Nghĩa tình dịp tết

Cập nhật: 01-02-2016 | 07:57:05

Trong vòng quay hối hả của những ngày giáp tết, hình ảnh chúng ta dễ bắt gặp là những người “tay xách, nách mang” những món quà tặng nhau vào dịp tết. Đó là nghĩa tình chỉ có ở Việt Nam và khó tìm thấy ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Chỉ có dân tộc Việt Nam với đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “không thầy đố mày làm nên” mới có nét đẹp văn hóa này. Tuy nhiên, nét đẹp văn hóa ấy đang bị hoen ố do người ta lợi dụng việc tặng quà tết để đưa và nhận hối lộ nhằm vào những mục đích khác nhau và không còn mang ý nghĩa thể hiện nghĩa tình dịp tết.
Tặng quà thể hiện đạo hiếu với cha mẹ, ông bà; tặng quà thể hiện sự kính trọng với người thầy đã dày công dạy dỗ ta nên người; tặng quà thể hiện sự tri ân với người đã giúp đỡ ta trong suốt một năm làm ăn… vào dịp tết là đạo lý của dân tộc. Không một dân tộc nào trên thế giới có thể nâng việc tặng quà vào dịp tết thành nét đẹp văn hóa như ở Việt Nam. Việc tặng quà tết cho những người mình yêu thương, kính trọng không phải bây giờ mới có mà đã được truyền đời từ xưa. Hình ảnh chú bé tay xách bị nếp, nách mang con gà biếu thầy vào dịp tết trong tranh Đông Hồ đã nói lên tất cả.
Quà tết không chỉ thay cho lòng biết ơn, sự tôn trọng của người tặng đối với người nhận mà còn biểu hiện phép ứng xử, đạo lý làm người. Quà tết xưa thường chỉ là cặp bánh chưng, chiếc giò chả nhà làm; bị nếp nhà trồng hay con gà nhà nuôi… Món quà tuy giản dị nhưng lại thể hiện sự quý mến, tấm lòng thành cũng như những lời chúc tốt đẹp của người tặng quà đối với người nhận quà vào dịp tết. Ngày nay, khi mọi thứ đã đủ đầy, một số người lại chú trọng đến hình thức và giá trị món quà. Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy hài lòng với những món quà dư tiền bạc, nhưng lại không chứa đựng nghĩa tình.
Do vậy, việc lựa chọn một món quà ý nghĩa, vừa thể hiện sự quý mến, tấm lòng của người tặng quà, vừa làm hài lòng người nhận quà không phải là điều đơn giản. Để món quà mình gửi tặng người thân, bạn bè, đối tác thêm ý nghĩa trong dịp tết, cần có sự lựa chọn kỹ dựa vào tính cách, gia cảnh người nhận quà, nhưng đừng quá thiên về vật chất mà phải chứa đựng ý nghĩa tinh thần. Lời khuyên của những người có kinh nghiệm là tuyệt đối không nên lợi dụng việc tặng quà tết để đưa hối lộ, vì như vậy món quà tết sẽ không còn ý nghĩa, không chứa đựng nghĩa tình giữa người trao và người nhận mà chỉ đơn thuần là cuộc mua bán, không thể hiện sự tôn trọng đối với người nhận quà.
Việc tặng quà tết đã và đang trở thành nét đẹp văn hóa truyền thông của dân tộc. Đã là nét đẹp văn hóa dân tộc thì trách nhiệm của chúng ta là phải vun bồi, làm cho nét đẹp ấy ngày càng thăng hoa. Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng đưa và nhận hối lộ vào dịp tết, một số cơ quan, địa phương cũng đã có văn bản nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà cho cấp trên vào dịp tết. Thiết nghĩ, đây là việc làm không cần thiết, bởi không ai mong muốn tặng quà để nhận lấy sự khó chịu từ cấp trên. Còn việc đưa và nhận hối lộ có thể diễn ra bất cứ lúc nào và bằng nhiều hình thức khác nhau, không thể nghiêm cấm chung chung mà phải được triệt xóa bằng pháp luật.

LÊ QUANG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên