Nghề vẽ tranh kiếng ở Lái Thiêu

Cập nhật: 08-11-2014 | 09:46:42

Có một nghề thủ công truyền thống khá nổi tiếng trước đây của đất Thủ Dầu Một tồn tại cả trăm năm về trước mà ngày nay ít người còn biết đến. Đó là nghề vẽ tranh kiếng ở vùng đất Lái Thiêu…

Thợ đang vẽ tranh trên kiếng

 Nghề có từ khi nào?

Nghề vẽ tranh kiếng được truyền vào Việt Nam do những người Hoa di dân vào đầu thế kỷ XX. Lúc đầu, những tiệm kiếng ở Chợ Lớn chỉ buôn bán các loại kiếng soi mặt, cắt kiếng lộng khuôn hình, lắp tủ kiếng và những loại kiếng màu xanh, vàng, đỏ để gắn khung cửa chớp, cửa gió… Về sau, họ còn vẽ những tấm đại tự trên kiếng thủy, chữ nhũ vàng dùng để mua tặng nhân dịp hiếu hỷ khai trương, tân gia, đám cưới, chúc thọ và cả những bộ tranh thư họa. Đến thập niên 20, một số thợ vẽ tranh kiếng đã theo về Lái Thiêu, cái nôi của ngành thủ công nghiệp lúc bấy giờ. Lái Thiêu cách Sài Gòn - Chợ Lớn không xa, là vùng đất giàu tài nguyên, giao thương thuận tiện, có đường xe lửa Sài Gòn - Lộc Ninh nên nơi đây là chợ đầu mối tập trung hàng hóa bán buôn, phân phối đi khắp nơi. Nghề vẽ tranh kiếng Lái Thiêu khởi phát nhanh chóng, lại được bổ sung bằng đội ngũ họa sĩ được đào tạo từ trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một nên ngày càng có chất lượng hơn, chiếm được thị phần quan trọng khắp Nam kỳ.

Đầu năm 1946, quân đội Anh - Pháp tiến chiếm Thủ Dầu Một (Bình Dương), lập đồn bót, bắt bớ dân lành. Nhà tiệm đóng cửa, chợ búa không nhóm, mọi ngành nghề đều ngưng hoạt động. Nghề làm tranh kiếng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng đó. Qua Tết Bính Tuất 1946, chợ Lái Thiêu mới hoạt động trở lại nhưng vẫn còn thưa vắng, giao thương khó khăn, trì trệ. Đến năm 1950, tình hình tạm lắng nhưng công việc làm tranh kiếng ế ẩm, song vẫn còn duy trì và nhân rộng ra các địa phương khác. Ở đây, nghề vẽ tranh kiếng vẫn được bảo lưu và duy trì bởi một số nhóm thợ vốn là học trò của những lớp nghệ nhân vẽ tranh kiếng tài hoa ngày trước, song không thịnh đạt.

Nghề tranh kiếng xưa bắt nguồn từ nghề vẽ tranh trên giấy, lụa, gỗ, các nghệ nhân vẽ sáng tạo ra cách vẽ tranh trên kiếng. Khác với các loại tranh vẽ thông thường, kỹ thuật vẽ tranh kiếng đặc biệt, nguyên tắc vẽ tranh kiếng là phải vẽ từ phía sau mặt kính, khi vẽ xong mới lật tấm kính lại và bề đó mới chính là bề mặt của tranh. Do nguyên tắc là vẽ phía sau mặt kính nên chi tiết nào đáng lẽ phải vẽ sau cùng, thì với tranh kính lại phải vẽ trước tiên. Khi bắt đầu vẽ thì người thợ đặt tấm kiếng trên tờ giấy mẫu vẽ ngược, rồi dùng bút lông chấm mực vẽ đồ theo tờ giấy mẫu ấy, từ chuyên môn được gọi là “tách”. Người thợ tách phải có bàn tay khéo léo để nét bút được sắc sảo. Sau khi tách xong, người thợ chấm sơn tô màu theo quy định vào những ô đã tách và “tán”, tức pha ô màu từ đậm tới lợt. Tô màu theo trình tự nhất định: Vật thể tiền cảnh trước, hậu cảnh sau. Cuối cùng là màu phông, rồi đem phơi khô. Sau khi tranh đã khô thì mới cẩn ốc xà cừ, dán vàng quỳ, tô nhũ kim hay dán giấy trang kim vào phía sau bức tranh để tăng thêm phần rực rỡ. Sau cùng, họ phủ thêm lớp sơn để bảo vệ rồi mới đặt vào khuôn gỗ đóng hậu, hoàn thành sản phẩm. Chính với đặc điểm này đã tạo nên nét độc đáo trong tranh kiếng.

Một thời hưng thịnh

Trong những năm đầu thế kỷ XX, cùng dòng tranh kiếng Chợ Lớn (Sài Gòn) và Chợ Mới (An Giang), tranh kiếng Lái Thiêu bắt đầu phát triển và nổi tiếng. Những năm thập niên 20, là thời kỳ hưng thịnh nhất của nghề vẽ tranh trên kính ở đất Thủ Dầu Một. Sản phẩm tranh kiếng phong phú và đa dạng, nhiều loại hình, đa dạng màu sắc. Tranh có nhiều đề tài khác nhau và phân theo từng loại hình treo ở những nơi nhất định. Thể loại tranh kiếng khá phong phú như tranh thờ phật, trời, tổ tiên, tranh treo cử buồng trang trí theo đặc điểm kiến trúc nhà ở Nam bộ, tranh phong cảnh, nhân vật, vật linh. Loại tranh thờ tổ tiên, thờ phật thường được treo ở bàn thờ tổ tiên, bàn thờ phật loại tranh này thường thể hiện các đề tài như các bức hoành phi, liễn đối, xung quanh trang trí dây lá, hối văn hay là trang trí viền bằng loại tranh treo cửa buồng là tranh sáng tác để trang trí theo kiến trúc đặc biệt của ngôi nhà Nam bộ. Tranh cửa buồng thường vẽ theo đề tài “Loan phượng hòa minh” tượng trưng chồng vợ hòa hiệp hay “Hoa mẫu đơn và chim phượng” tượng trưng cho sự giàu có…

 Tranh thờ tổ tiên

Trong 3 dòng tranh kiếng ở Nam bộ, tranh Chợ Mới ra đời muộn hơn, sản phẩm không được đẹp như tranh Lái Thiêu và Chợ Lớn nhưng sản phẩm của tranh Chợ Mới lại phong phú, đa dạng mẫu mã và giá thành lại rẻ. Hiện nay, sản phẩm tranh kiếng của Chợ Mới vẫn được bán rộng rãi trên thị trường miền Tây Nam bộ. So với tranh kiếng Chợ Mới (An Giang) và tranh kiếng Chợ Lớn (Sài Gòn) thì tranh kiếng Lái Thiêu đẹp và tinh tế hơn. Người nghệ nhân Lái Thiêu chú đến thể loại tranh thờ tổ tiên, phù hợp với truyền thống người Việt Nam, trong khi nghệ nhân ở Chợ Lớn chú trọng đến tranh Thánh, tranh bài vị và một số hoành phi, tranh dùng để chúc mừng (phù hợp với tâm lý người Hoa).

Người ta chỉ sản xuất theo kiểu gia đình chứ không tập hợp theo nhóm hay hợp tác xã, các gia đình tự làm và bán lại cho những lái buôn. Trong một xưởng vẽ tranh, thông thường có năm, bảy người nhưng chỉ có một người phụ trách chỉ huy, phân công công việc, người này phải am tường mọi việc. Những người còn lại theo sự phân công của người thợ cả làm phần việc của mình. Phần lớn, các thành viên trong xưởng đều là người trong gia đình nhưng cũng có những xưởng còn nhận học viên, những công nhân này khi đã lành nghề có thể ở lại cùng làm việc hoặc ra mở xưởng riêng. Trước kia, tranh Lái Thiêu được chuyển về miền Tây bằng đường thủy. Thị trường tranh kiếng Lái Thiêu không những được phổ biến rộng rãi khắp miền Nam mà còn mở rộng ra các vùng lân cận như miền Trung và nước bạn Campuchia.

Có thể nói trước đây, tranh kiếng là một loại hình nghệ thuật dân gian được người dân Nam bộ nói chung và người dân Bình Dương rất ưa chuộng bởi đề tài phong phú, óc thẩm mỹ và bàn tay tài hoa của nghệ nhân. Hầu như nhà nào cũng treo vài bức tranh kiếng ở nơi bàn thờ, gian nhà chính, phòng khách và ngay cả phía trên cửa buồng trong nhà. Việc treo tranh đã tạo nên một nét văn hóa riêng của người dân Nam bộ cũng như cư dân đất Thủ. Đó chính là động lực thúc đẩy để tranh kiếng phát triển và hưng thịnh đến những năm thập niên 60 của thế kỷ XX. Tiếc rằng hiện nay nghề vẽ tranh trên kiếng không còn tồn tại và nghệ thuật tranh kiếng dần đi vào quên lãng bởi rất nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ nguyên nhân chính là do thị hiếu về thẩm mỹ tranh thờ, trang trí của người dân có nhiều thay đổi; trong khi các loại tranh vẽ, ảnh chụp truyền thần, chân dung phong cảnh ngày càng phát triển, mang lại cho người dân nhiều sự lựa chọn hơn.


 NGUYỄN NGA

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên