụ xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, duy trì hòa bình và an ninh. Các sáng kiến quốc gia và quốc tế cần được thực hiện thông qua phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về những vấn đề mới đang đặt ra trước mỗi gia đình hiện đại, cũng như sự cần thiết hòa nhập lợi ích của các gia đình vào chính sách phát triển chung của mỗi nước. Những chính sách này phải dựa trên sự bình đẳng giới tính trong việc thực hiện các nghĩa vụ gia đình, bảo đảm phúc lợi cho trẻ em và thiết lập các điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi cho sự phát triển của các gia đình.

Ông Lê Thế Hùng, Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa gia đình (trực thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cho biết chúng ta cần phải phát huy vai trò và giá trị truyền thống của gia đình Việt trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - văn hóa. Lãnh đạo tỉnh cũng có những chỉ đạo, quy định cụ thể trong việc xây dựng phát triển gia đình tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Gia đình Việt Nam đã, đang và sẽ luôn là một giá trị bền vững và có sức sống mạnh mẽ. Gia đình là nền tảng, là tế bào của xã hội, là một thiết chế cơ bản của xã hội, là tổ ấm, nơi nương tựa quan trọng nhất của mỗi con người…

 Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vai trò của gia đình và văn hóa gia đình. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã nêu rõ: “Giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng gia đình văn hóa. Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội”.

 

HƯƠNG CẦN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên