Nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một: Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Cập nhật: 11-04-2016 | 09:11:49

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp (phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một), là chiếc nôi của ngành sơn mài mỹ thuật Bình Dương với lịch sử gần 300 năm hình thành và phát triển. Trải qua nhiều thế hệ, với nhiều thăng trầm cùng sự phát triển của kinh tế - xã hội, nghề sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, là sự kết tinh của nét tinh xảo, nhẹ nhàng, thanh thoát, đậm đà phong cách Á Đông. Với những giá trị văn hóa quan trọng của làng nghề thủ công này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định số 1328/QĐ-BVHTTDL, công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp. Danh hiệu này là một động lực lớn dành cho những con người đang chung tay, góp sức bảo vệ một làng nghề, một nền văn hóa đặc trưng của vùng đất Thủ...

Hiệp hội Sơn mài Bình Dương tham gia Triển lãm Quốc tế Đồ gỗ - Trang trí nội - ngoại thất tại Singapore (IFFS) tháng 3- 2016

Tự hào làng nghề truyền thống

Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên ngay tại chiếc nôi sơn mài Tương Bình Hiệp của Bình Dương. Thế hệ “7X đời cuối” như tôi đã được đi qua thời kỳ vàng son của làng sơn mài này vào khoảng thập niên 1980-1990. Lúc đó, một hợp tác xã sơn mài đã được thành lập với trên 160 xã viên, trên 700 hộ có nguồn thu nhập chính từ sản xuất sơn mài. Nghề thủ công của đất Thủ còn thu hút hàng ngàn lao động từ các nơi khác đến để làm nghề và học nghề.

Cũng với đôi bàn tay khéo léo, cần mẫn của một nghệ nhân sơn mài, ba mẹ đã nuôi anh em tôi khôn lớn. Tôi vẫn nhớ như in những lúc rảnh rỗi sau giờ học, tôi thường lẽo đẽo theo ba để ngắm nghía các tác phẩm của ông, tìm hiểu theo cách của một đứa trẻ về công đoạn và cách thực hiện để cho ra một sản phẩm sơn mài thủ công đẹp.

Giờ đây, trải qua nhiều thăng trầm, đi qua thời kỳ vàng son, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn đang được các thế hệ kế tiếp nhau trao truyền và thực hành như một nghề thủ công bên cạnh các hoạt động kinh tế khác.

Trò chuyện cùng ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài Bình Dương, chủ doanh nghiệp sơn mài Tư Bốn nhân dịp sơn mài Tương Bình Hiệp vừa được công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia, chúng tôi thêm tin tưởng về sự phục hồi mạnh mẽ và xa hơn của một trong những nghề thủ công mà cha ông đã truyền lại. Theo ông Linh, chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế để đưa ra những bài toán kinh tế hợp lý cho làng nghề nhằm thu hút và khuyến khích giới trẻ tham gia. Chỉ có sự tham gia tích cực của các thế hệ mới, dưới sự dìu dắt, truyền nghề của các nghệ nhân dày dạn kinh nghiệm thì một nghề truyền thống mới có cơ hội sống và phát triển. Và đó chính là hướng đi bấy lâu nay của làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp.

Họa sĩ Nguyễn Tấn Công, Phó Chủ nhiệm khoa Sơn mài - trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương cho biết: “Việc sơn mài được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là tin vui dành cho đội ngũ đào tạo nghề như chúng tôi. Chắc chắn các em học sinh, sinh viên đang theo học cũng cảm thấy tự hào, có thêm động lực và tin tưởng trong sự lựa chọn nghề nghiệp của mình”.

Chung tay gìn giữ

Ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Dương cho biết: “Làng nghề truyền thống sơn mài Tương Bình Hiệp vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào chung của người Bình Dương. Qua đây, những người có tay nghề, nghệ nhân có thêm động lực để truyền và giữ nghề, giữ gìn nét văn hóa riêng của tỉnh nhà…”.

Trong thời buổi kinh tế cạnh tranh như hiện nay, chìa khóa để giúp các làng nghề tiếp tục tồn tại và phát triển chính là giải quyết được bài toán về kinh tế. Làm sao để các nghệ nhân thủ công sống được với nghề, với niềm đam mê mà họ đang theo đuổi. Khi đó, tự khắc mọi người sẽ tập trung làm nghề nghiêm túc và dốc sức. Việc giải bài toán này cần phải được có sự hỗ trợ từ nhiều phía. Trong đó, tỉnh cần tạo cơ hội để sản phẩm sơn mài được đồng hành cùng ngoại giao đoàn đến với các nước trên thế giới. Đây là con đường quảng bá hình ảnh của Bình Dương, của làng nghề truyền thống hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm, bí quyết nghề nghiệp cần phải được ghi chép, nghiên cứu và in thành sách để làm tư liệu khoa học phục vụ cho việc gìn giữ và phát triển nghề sau này. Ngoài ra, để sơn mài Tương Bình Hiệp trở thành một thương hiệu có sức cạnh tranh ở thị trường trong nước và đấu trường quốc tế, cần đào tạo đội ngũ quảng bá thương hiệu một cách chính thống. Song song đó, việc hình thành khu du lịch liên kết với nhau, từng nhà, từ hộ gia đình vẫn có thể làm du lịch trong sự chuyên nghiệp ở từng công đoạn của ngành nghề: Mộc, ốc, sơn, phòng trưng bày sản phẩm hoàn thành… trong tour khép kín nhanh chóng thực hiện. Đây là điểm thu hút để vừa phát triển du lịch, phát triển làng nghề một cách hiệu quả.

Mọi giải pháp dù khó đến đâu nhưng nếu có những người tâm huyết cùng chung tay xây dựng chắc sẽ thành công. Và rồi làng sơn mài Tương Bình Hiệp sẽ phát triển rực rỡ để đây không chỉ là niềm tự hào của một làng nghề mà còn là di sản văn hóa đáng trân trọng của cả dân tộc.

 

 SONG ANH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên