Nghệ Nhân Châu Văn Trí: Người thợ làm rạng danh đất Thủ

Cập nhật: 28-10-2014 | 10:49:08

Trong lịch sử truyền thống mỹ thuật địa phương tên tuổi và tài hoa của nghệ nhân Châu Văn Trí được vinh danh và ghi nhận hàng đầu. Ông là người mở đầu và có công phát triển nghề điêu khắc gỗ chạm trổ, cẩn ốc xà cừ theo phong cách Nam bộ từ giữa thế kỷ XX.

Nghệ nhân Châu Văn Trí sinh năm 1911 tại Củ Chi, Gia Định. Năm 1927, ông rời làng quê Gia Định đến đất Thủ Dầu Một sinh sống. Với bàn tay khéo léo của mình, ông thi đỗ trường Bá Nghệ Bình Dương vào năm 1933, đây là ngôi trường do người Pháp mở và ông theo học khoa điêu khắc - chạm trổ. Thầy giáo hồi ấy đa số người Pháp, là những chuyên gia mỹ thuật giỏi, rất nghiêm khắc. Với tài năng và lòng hiếu học ít người sánh kịp, chỉ sau một thời gian học tập, ông có thể thay thầy giáo dạy nghề cho bạn bè. Các kiểu salon Louis tay cuốn, chạm trổ xuất sang châu Âu được ông cách điệu, sáng tạo thêm thật độc đáo như trường kỷ cẩn ốc, ghế thờ cho đến những tượng gỗ chạm trổ tinh vi, tạo dáng thật tuyệt vời. Sau 4 năm theo học vào năm 1937, ông tốt nghiệp đạt loại xuất sắc, trở thành một nghệ nhân có tay nghề giỏi trong nghề điêu khắc ở Thủ Dầu Một và được nhà trường giữ lại làm thầy giáo phụ trách khoa điêu khắc, trang trí thiết kế, vừa giảng dạy vừa sáng tác mẫu mã cho trường...

Nghệ Nhân Châu Văn Trí bên tác phẩm của mình 

 Khi xưởng sơn mài Thành Lễ thành lập tại Thủ Dầu Một, ông được mời làm chuyên gia đặc biệt ngành điêu khắc gỗ, đặc biệt là cẩn xà cừ cho những tác phẩm lớn có giá trị nghệ thuật. Ông phụ trách quy trình sản xuất những mặt hàng mỹ thuật cao cấp. Cùng tài hoa trong nghề nghiệp, thích sáng tạo nghiên cứu, hàng trăm tác phẩm của ông đều thể hiện được phong cách Á Đông nhuần nhuyễn, cổ kính. Đối với phong cách sáng tác theo trường phái châu Âu, ông đều vận động linh hoạt cho phù hợp và nâng cao được giá trị nghệ thuật. Bên cạnh những nghệ nhân nổi tiếng cùng thời như Thái Văn Ngôn, Ngô Từ Sâm, Trần Văn Nam, Châu Văn Trí với tài hoa kiệt xuất của mình đã góp phần làm rạng rỡ cho sơn mài Thành Lễ ngày xưa trong cả nước và thế giới. Hàng trăm mẫu mã do ông sáng tạo đều mang tính độc đáo, các tác phẩm đều có giá trị nghệ thuật cao.

Bộ tượng Phật Tam Thế và Bộ án gió chạm “Mai - Tùng - Cúc - Trúc”

Gần 60 năm theo nghề điêu khắc, 40 năm giảng dạy tại trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một, ông đã đào tạo hàng ngàn học trò tại địa phương cũng như khắp khu vực miền Nam. Học trò ông đa số đều thành đạt, trở thành nghệ nhân, họa sĩ nổi tiếng, có hàng trăm cơ sở làm nghề chạm trổ điêu khắc trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, tại Bảo tàng Bình Dương đang lưu giữ, bảo quản, trưng bày những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật của ông như tác phẩm “Phù điêu hình người” được ông tạo tác vào năm 1966, khắc họa hình người thanh niên với đòn gánh trên vai, một bên khắc hình tượng trái cây cách điệu, tay phải buông thẳng cặp chặt vỏ đựng, đeo dao găm bên hông; tác phẩm “Kệ chạm rồng” tạo tác năm 1984, kệ một tầng, hình chữ nhật. Mặt kệ trơn một cạnh vuông hai góc, một cạnh bo tròn hai góc, khung bên dưới mặt sau chạm hình rồng, hai bên chạm các ô vuông móc giống chữ vạn; tác phẩm “Tháp đèn” tạo tác năm 1975. Dạng một ngôi nhà nghỉ mát hình chữ nhật, nóc hai tầng mái ngói hơi cong, đỉnh nhọn; tác phẩm “Chân đèn”hay còn gọi giá đèn tạo tác năm 1965. Phần trên chạm trổ hình búp hoa cách điệu, phần dưới chạm trổ 3 mặt hình 3 cô gái Apsara chắp tay ngồi trên đài sen cách điệu; tác phẩm “Tranh chạm cụ đồ viết chữ” tạo tác năm 1980, tranh chạm nổi duy nhất của nghệ nhân diễn tả cảnh cụ đồ đang viết chữ bên cạnh là bé trai mài mực phía trước có một cô gái ngồi xem, phía trên hai góc bức tranh là cành mai và 3 chữ Hán “Phước”; tác phẩm “Tranh khắc trũng “mục đồng” còn gọi là tranh chạm bấm, tạo tác năm 1973, với đồ án “mục đồng” trong Ngư - Tiều - Canh - Mục: cảnh bé trai ngồi thổi sáo giữa vùng quê yên tĩnh, xa xa có núi cao; bộ án gió “Mai - Tùng - Cúc - Trúc”, tạo tác năm 1974, gồm 4 bức chạm cây hoa mai, cây trúc, cây hoa cúc, cây tùng cùng các ô vuông dây lá. Tác phẩm “Chân đế”dùng để đặt lư hương bằng đồng, tạo tác năm 1973, là khối chữ nhật mặt trên trơn, 4 mặt hông chạm long rồng và dây lá. Tác phẩm “Mâm lá sen” tạo tác năm 1980, điêu khắc hình lá sen, ếch nằm trên lá sen, giữa mâm có dấu *. Bộ tượng Phật “Tam thế” tạo tác năm 1986; gồm 3 đức Phật trong tư thế đứng tay cầm lọ nước, tay cầm chén ngọc, tay cầm sen. Tác phẩm “Tượng voi”ngồi tạo tác năm 1986 trong tư thế ngồi co chân trái, vòi cong, đầu vòi chạm vào trán. Ngoài ra còn có tượng sư tử sáng tác năm 1988, tạc tượng sư tử ở tư thế đứng chồn chân về phía trước vồ mồi. Tượng con trâu nằm, tượng voi trong tư thế đang đi, tượng Ông Thọ, làm mẫu giảng dạy ở trường Bá Nghệ những năm 1964-1974. Tượng Di Lặc, tượng Phật Bà, tượng Bố Đại, tượng Mẹ con, Tượng gấu, tượng Phật Hủy Lạc… là các tượng mẫu làm hàng xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Những tác phẩm này một phần nào cho chúng ta biết được bàn tay tài hoa cũng như sự đam mê, sáng tạo, yêu nghề của ông.

HOÀNG LONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên