Nghiêm túc thực hiện pháp luật lao động

Cập nhật: 28-09-2016 | 08:47:23

Để tạo hành lang pháp lý cho người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động các ngành, đơn vị ở Bình Dương tích cực thực hiện nghiêm pháp luật lao động. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn tồn tại một số khó khăn, thách thức do ý thức tự giác của doanh nghiệp, sự hiểu biết hạn chế của NLĐ, mạng lưới cán bộ còn mỏng…

 

  Ông Hồ Quang Điệp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và bà Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh tặng bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Bộ luật Lao động giai đoạn 2013-2015

 Từ một đơn vị điển hình

Công ty TNHH Shyang Hung Cheng là doanh nghiệp có vốn đầu tư 100% Đài Loan, chuyên sản xuất, gia công giày thể thao xuất khẩu với khoảng 9.214 CNLĐ. Từ khi thành lập đến nay, công ty đã thực hiện khá nghiêm túc pháp luật lao động. Công đoàn đã tham mưu cho Ban giám đốc công ty xây dựng nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế tiền lương, thang bảng lương, quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc, quy chế hội nghị NLĐ trong công ty, đến việc phối hợp hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ.

Hiện nay, thu nhập bình quân của NLĐ trong công ty từ 3,5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Hầu hết CNLĐ trong công ty đã tham gia BHXH, BHYT, BHTN đạt tỷ lệ cao. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng quy chế dân chủ tại cơ sở, Ban Chấp hành công đoàn luôn phát huy quyền được biết, được bàn về quyền, nghĩa vụ liên quan đến NLĐ. Chị Vương Thị Nốt, công nhân chuyền đế cho biết: “Công nhân chúng tôi rất hài lòng với cách làm của công đoàn trong việc xây dựng quy chế dân chủ tại nhà máy. Từ phản ánh của công nhân tại hội nghị NLĐ, Ban Giám đốc đã giải quyết nhiều khó khăn cho NLĐ trong quá trình sản xuất như: Cải thiện môi trường làm việc, nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca, tăng lương, thưởng cho CNLĐ”.

Một trong những nội dung mà nhiều công đoàn cơ sở chưa thực hiện được là việc thông báo phần lợi nhuận kinh doanh cho toàn thể CNLĐ được biết. Tuy nhiên, nội dung này được công đoàn công ty thực hiện khá tốt bởi đây là chìa khóa cho các vấn đề thương lượng tập thể, các phúc lợi cho NLĐ, làm tiền đề để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa. Ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Shyang Hung Cheng cho biết: “Thời gian qua, công ty luôn chấp hành tốt các nội quy, quy định trong thực hiện các chính sách pháp luật liên quan đến NLĐ, bảo đảm mối quan hệ hài hòa, bền vững. Thời gian tới, công ty sẽ thực hiện phân loại, áp dụng chính sách riêng cho lao động thuộc nhóm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và quan tâm hơn nữa tới việc thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp”.

Vẫn còn nhiều thách thức

Những năm qua, việc thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp góp phần thúc đẩy nền kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển vững mạnh. Từ năm 2013- 2015, các ngành ở Bình Dương đã thành lập 57 đoàn thanh, kiểm tra 418 doanh nghiệp. Qua công tác thanh, kiểm tra, đa số các doanh nghiệp đã thực hiện khá đầy đủ các quy định của pháp luật lao động, như giao kết hợp đồng lao động; thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; đăng ký nội quy lao động; ký kết thỏa ước lao động tập thể, làm thủ tục cấp giấy phép lao động cho lao động người nước ngoài, đăng ký thang lương, bảng lương… Ngoài ra, công tác an toàn vệ sinh lao động ngày càng được chú trọng hơn, việc bố trí cán bộ phụ trách về an toàn lao động, cán bộ y tế, cán bộ kiểm định các thiết bị thực hiện nghiêm ngặt. Nhiều công ty còn tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho CNLĐ, lập bảng chỉ dẫn về an toàn vệ sinh lao động và niêm yết tại xưởng sản xuất. Bên cạnh các đơn vị làm tốt, tại một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện pháp luật lao động do ý thức của doanh nghiệp và hiểu biết hạn chế của NLĐ. 3 năm qua, đã có 89 doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, với ý nghĩa ổn định quan hệ lao động, các cấp công đoàn ở Bình Dương luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho cán bộ công đoàn, CNLĐ. Tuy nhiên, mạng lưới tổ chức công đoàn cơ sở, nhất là ở doanh nghiệp còn quá mỏng, trình độ nghiệp vụ còn hạn chế, ít có thời gian học tập, trau dồi kiến thức, chức năng tổng hợp, tuyên truyền, vận động NLĐ ở một số công đoàn cơ sở chưa cao nên chưa mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích của NLĐ theo quy định. Ở một số ít doanh nghiệp còn trì hoãn việc thành lập tổ chức công đoàn.

Ông Hồ Quang Điệp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lý giải thêm, Bộ luật Lao động năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo hành lang pháp lý để người sử dụng lao động và NLĐ thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, ý thức thực hiện pháp luật lao động ở một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, quyền và lợi ích của NLĐ chưa được bảo vệ. Hơn nữa, lực lượng thanh tra lao động còn thiếu, số doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra về việc chấp hành pháp luật lao động ít so với số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.

 KIM HÀ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên