Nghệ sĩ Ngọc Kiều Oanh: Cánh chim không mỏi với giọng ca ngọt ngào

Cập nhật: 27-03-2021 | 08:38:46

Đờn ca tài tử (ĐCTT) là bộ môn âm nhạc dân tộc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại Bình Dương, đã có nhiều người luôn tâm huyết, đau đáu với việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của ĐCTT, mà trong đó phải kể đến nghệ sĩ Ngọc Kiều Oanh. Ghi nhận những đóng góp của nữ nghệ sĩ này, tỉnh đã đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho chị.

 Ngọc Kiều Oanh (bìa phải) trong trích đoạn cải lương “Thái hậu Dương Vân Nga” trong chương trình Giỗ Tổ sân khấu do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức năm 2020

 Có duyên với các huy chương vàng

Lần nào gặp Ngọc Kiều Oanh, chúng tôi đều thấy ở chị luôn có một niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng, nhất là với ĐCTT. Chị xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong các chương trình ĐCTT trong và ngoài tỉnh, được mọi người chào đón. Sở hữu chất giọng ngọt ngào, luôn phấn đấu, chăm chút cho từng tác phẩm nghệ thuật mình tham gia, nhất là với ĐCTT, Ngọc Kiều Oanh đã và đang từng ngày đóng góp thêm những món ăn tinh thần chất lượng cao cho mọi người.

Kiều Oanh cho biết, chị tên thật là Nguyễn Thị Kiều Oanh. Hồi nhỏ, mỗi khi có đoàn hát về xã Tương Bình Hiệp, TX.Thủ Dầu Một (nay là phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một), chị thường lẻn vào cánh gà xem các nghệ sĩ hóa trang. Rồi có lẽ vì vậy mà cô có duyên với nghiệp ca hát. Cô bé Oanh thuộc rất nhanh những câu vọng cổ, những bài dân ca chỉ sau vài lần nghe qua radio. Mãi đến năm 16 tuổi, Kiều Oanh mới tham gia giọng ca cải lương do Bình Dương tổ chức. Từ cuộc thi này, Kiều Oanh có dịp tiếp xúc cùng thầy Tư Còn để học hát một cách bài bản hơn… nhưng cũng chỉ để thỏa lòng đam mê.

Kiều Oanh chia sẻ, những câu hò, điệu lý hay những câu vọng cổ ngọt ngào, tha thiết của quê hương, những âm điệu ngũ cung của nhạc tài tử giờ đây đã ăn sâu vào máu thịt, đi vào trái tim và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân Nam bộ. Vì thế, với Kiều Oanh cũng không ngoại lệ. Cô đam mê nhạc tài tử và từng bước trưởng thành hơn khi theo đuổi bộ môn nghệ thuật di sản này.

Giờ đây, nhắc đến Ngọc Kiều Oanh, người hâm mộ nhớ ngay đến giải Bông lúa vàng năm 2013. Cũng từ đây, Ngọc Kiều Oanh được khán thính giả biết đến ngày càng nhiều hơn. Các thành tích của Ngọc Kiều Oanh có thể kể đến như: Tiếng hát triển vọng - giải thưởng Văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ lần V (2011-2015), HCV Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ I tại Bạc Liêu 2014, HCV liên hoan ĐCTT Đông Nam bộ mở rộng tại Bình Dương 2016, HCV Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017… Và mới đây chị đạt giải triển vọng - giải thưởng Văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ lần VI (2016- 2020) với DVD “Hai dòng sông một miền quê”.

Cánh chim không mỏi

Nói về DVD “Hai dòng sông một miền quê”, Ngọc Kiều Oanh cho biết, đây là tâm huyết muốn quảng bá hình ảnh đất và người Bình Dương nhiều hơn thông qua âm nhạc của cô trong quá trình tham gia biểu diễn ở quê hương. DVD quy tụ nhiều ca khúc ngợi ca Bình Dương do các văn nghệ sĩ Bình Dương sáng tác. Góp mặt trong DVD còn có nhiều gương mặt ca sĩ, nghệ sĩ quen thuộc của Bình Dương.

Các thành tích của Ngọc Kiều Oanh có thể kể đến như: Tiếng hát triển vọng - giải thưởng Văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ lần V (2011- 2015), HCV Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ I tại Bạc Liêu 2014, HCV liên hoan ĐCTT Đông Nam bộ mở rộng tại Bình Dương 2016, HCV Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017.

Nhạc sĩ Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho biết, với sự đầu tư từ chất lượng hình ảnh, âm thanh, nội dung các ca khúc, DVD đã được đánh giá cao, đoạt giải triển vọng cuộc thi Văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ lần VI (2016-2020). Hy vọng, Ngọc Kiều Oanh sẽ ngày càng phát huy hơn nữa tài năng nghệ thuật của mình để góp phần gìn giữ âm nhạc truyền thống của dân tộc, làm phong phú món ăn tinh thần cho khán thính giả gần xa.

Tuy đã đạt được nhiều giải thưởng cao nhưng Ngọc Kiều Oanh tâm niệm phải tôi luyện nhiều hơn nữa mới thực sự “chín” với nghề. Vì thế, chị luôn hăng hái tham gia các khóa học ĐCTT do tỉnh tổ chức từ cơ bản đến nâng cao. Bên cạnh việc trau dồi kiến thức, chất giọng cho bản thân, Ngọc Kiều Oanh còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Năm 2020, Ngọc Kiều Oanh tham gia làm thành viên Ban giám khảo hội thi Tìm kiếm tài năng Bến Cát Idol, Ban giám khảo Hội thi Tiếng hát giáo viên TX.Bến Cát, Ban giám khảo hội thi Tiếng hát bolero các doanh nghiệp, cuộc thi Duyên dáng phụ nữ TP.Dĩ An…

Giờ đây, nhiều người yêu nhạc ở Bình Dương và các tỉnh, thành phố lân cận đã và đang rất yêu mến những bản nhạc dân ca, nhạc trữ tình, những bài vọng cổ hay những bài bản oán ngọt ngào mùi mẫn do Ngọc Kiều Oanh thể hiện; đặc biệt là những bài hát về Bình Dương như: Bình Dương một khúc tình quê, Bình Dương mùa trái chín, Anh sẽ về thăm lại quê em, Chợ Thủ quê em... “Mong sao cho phong trào ĐCTT Bình Dương ngày càng phát triển, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia và sớm có các lớp dạy ĐCTT trong các trường học để các bạn học sinh, sinh viên có điều kiện lĩnh hội những kiến thức thực thụ của bộ môn âm nhạc dân tộc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này. Hy vọng rằng Oanh cũng sẽ được mọi người yêu mến như các cô chú, anh chị đi trước để được tiếp nối, trở thành cánh chim không mỏi mang những làn điệu ngọt ngào đến nhiều người hơn”, Ngọc Kiều Oanh bộc bạch.

 THỤC VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên