Nghề rèn ở Nhị Thành: Còn đó những khó khăn!

Cập nhật: 18-03-2015 | 15:28:04

Nghề rèn ở Nhị Thành (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) ra đời cách đây vào khoảng 150 năm, được tiếp nối qua nhiều thế hệ và tồn tại đến ngày nay. Sản phẩm của làng nghề rèn rất cần thiết trong đời sống của cộng đồng. Cuộc sống ngày càng phát triển, cơ giới hóa nông nghiệp - nông thôn đã và đang được áp dụng, nên sản phẩm của nghề rèn mất dần chỗ đứng. Cày, cuốc, liềm, hái bằng tay được thay thế dần bằng máy cày, máy xới, máy gặt đập liên hợp, nhưng vẫn còn in đậm trong tâm tưởng của bao thế hệ nhà nông đi khai hoang, mở đất.

Làng nghề thời hoàn kim

Đến Nhị Thành vào mùa gặt, ngay từ đầu làng đã nghe âm thanh chan chát tiếng đe, tiếng búa… Những người thợ, bên lò lửa nóng vẫn miệt mài nung, đập những khối thép để cho ra những sản phẩm phục vụ mùa gặt. Theo những người cao tuổi ở Nhị Thành thì nghề rèn nơi đây đã có từ lâu và trải qua nhiều thăng trầm. Thời hoàn kim của làng nghề rèn Nhị Thành là vào giai đoạn 1978-1988, tập trung sản xuất dụng cụ dao phát cỏ, cuốc, leng, xẻng phục vụ công cuộc khai hoang vở đất ở vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu ... Những năm đó các lò rèn phải đỏ lửa suốt đêm, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Khi công cuộc khai hoang vở đất kết thúc, nhiều loại máy nông nghiệp xuất hiện thì nghề rèn thu hẹp dần. Ngày nay, nghề rèn nơi đây vẫn được duy trì qua hình thức “cha truyền con nối”, hoạt động chủ yếu là hộ gia đình theo thời vụ. Trước đây, toàn xã có khoảng 100 lò nhưng nay thì chỉ còn khoảng 60 lò, tập trung chủ yếu ở các ấp 2, 4 và 5.

Một lò rèn gia đình ở ấp 4, xã Nhị Thành

Khi hỏi về những công đoạn và bí quyết của nghề, ông Lê Minh Nhựt, năm nay 82 tuổi, ở ấp 4 Nhị Thành, cho biết: “Để làm ra sản phẩm rèn, phải trải qua nhiều công đoạn như cắt sắt tạo hình, nung, đập, nhúng nước, rồi lại nung, đập cho đến khi định hình được sản phẩm. Khâu gia công sản phẩm thì có bào, gọt, làm chuôi, tra cán, lau chùi. Hoàn thành các công đoạn đó là có thể đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Còn về bí quyết nghề thì đó là kinh nghiệm do người thợ chắc lọc từ những năm tháng cần mẫn với nghề và đôi tay khéo léo do trời phú. Chẳng hạn như chọn loại than đốt lò như thế nào cho tốt, cắt sắt, tạo hình, nung qua lửa làm sao để cho ra sản phẩm tốt nhất cần dựa vào kinh nghiệm. Nói chung tất cả các công đoạn đều đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm mới cho ra sản phẩm có độ sắc, độ bền như mong muốn. Chính vì vậy, người thợ rèn đòi hỏi phải bền bỉ, kiên trì và tỉ mỉ. Rất nhiều người theo nghề nhưng do không hội đủ các tố chất đó nên chỉ một thời gian ngắn là bỏ nghề”.

Và, những trăn trở của người thợ!

Làng nghề rèn ở Nhị Thành hiện đang bước vào giai đoạn khó khăn, nhiều thợ theo nghề lâu năm đã bỏ nghề để tìm tìm kế sinh nhai mới. Trả lời câu hỏi về công việc làm ăn của làng nghề những năm gần đây, nhiều người thợ lắc đầu thở dài: “Những năm gần đây làm nghề rèn khó khăn lắm, đặc biệt là bị cạnh tranh bởi những sản phẩm ngoại nhập. Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu thông qua trung gian nên bị ép giá… Anh em tụi tui chỉ lo cái nghề truyền thống của ông cha để lại bị mai một dần!”.

Một số sản phẩm của làng nghề rèn Nhị Thành

Ông Lê Minh Nhựt, năm nay 82 tuổi, ở ấp 4 xã Nhị Thành, người đã có hơn 60 năm tuổi nghề, tâm sự: “Tôi yêu nghề rèn như máu thịt vì rèn là một nghề rất trung thực, không gian dối ngay từ khâu nguyên liệu; sản phẩm rèn không thể thiếu đối với đời sống của bà con mình. Tuy lợi nhuận không lớn nhưng trong thâm tâm tôi vẫn luôn ước mong vùng quê yên bình này ngày ngày vang vọng âm thanh tiếng đập sắt của những người thợ để nghề truyền thống của cha ông còn tiếp nối, để nét đẹp bình dị từ khối óc và đôi bàn tay của người thợ rèn thuở xa xưa không bị mất đi.

Tuy nhiên, do sản phẩm của làng nghề Nhị Thành chủ yếu là các mặt hàng đáp ứng nhu cầu nông nghiệp và tiêu dùng nhỏ lẻ, trong khi đó trước áp lực của cuộc sống hiện đại, sự cạnh tranh gay gắt bởi các sản phẩm công nghiệp kim khí chất lượng cao, các sản phẩm rèn truyền thống không thể sánh kịp. Các hộ kinh doanh nghề rèn ở Nhị Thành hầu hết là tự phát, quy mô nhỏ, manh mún, quy trình công nghệ lạc hậu, không chủ động được đầu ra… Một thực tế khách quan là thiếu sự chuyển giao kinh nghiệm bởi nghệ nhân thì ngày càng già, số thợ trẻ thì không chí thú với nghề, sẵn sàng bỏ nghề, bỏ quê để kiếm việc làm khác có thu nhập cao hơn. Do đó, vấn đề được dự báo trước là nghề rèn ở đây đang đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền!

Để giữ vững làng nghề, thời gian qua chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội Nông dân cũng đã vào cuộc. Các lò rèn bên cạnh được được hỗ trợ vốn, còn được chính quyền vận động tham gia vào các tổ hợp tác. Đây là điều kiện để các hộ còn theo nghề ở địa phương tiếp tục bám nghề. Trong tương lai, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghề rèn, chính quyền địa phương cũng đã có kế hoạch hỗ trợ vốn vay, tổ chức các hoạt động giao lưu, xúc tiến thương mại… để sản phẩm rèn Nhị Thành có điều kiện tiếp cận thị trường. Đó là niềm vui chung cho những người làm nghề rèn nơi đây.

Thiết nghĩ, với một đất nước mà 80% dân số sống ở nông thôn, đa phần trong số đó đều theo nghề nông thì những nông cụ thô sơ như cuốc, liềm, dao, rựa… là không thể thiếu trong mỗi hộ gia đình. Do vậy, làng nghề rèn Nhị Thành vẫn còn đất sống. Nếu biết cách tổ chức, sắp xếp và khuyến khích, đặc biệt là việc thành lập các tổ hợp tác tìm đầu ra cho sản phẩm thì nghề rèn nói chung và nghè rèn ở Nhị Thành chắc chắn sẽ còn phát triển.

NGUYỄN NHƯ UYÊN

(Đại học Văn hóa TP.HCM)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên