Nghệ sĩ Thanh Hải: Người con của đất Bình Dương

Cập nhật: 14-10-2014 | 10:40:39

Như thế là đã tròn một tháng (16.9 - 16.10) ngày nghệ sĩ Thanh Hải về với tổ nghiệp. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, nghệ sĩ Thanh Hải được ái mộ không chỉ như một danh ca mà còn là một tài năng diễn xuất cải lương. Nghĩa tử là nghĩa tận, tuy người nghệ sĩ này không phát triển tài năng nơi chôn nhau cắt rốn nhưng ông đã góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống văn hóa của quê hương.

Cố nghệ sĩ Thanh Hải sinh năm 1933 tại Dĩ An, Bình Dương trong một gia đình nghèo, không có truyền thống sân khấu. Tuy nhiên, niềm đam mê vọng cổ cùng tài năng bẩm sinh đã đưa ông trở thành một trong những nghệ sĩ sáng giá lúc bấy giờ. Chất giọng được cho là “đồng rặt” của “Vua vọng cổ” Út Trà Ôn cùng độ ngọt ngào của giọng ca Hữu Phước, ông đều may mắn có được. Với sự nâng đỡ của các soạn giả, đạo diễn cải lương tên tuổi đương thời và sự khổ luyện, đã giúp Thanh Hải phát triển làn hơi thiên phú ấy trở thành cái riêng của mình. Đặc biệt, ông là người đầu tiên và thành công khi đưa giọng ngâm Tao đàn, một điệu ngâm thơ không dễ lúc đó vào cải lương. Sự kết hợp mới lạ, độc đáo ấy đã khiến cách hát vọng cổ của ông gây ấn tượng mạnh với người nghe lẫn giới chuyên môn. Ông được mệnh danh là “Vua Tao đàn” cũng nhờ sự sáng tạo quý giá ấy. Những vai vang bóng một thời đã làm nên tên tuổi của Thanh Hải trên sân khấu cải lương như Đào Cam Mộc (Tiếng trống sang canh), Châu Vũ Đào (Chiếc lá mùa thu), Ai Bình Cơ(Hai chiều ly biệt), Tô Điền Sơn (Thuyền ra cửa biển),Trần Tử Lang (Nắng chiều trên sông Dịch), Lý Kim Tùng (Nửa bản tình ca),…  Vào khoảng những năm 1962-1968, Thanh Hải đã được mời thu âm hơn 100 vở cải lương và vài trăm bài vọng cổ, chỉ xếp sau “Ông hoàng đĩa nhựa” Tấn Tài. Năm 1967, Thanh Hải trở thành nghệ sĩ thứ sáu vinh dự nhận Huy chương vàng giải Thanh Tâm, một giải thưởng sân khấu danh giá nhất lúc bấy giờ. Ông chỉ từ giã cánh màn nhung từ năm 1984 để giữ hình ảnh đẹp của một thân tằm trả nợ dâu trong lòng giới mộ điệu.

Bình Dương có thể không phải là cái nôi của nghệ thuật cải lương, nhưng đây chính là mảnh đất đã nuôi dưỡng tài năng của nhiều nghệ sĩ danh giá một thời mà cố nghệ sĩ Thanh Hải là một ví dụ. Hy vọng rồi đây với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những ngôi sao của sân khấu cải lương được sinh ra từ mảnh đất Bình Dương như cố nghệ sĩ Thanh Hải lại xuất hiện và tỏa sáng.

TRẦN PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên