Nghị lực của người nữ thương binh

Cập nhật: 18-07-2017 | 07:41:38

Về xã Phú An, TP.TDM đi theo con đường đất đỏ tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Bịch (1940), chúng tôi thật xúc động trước hình ảnh một người nữ biệt động Sài Gòn năm nào vẫn ngày ngày chăm chút dọn dẹp vệ sinh đường sá để giữ cho cảnh quan nơi mình sinh sống luôn sạch đẹp. 

“Thấy bà cụ lưng còng vậy thôi chứ ngày xưa từng làm giao liên, rồi nữ biệt động Sài Gòn đó”, ông Trần Văn Bảnh (chồng bà Bịch) cho biết. Rồi trong ánh mắt rạng ngời niềm vui, bà Bịch kể cho chúng tôi nghe về những thành tích vang dội của mình trong quá khứ. Bà kể, mang trong mình nỗi hờn căm khi cha bị giặc bắn chết ở cầu Ông Cộ nên bà một lòng một dạ theo cách mạng để bảo vệ quê hương, giữ yên bình cho đất nước. Do bà có vóc dáng nhỏ nhắn nên nhìn giống trẻ con. Vì thế, bà rất dễ qua mắt lính Mỹ trong những lần “đi thơ” cho tổ chức.

 Bà Nguyễn Thị Bịch (trái) kể chuyện hoạt động cách mạng của mình với phóng viên Báo Bình Dương

Năm 1962, bà Bịch được cử làm biệt động ở Sài Gòn. Bà mở tiệm may ở đường Hồng Thập Tự rồi thuê thợ về may đồ cho các cô là người yêu của lính Mỹ. Thông qua những lời thăm hỏi vui vẻ với khách hàng, bà Bịch nắm bắt nhiều thông tin cơ mật của chính quyền Mỹ thời đó và kịp thời thông tin cho anh em trong đơn vị mình.

Ít lâu sau, hoạt động của bà Bịch bị lộ, bà bị giặc bắt. Để tra khảo thông tin, chúng tra tấn bà rất dã man, dùng vải tẩm xà phòng nhét vào miệng đến ngạt thở, lấy cây đập vào đầu… Sau nhiều lần tra khảo không thành, bà Bịch nhiều phen chết đi, sống lại; chúng chuyển bà về Nhà tù Phú Lợi (Bình Dương). Sau 3 năm mãn hạn tù, bà Bịch trở về quê Phú An tiếp tục làm công tác giao liên, rồi âm thầm nấu cơm, nuôi giấu bộ đội cho đến khi giải phóng.

Sau giải phóng, cô giao liên, biệt động thành ngày nào trở thành một nông dân chuyên đi gặt lúa mướn ở ấp Phú Thuận. Cảm mến nghị lực của cô, chàng trai Trần Văn Bảnh (quê ở Phú Hòa Đông) sang Phú An đập lúa mướn đã phải lòng cô. Hai người nên duyên chồng vợ và sống hạnh phúc bên nhau. Nhìn đôi vợ chồng “40 năm son” này yêu thương, chăm sóc nhau mà nhiều gia đình trẻ phải ngưỡng mộ. Bởi từng lời nói, cử chỉ họ dành cho nhau thật nhẹ nhàng và tinh tế. Thương vợ hay bệnh đau vì những di chấn do những trận đòn roi của giặc nên ông Bảnh không hút thuốc, cũng không bia rượu và hết lòng chăm sóc thuốc men cho bà. Mặc dù sức khỏe yếu nhưng để lớp trẻ học tập giữ gìn vệ sinh môi trường ngày nào bà Bịch cũng quét dọn sạch sẽ từ trong nhà cho đến ngoài đường lớn. Vì thế, cảnh quan đoạn đường gần nhà bà lúc nào cũng sạch đến ngạc nhiên. Không những vậy, bà còn phân loại rác tại nguồn và vận động bà con hàng xóm làm theo. Những năm gần đây, do tuổi già sức yếu, nên bà chỉ loanh quanh quét dọn xung quanh sân nhà.

Ghi nhận sự nỗ lực của bà Bịch, Công an TP.Hồ Chí Minh đã xây tặng Nhà tình nghĩa và mới đây, gia đình bà đã được tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng để sửa chữa nhà, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng trao tặng trang thiết bị nội thất gồm tủ thờ và bàn ghế…

MINH HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên