Nghịch lý giá heo hơi!

Cập nhật: 25-04-2017 | 07:43:27

Ngành nông nghiệp đã và đang chứng kiến nhiều nghịch lý mà chưa có được một chiến lược bài bản để hóa giải. Từ trồng trọt đến chăn nuôi đều chưa bền vững, điệp khúc “được mùa rớt giá” vẫn còn tiếp diễn. Hết “giải cứu” dưa hấu lại đến chuối và nay lại đến giải cứu thịt heo. Thế mới thấy người nông dân cực khổ cỡ nào. Họ là lực lượng đông nhất trong xã hội nhưng không có quyền mặc cả trên thị trường, nên quan hệ giữa thương nghiệp với nông dân đang diễn ra thiếu công bằng.

 Những ngày gần đây, người chăn nuôi heo như đang đứng trên đống lửa khi giá heo hơi đã xuống thấp dưới 30.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là trong những tháng mùa hè sắp tới. Khi một con heo xuất chuồng, trung bình người chăn nuôi lỗ trên dưới 10.000 đồng/kg thịt heo hơi. Trong khi đó, giá thịt heo bán ở các chợ vẫn từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, tương đương thời điểm heo hơi được bán ở mức 45.000 đồng/kg. Điều bất hợp lý này đang khiến người chăn nuôi và người tiêu dùng bị thiệt thòi. Theo các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi thì đối tượng được hưởng lợi trong nghịch lý này là các khâu trung gian mà cụ thể là thương lái.

Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải kiến nghị Chính phủ các nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ cứu người chăn nuôi như: Dừng hoạt động nhập khẩu thịt heo về Việt Nam theo hình thức tạm nhập, tái xuất nhằm bảo vệ thị phần cho các sản phẩm trong nước; tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh áp dụng các biện pháp công nghệ và quản lý phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành và giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành chăn nuôi; đàm phán tìm thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi; khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chỉ là biện pháp tạm thời, còn làm thế nào để những người nông dân không lâm vào nghịch cảnh đó mới là điều quan trọng để ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Đó chính là tính toán việc quy hoạch đàn, quy hoạch vùng cho phù hợp với thực tế ngành chăn nuôi và có tính dự báo cho lâu dài. Song song đó là xây dựng chuỗi liên kết, hệ thống phân phối hiệu quả nhằm giảm bớt khâu trung gian và phân khúc thị trường, vùng nuôi theo thế mạnh.

Trước tình hình thực tế nêu trên, yêu cầu đặt ra là phải có sự đột phá để xây dựng chiến lược bài bản cho ngành chăn nuôi nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung. Có như thế mới đủ sức cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu đang ngày một nhiều khi đất nước hội nhập ngày càng sâu hơn với thị trường thế giới.

 

 T.ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên