Ngọt ngào những bài ca vỡ lòng

Cập nhật: 19-11-2018 | 14:13:30

Nếu như đờn ca tài tử (ĐCTT) cuốn hút người mộ điệu bằng những cung bậc đặc trưng của dân tộc... thì những câu hò, bài lý lại khiến người ta cứ nhung nhớ mãi bởi sự mộc mạc, quen thuộc, ngọt ngào của chúng. Người chơi tài tử gọi đó là những bài bản nhỏ, những bài ca vỡ lòng cho những người mới bắt đầu học tài tử.

Đến với buổi học đầu tiên của lớp học truyền dạy ĐCTT do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức, chúng tôi đã có dịp cùng các học viên lĩnh hội nhiều kiến thức vừa uyên bác vừa giản dị của nghệ thuật ĐCTT. Chỉ từ những chữ nhạc “hò xự xang xê cống”, người Nam bộ xưa đã sáng tạo nên những câu hò, bài lý, rồi 3 Nam, 6 Bắc, 7 Lễ, 4 Oán, vọng cổ... Và lớp học bắt đầu xướng âm lồng bản các câu hò, bài lý do nghệ nhân ưu tú Minh Đức, nghệ nhân ưu tú Thu Hồng hướng dẫn. Cả lớp không phân biệt già trẻ, lớn nhỏ cùng nhau hòa giọng theo thầy cô ca Lý đêm trăng, Lý Mỹ Hưng, Lý son sắt, Lý tầm quân, hò ru con, hò cấy lúa...


Nghệ nhân ưu tú Minh Đức hướng dẫn học viên xướng âm lồng bản một bài lý

Từ những câu hò, bài lý ấy, bỗng những dòng cảm xúc quen thuộc ùa về trong chúng tôi. Đó là những bài ca mình từng nghe ở đâu đó trong các chương trình văn nghệ, là những lời ru ngọt ngào mà bà và mẹ đã ru em: “Hò ơi, chim đa đa đậu nhánh đa đa/ Chồng gần không lấy, em đi lấy chồng xa/ Lỡ mai sau cha yếu mẹ già/ Bát cơm đôi đũa, bục kỹ trà ai dâng...”; “Hò ơi, gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu đời đắng cay...”; “Ví dầu, cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẽo, gập ghềnh khó đi...”; “Bông xanh, bông trắng rồi lại vàng bông/ Bông lê cho bằng bông lựu, ơi bạn ơi...”.

Trước đây hay ca, hay hò theo ca sĩ, nghệ sĩ này kia chứ chúng tôi nào biết những lời ca ấy được viết dựa trên những âm điệu ngũ cung “hò xự xang xê cống”. Ví dụ như dựa vào lồng bản của bài Lý đêm trăng: “Xừ xề phan liu/ Phan líu phan xừ xề phan liu/ Xê líu cống xê xang xừ xang xê lìu/ Xề phan liu xế xang xư liu...”, Nguyễn Huỳnh đã soạn lời mới với tựa đề “Giữ mãi hồn quê”: “Bạn bè mình ơi/ Ta hãy vui lên và cùng hòa ca/ những cung bậc đặc trưng quê mình/ Xề phan liu xế xang xư liu....

Tâm đắc với những cung bậc ngọt ngào của những bài ca vỡ lòng, thầy Trần Tín, giáo viên âm nhạc trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương, cho biết: “Những bài ca này rất quen thuộc. Nó là một phần trong câu hát ru của mẹ, là những bài dân ca hay nghe trên radio, trên các sân khấu... Vì thế, việc tham gia lớp học sẽ giúp mình hiểu rõ hơn về nguồn cội và tận hưởng sự ngọt ngào của âm nhạc dân tộc, để ca chuẩn, chính xác hơn, góp phần lan tỏa sức hấp dẫn của bộ môn nghệ thuật di sản này”.

Với nghệ nhân ưu tú Thu Hồng, tuy đây là những bài bản nhỏ nhưng đó là những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng vững chắc để bước vào nghệ thuật ĐCTT. Từ nhịp chiếc, học viên bắt đầu làm quen dần với các nhịp, các thể điệu, giai điệu... rồi đến những bài Oán, Oán ngoại, 3 Nam, 6 Bắc... Và mỗi lần cất giọng ca hay truyền dạy những bài này, trong lòng nghệ nhân lại cảm thấy thật ngọt ngào làm sao. Nghệ nhân ưu tú Thu Hồng hy vọng, các học viên sẽ cố gắng học tốt để ĐCTT tạo nên những ngọn lửa tiếp nối, phát triển ĐCTT trường tồn với thời gian.

THỤC VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên