Nghề chẻ tăm nhang ở Dĩ An

Cập nhật: 10-09-2014 | 09:14:44

Là một tỉnh nhận được nhiều sự ưu đãi của thiên nhiên, Bình Dương thưở xưa có diện tích rừng rất lớn. Chính những điều kiện thuận lợi về đời sống đã giúp Bình Dương thu hút một lượng lớn dân cư, đặc biệt là những người có nghề tiểu thủ công nghiệp về đây lập nghiệp, sinh sống. Bên cạnh những nghề nổi tiếng như sơn mài, chạm khắc gỗ, nghề làm guốc mộc… có một nghề tuy hiện nay đã đi vào thoái trào nhưng đã có một thời tạo thành thương hiệu của một địa phương, rất có ý nghĩa đối với đời sống tâm linh của người Việt: nghề chẻ tăm nhang.

 Nhang Dĩ An thành phẩm chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ

Nghề chẻ tăm nhang có mặt tại Dĩ An khoảng hơn 100 năm trước và được các người thợ có quê miền Bắc, miền Trung đem vào. Để làm ra được một cây tăm nhang, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là phải chọn nguyên liệu. Nguyên liệu mà người thợ chẻ nhang ưa chuộng là loại tre lồ ô già khai thác ở vùng rừng Bù Đốp, Phước Long (Bình Phước) hoặc ở Nam Cát Tiên (Lâm Đồng). Đây là loại nguyên liệu vừa dễ chẻ, không hao tre lại thích hợp làm được nhiều loại chân nhang, từ nhang nhuyễn đến nhang sào, từ nhang vuông đến nhang tròn.

Tre đem về phải cưa cắt bỏ phần mắt, chỉ lấy phần ống suôn và từ phần ống này sẽ cưa ra thành nhiều loại tùy thuộc theo kích cỡ nhang mà người thợ muốn làm. Thông dụng nhất vẫn là nhang dưới 5cm vì đây là những loại nhang người Việt sử dụng nhiều trong gia đình. Rồi lại phải coi xem tre tươi hay tre khô. Tre tươi có thể chẻ ngay được, còn nếu là tre khô phải đổ nước vào phuy, thả tre vào trong đó ngâm tới khi nào tươi lại, cho dẻo tre thì mới có thể chẻ được.

 Chẻ tăm nhang

Sau khi nguyên liệu tre được chuẩn bị kỹ, người thợ bắt đầu bước vào công đoạn quan trọng nhất, chẻ tăm nhang. Tăm nhang được chẻ bằng loại rựa có sống dày, cán dài nhưng lưỡi rất mỏng và sắc. Có ngồi quan sát người thợ chẻ nhang ta mới thấy khâm phục sự điêu luyện của người làm nghề. Chẻ tăm nhang là công việc vừa đòi hỏi sức lực, vừa đòi hỏi sự khéo léo thế nhưng khi nhìn những động tác thoăn thoắt của người chẻ nhiều kinh nghiệm, chúng ta dễ lầm tưởng đây là công việc nhàn nhã, nhẹ nhàng. Với những người chẻ lâu năm trong nghề, bàn tay như có mắt, cảm nhận, lựa chọn, phân biệt độ dày, mỏng cho phù hợp rất nhanh chóng và chính xác. Chỉ cần nhìn qua thanh tre là họ biết phải chẻ làm ba hay làm tư để phù hợp với li, tấc của loại tăm nhang đang chẻ.

Trước đây, tăm nhang chẻ xong được đem đi phơi hoặc sấy vào những ngày mưa. Nếu làm theo phương pháp này phải thêm một công đoạn nữa trước khi hoàn thành là công đoạn chà. Chà để cho chân nhang nhẵn nhụi, không còn những cọng xước có thể làm đứt tay người làm nhang. Sau này người thợ sử dụng một loại máy gọi là máy chà làm cho tăm nhang vừa khô vừa sạch, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức. Chà xong, người thợ phải giũ cho sạch, rút cho bằng đầu và bó lại thành từng bó, đem giao cho các cơ sở làm nhang.

Nghề chẻ tăm nhang ở Dĩ An phát triển mạnh nhất vào những năm 70 - 85, thế kỷ XX. Rất nhiều cơ sở hoạt động mạnh và địa bàn hoạt động tỏa rộng hầu như khắp phường Dĩ An và các hộ, các cơ sở sản xuất chung tay góp vốn thành lập hợp tác xã tăm nhang, chịu trách nhiệm phân phối, thu mua sản phẩm. Nhưng sau năm 1985 vì nhiều nguyên nhân, hợp tác xã tăm nhang giải thể, các hộ tách ra sản xuất riêng lẻ nhưng do thị trường có sự cạnh tranh với các làng nghề khác, nghề chẻ tăm nhang ở Dĩ An dần đi vào thoái trào.

Một vài năm trở lại đây, nghề chẻ tăm nhang có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên nghề cũng chỉ còn tập trung ở khu phố Bình Minh 2, khu phố Nhị Đồng 2. Các cơ sở muốn trụ lại với nghề và phát triển phải là những cơ sở lớn, có đầy đủ máy móc, vật tư và nhiều cơ sở chuyển sang làm nhang thành phẩm. Nghề chẻ tăm nhang hiện thu hút lao động chủ yếu là nữ giới, lãnh tre về chẻ tại gia đình, gia công cho các cơ sở lớn.

Trong những cơ sở chuyển sang làm nhang thành phẩm có cơ sở nhang Tân Thành của anh Phạm Văn Tân, khu phố Nhị Đồng 2, phường Dĩ An. Theo anh Tân cho biết, muốn cạnh tranh ngoài thị trường không chỉ có mùi hương của nhang được mọi người ưa chuộng mà còn phải có nhiều kiểu dáng, mẫu mã mới đẹp và không chỉ bán trong thị trường nội địa mà còn phải nhắm tới các thị trường nước ngoài. Để phát triển theo hướng đó, cơ sở của anh Tân được trang bị nhiều máy móc; sản phẩm đa dạng phong phú, không chỉ có các loại nhang phục vụ cho nhu cầu trong gia đình mà có những loại nhang lớn phục vụ trong các lễ hội, nghi thức cùng nhiều mẫu mã độc, đẹp. Nhang của anh không chỉ được tiêu thụ ở các tỉnh, thành trong nước và còn vươn ra các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia… Đây cũng là hướng đi mới cho sự phát triển của một nghề truyền thống.

 

 ĐỖ THANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên