Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ với nền âm nhạc dân tộc

Cập nhật: 08-04-2017 | 10:40:02

Kỳ 1: Từ đờn ca tài tử đến sân khấu cải lương

Với bài Dạ cổ hoài lang (sáng tác năm 1919), cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã đặt viên gạch đầu tiên cho di sản đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ. Gần một thế kỷ qua, những đồng nghiệp kế thừa của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và quần chúng lao động yêu thích âm nhạc dân tộc đã phát triển di sản này lên đỉnh cao nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật ca kịch cải lương. Đây là loại hình nghệ thuật đã và đang trở thành “món ăn tinh thần” của hàng triệu người dân Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung. Không chỉ có thế, nghệ thuật ca kịch cải lương Nam bộ còn được bạn bè trên thế giới tiếp nhận một cách trân trọng.

Trải qua năm tháng, đến nay Dạ cổ hoài lang đã có những dị bản, kể cả ca từ và âm nhạc, từ đó làm nên loại hình ĐCTT đậm chất Nam bộ. ĐCTT hiện diện khắp mọi nơi, từ đồng ruộng đến sông rạch, từ tiếng ru con giữa trưa hè đến tiếng rao lảnh lót của chị bán chè bột khoai nước dừa đường cát đều mang âm điệu của ĐCTT, đậm đà hồn dân tộc. Không biết tự bao giờ ĐCTT đã trở thành âm nhạc dân tộc, gieo vào tiềm thức trong mỗi chúng ta, từ thuở còn nằm nôi với tuổi thơ bé bỏng, những âm điệu không thể nào quên. Có thể nói tiếng võng kẽo kẹt trưa hè là nhịp điệu, là tiết tấu; còn tiếng mẹ ầu ơ là ca khúc, là ngôn ngữ, là lời tình tự quê hương mộc mạc, êm đềm nuôi lớn tâm hồn chúng ta.

 CLB ĐCTT trong một buổi sinh hoạt tại Nhà cổ Đỗ Cao Thứa ở xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên Ảnh: X.THI

Nhạc cụ để đáp ứng cho ĐCTT cũng rất đơn giản. Chỉ với cây đờn kìm, cây đờn cò hay cây đờn độc huyền cầm thô sơ là đủ. Đơn giản là thế nhưng khi được những ngón tay điêu luyện của những thầy đờn tài hoa nắn nót, thì âm nhạc dân tộc Việt Nam không chỉ là ngũ âm, bát âm mà là hàng chục, hàng trăm âm thanh hòa quyện réo rắt lúc bổng, lúc trầm mà âm nhạc nước ngoài không hề có và không thể nào so sánh nổi. 

“Nhân dân ta không quên một điều gì hết, bất cứ ai làm điều gì tốt cho dân, cho nước đều được khắc ghi và lưu truyền từ đời này sang đời khác. ĐCTT như một dòng chảy lặng lẽ trong tiềm thức của nhân dân, càng chảy càng sâu và ngày càng rộng lớn…”.

(Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Nhân)

Về cách ngồi đờn (tức là tư thế của ông thầy đờn) tuy có quê mùa, kỳ cục nhưng nó phải thế. Mặc quần tây, áo sơ mi, ngồi ghế mà đờn thì không đẹp, không sang, không đúng cách đâu. Hay mặc áo dài khăn đóng cũng không phải, vì đây là phong cách nghệ thuật cung đình của triều đình Huế. Hãy nhìn hình ảnh của nhạc sư Cao Văn Lầu, khi ngồi đờn ông vẫn mặc áo bà ba, khăn rằn vắt vai, bởi đó là phong cách Nam bộ. Thầy đờn thường ngồi trên bộ ván, mặc áo bà ba, khăn rằn vắt vai, chân trái chống lên, chân phải khuỳnh ra, giống như tư thế xếp bằng. Tư thế đó còn giúp người nhạc sĩ dùng ngón chân của mình đè lên con ngựa đờn, để hãm bớt âm thanh khi cần, giống như cái Souzdine trên cây đờn vĩ cầm của người ngoại quốc. Chỉ với tư thế đờn đã toát lên cái giản dị mà độc đáo chỉ có ở người Việt Nam. Còn nói đến bài bản thì đám hậu sinh như chúng ta phải giở nón cúi đầu với những sáng tác tuyệt vời của các bậc tiền bối trong làn điệu cổ nhạc ngày xưa.

Bên ấm trà chung rượu, hết ngâm tới lý, hết Bắc tới Nam, cứ thế mà vui hòa âm điệu một cách tài tử phong lưu. Từ đó, những buổi hòa nhạc dân tộc cổ truyền có cái tên rất dễ thương là ĐCTT… Trong cơn tửu hứng, người ta không ngồi ca, mà đứng lên làm bộ đá giáp, đi ngựa, vuốt râu, tùy theo bài ca, có lúc hân hoan hay bi lụy. Người ngồi bên cạnh cũng nổi hứng đứng lên bước tới, thế là cả hai cùng ca, cùng ra bộ, với những bài Xuân tình, Bình bán, với tích chuyện ông Trương Tiên Bửu, Bùi Kiệm, Nguyệt Nga… thế là ĐCTT bắt đầu có cái tên mới: Ca ra bộ. Để đáp ứng nhu cầu của những người ca ra bộ, người sáng tác bắt đầu viết những vở có nhiều vai, có lớp và thời lượng dài hơn. Để bà con đứng xa dễ nhìn, dễ thấy, họ kê lên ba, bốn cái bàn và đứng trên đó mà diễn, thế là sân khấu cải lương ra đời. 

Nói đến nghệ thuật ca kịch cải lương tức là nói đến một đoàn hát, có phông màn, cảnh trí, ca hát có tuồng tích. Sân khấu cải lương sử dụng nhạc tài tử, nhưng có sửa đổi để kéo dài hay rút ngắn cho phù hợp, về sau các nghệ sĩ sáng tác thêm những bài ca mang hơi hướng nhạc Tiều Châu (gọi là bản Tiều) gốc Trung Hoa, như: Xang xừ liếu, Khóc hoàng thiên, Mạnh Lệ Quân… và tất cả đều được Việt hóa. Có thể nói ĐCTT và nghệ thuật ca kịch cải lương tuy hai mà một. ĐCTT thì chân phương, chậm rãi, còn cải lương thì nhanh nhẹn, sôi nổi, đôi khi hơi sa đà đôi chút. ĐCTT hay ca kịch cải lương đều là cái hồn dân tộc. Hồn cốt dân tộc len lỏi vào tâm hồn của mỗi con người, tạo ra phù sa vun đắp cho vườn hoa âm nhạc dân tộc thêm hương, thêm sắc.

Kỳ tới: Vùng đất sản sinh ra các nghệ nhân

Nghệ sĩ NGUYỄN QUỐC NHÂN 

(Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Dương)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên