Nghiêm túc tiếp thu và giải trình cụ thể từng ý kiến

Cập nhật: 28-10-2015 | 08:22:39

 Trong phiên làm việc buổi sáng của ngày làm việc thứ hai Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 (27-10), Đoàn Chủ tịch đã dành thời gian thỏa đáng để báo cáo tiếp thu và giải trình các ý kiến đóng góp của đại biểu vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Nhiều ý kiến của đại biểu được Đoàn Chủ tịch giải trình cụ thể được đại biểu thống nhất cao.

 Đồng chí Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, thay mặt Đoàn Chủ tịch đại hội đã trình bày báo cáo tiếp thu và giải trình các ý kiến đóng góp của đại biểu vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Đồng chí Trần Thanh Liêm cho rằng, qua thảo luận của các Đoàn đại biểu, Tổ đại biểu đã có 414 lượt ý kiến góp ý. Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, có nhiều ý kiến phong phú, sâu sắc, xác đáng đóng góp vào dự thảo Báo cáo chính trị trình đại hội.

Về một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Giải trình ý kiến của đại biểu băn khoăn về cơ sở tính toán mục tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người đến năm 2020 là 30m2/người, Đoàn Chủ tịch cho rằng, theo Quy hoạch điều chỉnh tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 135,8 triệu đồng/người (tương ứng giai đoạn 2016-2020, bình quân khoảng 100 triệu đồng/người).

Qua số liệu thống kê của các tỉnh, thành phố trong cả nước và khảo sát thực tế trên địa bàn tỉnh, thì tích lũy dành cho nhà ở hàng năm chiếm khoảng 8,5% thu nhập bình quân đầu người. Do đó tích lũy dành cho nhà ở hàng năm của Bình Dương khoảng 8,5 triệu đồng/người/năm. Mặt khác, căn cứ vào số lượng diện tích của từng loại nhà ở và suất đầu tư tương ứng thì suất đầu tư xây dựng bình quân là 6,5 triệu đồng/m2. Dựa vào căn cứ tích lũy dành cho nhà ở hàng năm và suất đầu tư xây dựng bình quân thì mỗi năm diện tích nhà ở bình quân của tỉnh tăng khoảng 1,3m2/người/năm. Dự kiến đến cuối năm 2015, dân số tỉnh là 1,94 triệu người, diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh đạt 46,4 triệu m2. Như vậy, diện tích bình quân đầu người 23,5m2/người là phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đại hội nghe Đoàn Chủ tịch báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Ảnh: Q.CHIẾN

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh tập trung thực hiện tốt kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương và các dự án phát triển nhà ở đang triển khai thực hiện, dự kiến trong giai đoạn này sẽ xây dựng thêm khoảng 27,7 triệu m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh là 74 triệu m2 để đạt diện tích bình quân đầu người về nhà ở là 30m2/người. Như vậy, diện tích bình quân đầu người tăng trong giai đoạn này là 6,5m2/người là khả thi. Mục tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 30m2/người là hợp lý.

Liên quan đến ý kiến về chỉ tiêu giá trị sản xuất nông nghiệp, theo giải trình của Đoàn Chủ tịch, hiện diện tích cây lâu năm và cây ăn quả toàn tỉnh là 145.006 ha (chiếm 53% diện tích đất). Riêng cây cao su trên 133.000 ha (chiếm 49,5%), hiện nay giá cao su xuống thấp bình quân bằng 30 đến 32 triệu đồng/tấn. Giá trị sản xuất cao su trên ha là 1,81 tấn/ha x 32 triệu = 57,9 triệu đồng/ha. Theo dự báo của ngành nông nghiệp, khả năng giá cao su sẽ còn thấp trong 2 năm 2016, 2017 và có thể tăng từ năm 2018. Do đó, chỉ tiêu giá trị sản xuất nông nghiệp cho cả chu kỳ 5 năm bình quân 80 - 100 triệu đồng/ha là hợp lý (trên cơ sở lấy giá trị sản xuất của lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cộng bình quân).

Về giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, theo giải trình của Đoàn chủ tịch, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 4 khu nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích là 980 ha. Trong đó một số mô hình đã triển khai thực hiện đạt hiệu quả như: trồng dưa lưới, chuối già hương cho doanh thu và lợi nhuận khá cao. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 925 ha các loại cây trồng có giá trị như: rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh… Nhiều mô hình cho thu nhập khá cao như mô hình trồng cam, quýt, bưởi, hoa lan. Bên cạnh đó có 172 trang trại và 12 công ty đầu tư sử dụng giống và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hầu hết các trang trại chăn nuôi đều đầu tư sử dụng giống mới, hệ thống chuồng lạnh, sử dụng thiết bị chăn nuôi tự động. Lợi nhuận trong chăn nuôi đạt khá cao, tuy nhiên đây chỉ là một số mô hình tiêu biểu của tỉnh do chi phí đầu tư ban đầu cao nên chưa được người dân áp dụng rộng rãi. Ước năm 2015 đạt 150 triệu đồng/ha. Hiện tỉnh đang chỉ đạo rà soát quy hoạch ngành nông nghiệp và xây dựng danh mục lĩnh vực ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Do đó, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đề xuất mục tiêu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 150 - 200 triệu đồng/ha là hợp lý.

Các ý kiến cho rằng, chỉ tiêu tỷ lệ đạt 7,5 bác sĩ/vạn dân vào cuối năm 2020, thấp hơn chỉ tiêu của Trung ương (10 bác sĩ/vạn dân) là chưa hợp lý cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu phát triển. Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Trần Thanh Liêm giải trình rằng, chỉ tiêu của Trung ương (10 bác sĩ/vạn dân) được tính chung trong cả nước, trong đó có đội ngũ bác sĩ hiện công tác tại các trường đại học, các vụ, viện, bệnh viện Trung ương và cơ quan Trung ương… Vì vậy, số lượng bác sĩ/vạn dân cao hơn so với các tỉnh.

Việc xây dựng chỉ tiêu tỷ lệ đạt 7,5 bác sĩ/vạn dân vào cuối năm 2020 của tỉnh được tính toán dựa trên các cơ sở thực tế, đó là Bình Dương là tỉnh công nghiệp, tình hình dân số tăng nhanh qua từng năm; điểm thi vào các trường đại học y dược hàng năm rất cao trong khi số thí sinh tỉnh Bình Dương thi đậu vào các trường này còn ít, bên cạnh đó chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng hàng năm Bộ Giáo dục - Đào tạo phân cho tỉnh thấp. Mặt khác, việc xây dựng chỉ tiêu 7,5 bác sĩ/vạn dân của tỉnh có so sánh, đối chiếu với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội như Bình Dương.

Những năm qua, Bình Dương đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để phát triển nguồn nhân lực y tế nhưng số lượng bác sĩ thu hút được hàng năm vẫn còn ít. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung này quyết liệt hơn nữa để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Xung quanh ý kiến về mục tiêu và lộ trình xây dựng Bình Dương thành đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020, đồng chí Trần Thanh Liêm cho biết, chương trình phát triển đô thị Bình Dương giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn đến năm 2020 với mục tiêu tổng quát là “Phấn đấu sau năm 2015, đô thị Bình Dương có kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đạt nền tảng của đô thị loại I để đến năm 2020 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”. Sau 5 năm triển khai thực hiện, qua rà soát có 15 chỉ tiêu hoàn thành, 3 chỉ tiêu chưa đạt. Nếu so với yêu cầu của tiêu chuẩn đô thị loại I thì có 15 chỉ tiêu đạt khá, 2 chỉ tiêu đạt trung bình và 1 chỉ tiêu chưa đạt là tỷ lệ nước thải sinh hoạt nội thị được thu gom, xử lý. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các ngành có liên quan triển khai những giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu.

Về quy hoạch và lộ trình để xây dựng các đơn vị hành chính đô thị, UBND tỉnh đã phê duyệt Phương án Quy hoạch các đơn vị hành chính tỉnh giai đoạn 2007-2020. Theo đó, dự kiến từ giữa đến cuối năm 2019, tỉnh sẽ hoàn thành các thủ tục, hồ sơ trình Chính phủ và Quốc hội để đến năm 2020, Bình Dương được công nhận là đô thị loại I và chuyển tỉnh Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có 4 quận, 2 thị xã, 4 huyện với 113 đơn vị hành chính cấp xã.

Và một số giải pháp…

Về những giải pháp nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối với các đầu mối giao thông của quốc gia và các tỉnh, thành trong khu vực, giai đoạn 2015-2020, hiện tỉnh đang triển khai một số dự án kết nối với các đầu mối giao thông cho giai đoạn 2015-2020 như: đường Mỹ Phước - Tân Vạn, tuyến xe buýt nhanh BRT kết nối thành phố mới Bình Dương với ga Suối Tiên và Bến xe miền Đông mới; nâng cấp, mở rộng ĐT743 từ miễu ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần; mở tuyến đường từ cầu vượt Sóng Thần kết nối vào đường Phạm Văn Đồng của TP.Hồ Chí Minh; nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ cầu Ông Bố đến Suối Cát; đầu tư xây dựng đường từ đường Tạo lực 2B đến Cảng Thạnh Phước để kết nối giao thông thủy - bộ, từng bước phát triển giao thông đường thủy nội địa, giảm áp lực giao thông đường bộ; đầu tư xây dựng cầu Cù lao Bạch Đằng qua sông Đồng Nai.

Trong nhiệm kỳ tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông để tăng năng lực giao thông. Trong ảnh: Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn vừa mới khánh thành. Ảnh: Q.CHIẾN

Bên cạnh đó, để bảo đảm kết nối giao thông đồng bộ, tỉnh sẽ kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 32km kết nối với Bình Phước, các tỉnh Tây nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và sớm triển khai đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, 4 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương, kể cả các cầu qua sông Sài Gòn theo quy hoạch để tăng năng lực giao thông kết nối vùng TP.Hồ Chí Minh.

Về giải pháp và chính sách tạo quỹ đất cho phát triển mạng lưới trường lớp, xây dựng các cơ sở giáo dục đào tạo, đồng chí Trần Thanh Liêm nêu rõ, theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 của tỉnh đã được phê duyệt, trong đó có trên 1.800 ha đất để xây dựng các cơ sở giáo dục đào tạo. Hiện tỉnh đang lập điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 5 năm  kỳ cuối 2016-2020 với diện tích tăng lên 2.586 ha (tăng so với hiện trạng là 1.355 ha). Như vậy, về mặt quy hoạch đã có bố trí một diện tích đáng kể để phát triển mạng lưới trường lớp cho các cấp học, bậc học. Tuy nhiên, quỹ đất công hiện nay vẫn đang còn manh mún. Để có đủ quỹ đất xây dựng trường lớp như quy hoạch, tỉnh sẽ tập trung một số giải pháp như hạn chế tối đa việc thu hút đầu tư ngoài khu - cụm công nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp di dời vào các khu - cụm công nghiệp để dành quỹ đất bố trí xây dựng các cơ sở giáo dục đào tạo. Về lâu dài sẽ chuyển công năng các khu công nghiệp ở phía nam để bố trí xây dựng các cơ sở giáo dục đào tạo và các mục đích khác; rà soát quỹ đất 7% hoặc 20% trong các khu dân cư đô thị để bố trí xây dựng các cơ sở giáo dục đào tạo hoặc dùng quỹ đất này thanh toán cho công trình giáo dục đào tạo; ưu tiên bố trí xây dựng các cơ sở giáo dục đào tạo từ quỹ đất đã thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai. Bố trí quỹ đất công hiện do các địa phương đang quản lý để xây dựng trường lớp, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nhỏ lẻ để có quỹ đất dôi dư nhằm bố trí lại cơ sở giáo dục đào tạo đạt chuẩn và hoạt động hiệu quả hơn.

Liên quan đến ý kiến cho rằng, trong dự báo tình hình, chúng ta chưa có dự báo đánh giá tác động của việc thực hiện Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP-vừa kết thúc đàm phán, chờ Quốc hội các nước thông qua) đối với nước ta nói chung và Bình Dương nói riêng. Đoàn Chủ tịch giải trình, Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là thỏa thuận thương mại giữa 12 nước đã hoàn tất quá trình đàm phán ngày 5-10-2015 và dự kiến năm 2016 sẽ chính thức ký kết thực hiện. Tham gia vào TPP là cơ hội để Việt Nam tận dụng, bổ khuyết những lĩnh vực đang thiếu như nguồn vốn đầu tư và trình độ chưa đáp ứng yêu cầu; tận dụng được cơ hội từ TPP sẽ giúp Việt Nam phát triển cao hơn, thu hút mạnh vốn từ các tập đoàn đầu tư lớn, các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao… và thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là các ngành dệt may, da giày. Tuy nhiên, TPP cũng đặt ra một số thách thức nhất định, nhất là sức ép cạnh tranh khi mở cửa thị trường, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực chăn nuôi.

Nhận thức được vai trò và ý nghĩa của Hiệp định TPP, trong thời gian qua, Tỉnh ủy đã chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện tranh thủ cơ hội từ TPP và cũng đã có bước chủ động như: Triển khai quy hoạch phát triển, mở rộng các khu công nghiệp nhằm tạo quỹ đất sẵn sàng thu hút đầu tư; thực hiện quyết liệt đề án phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư từ các đối tác tiềm năng… Các hiệp hội ngành hàng, liên đoàn doanh nghiệp cũng đang từng bước triển khai, nghiên cứu các tác động của TPP nhằm phát huy tối đa lợi thế của các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh như dệt may, giày dép… Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh những giải pháp thích hợp, kịp thời để tận dụng tối đa các cơ hội phát triển kinh tế do TPP mang lại, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực trước hết là cho ngành chăn nuôi của tỉnh.

Có ý kiến cho rằng chỉ tiêu phát triển đảng viên nhiệm kỳ tới là thấp, đề nghị nâng lên vì trong nhiệm kỳ IX đã phát triển trên 9.600 đảng viên. Đoàn Chủ tịch giải trình rằng, chỉ tiêu phát triển đảng viên mới trong nhiệm kỳ X đã tính toán đến các điều kiện thuận lợi, khó khăn về nguồn phát triển, trong đó nguồn từ cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị, từ tỉnh đến cơ sở sẽ tiếp tục giảm do từ nay đến năm 2020, tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương tinh giản biên chế. Bên cạnh đó, công tác phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn. Mặt khác, chỉ tiêu trên còn nhằm tập trung làm tốt hơn việc nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên mới và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong thời gian tới.

 

 NHÓM P.V (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên