Ngược đãi lao động nhập cư ở các nông trại

Cập nhật: 27-07-2015 | 09:58:50

Vừa qua, kênh truyền hình Channel News Asia (Singapore) phát đoạn phóng sự mô tả một góc khuất tại các nông trại Hàn Quốc, nơi có hàng ngàn lao động nhập cư Đông Nam Á, đang làm việc. Họ bị chính những người chủ đã thuê mình lăng nhục, đánh đập.

Vỡ mộng nơi xứ người

Mở đầu phóng sự là hình ảnh của Tina, một lao động nhập cư người Campuchia, 23 tuổi. Cô khóc thút thít và lặp đi lặp lại câu nói: “Tôi sẽ không, tôi sẽ không”. Tina đã bị đuổi khỏi nơi làm việc tại một nông trại trồng nấm ở Cheongju, phía Nam Seoul mà không được phép mang theo bất kỳ đồ đạc nào. Trong suốt thời gian làm việc, cô thường xuyên bị mắng chửi, dọa đuổi, bỏ đói dù đã cố gắng hết sức trong công việc. Cô gái trẻ đã tìm đến một trung tâm hỗ trợ người nhập cư của Hàn Quốc và thuật lại câu chuyện của mình trong nước mắt. Cô cho biết mình rất nhớ nhà nhưng phải đến Hàn Quốc làm việc vì gia đình quá nghèo.

Công việc làm nông tại Hàn Quốc rất vất vả, chỉ có lao động nhập cư chấp nhận làm.

Tina là một trong số những lao động nhập cư người Campuchia đã đến tìm sự giúp đỡ của Trung tâm Earthian tại Ansan, một tổ chức phi chính phủ thường xuyên tiếp nhận những lao động nhập cư bị ngược đãi tại Hàn Quốc. Những khiếu nại chính của các lao động nhập cư khi làm việc với các ông chủ là bị lạm dụng, ngược đãi, làm thêm giờ nhưng không được trả thêm tiền, chỗ ở thiếu thốn các điều kiện vệ sinh và thường xuyên bị đe dọa trục xuất. Thống kê mới nhất cho thấy, Hàn Quốc đã tiếp nhận 250.000 lao động nhập cư làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng và sản xuất. Chiếm phần đông trong những lao động này là người Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.

Theo bà Norma Muico, một nhà nghiên cứu của Tổ chức Ân xá quốc tế, những khó khăn của lao động nhập cư người châu Á tại Hàn Quốc đã tồn tại từ hơn thập kỷ qua. Theo Luật Tiêu chuẩn lao động ở Hàn Quốc, ở mục 63 có nêu rõ việc phải bảo vệ những lao động trong các ngành công nghiệp và cả nông nghiệp, như làm thêm giờ phải có quy định rõ ràng, tăng tiền cho lao động khi làm việc vào những ngày nghỉ hay chế độ nghỉ ngơi. Bà Norma Muico cho rằng, Seoul nên chú trọng đến việc giám sát các nông trại nhiều hơn thay vì khoán trắng cho các doanh nghiệp. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là vẫn còn phần đông lao động nhập cư phải chịu đựng sự bất công trong im lặng, không đồng ý chia sẻ câu chuyện của mình vì sợ bị trả thù, bị trục xuất khỏi Hàn Quốc.

Đất nước Hàn Quốc được xem là một điểm đến hấp dẫn cho những lao động nhập cư Đông Nam Á, với mức lương trung bình khoảng 1.000 USD/tháng, cao gấp 10 lần khi làm việc ở quê nhà. Trước đó, họ đã phải vay nợ để đóng phí sang Hàn Quốc và bị buộc phải làm việc trong ít nhất 2 năm để trả các khoản phí này. Nhưng khi đặt chân đến Hàn Quốc, họ đã bị “vỡ mộng” vì hoàn toàn không giống như những gì được xem trong quảng cáo.

Không thể kiểm soát?

Vài năm gần đây, sự thay đổi nhanh chóng của tình trạng người nước ngoài sống tại Hàn Quốc đã kéo theo một số khó khăn ngày càng gia tăng. Pháp luật Hàn Quốc không mở rộng và với tốc độ tăng trưởng của người nhập cư nước ngoài, nên có rất ít sự bảo vệ cho những người này khi họ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử. Chính phủ Hàn Quốc thừa nhận rằng họ có biết đến những trường hợp lao động nhập cư làm nghề nông trong điều kiện khó khăn và đã gia tăng gấp đôi số lần thanh tra các trang trại.

Bên cạnh đó là việc cung cấp các chương trình đào tạo để nâng cao phúc lợi cho các lao động. Ông Pyo Deabum, Phó Giám đốc Văn phòng lao động nước ngoài Hàn Quốc, cho biết, hàng năm Seoul tiến hành kiểm tra từ 3.000 đến 4.000 doanh nghiệp có lao động nước ngoài. Nếu phát hiện những trường hợp gây khó khăn cho các lao động sẽ lập tức xử lý và đưa ra những hình phạt thích đáng. Tuy nhiên, theo Channel News Asia, rất hiếm khi các chủ doanh nghiệp bị xử phạt. Trong năm 2011, Hàn Quốc phát hiện 8.000 trường hợp có hành vi bạo lực với các lao động nước ngoài nhưng chỉ truy tố 6 đối tượng.

Ủy ban Nhân quyền quốc gia Hàn Quốc (NHRC) công bố bản điều tra từ năm 2013 cho biết, việc gây khó khăn cho những người lao động nhập cư vốn đã ăn sâu vào truyền thống và văn hóa của người dân bản địa. Theo ông Yook Seong-cheol, một điều tra viên của NHRC, chủ các trang trại vốn có thành kiến với những lao động nhập cư nước ngoài. Họ không đối xử với những lao động này theo kiểu bình đẳng trong một xã hội công nghiệp mà nhìn nhận họ như những nô lệ đã được trả tiền để làm việc. Hiện trạng này giống như thời quá khứ đã xảy ra tại Hàn Quốc.

Bà Norma Muico cho rằng để giải quyết tình trạng bóc lột, ngược đãi các lao động nhập cư nước ngoài làm việc tại nông thôn Hàn Quốc là điều không dễ dàng. Các lao động đến Hàn Quốc làm việc chỉ được trang bị ít, hoặc không được trang bị vốn kiến thức ngoại ngữ của nước sở tại. Bất đồng ngôn ngữ là một trong những trở ngại cho các lao động. Các trang trại ở Hàn Quốc, nơi hay xảy ra tình trạng ngược đãi thường nằm trong các vùng bị cô lập, ít bị kiểm soát. Công việc làm nông tại Hàn Quốc rất vất vả và người bản địa từ lâu nay đã không còn mặn mà với những loại công việc này. Các chủ trang trại chỉ dựa vào những lao động nhập cư và họ bóc lột để kiếm lời cho bản thân.

May mắn hơn nếu lao động nhập cư làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ở Hàn Quốc. Ví dụ như tại iCOOP, một doanh nghiệp sản xuất kim chi ở Gurye, phía Nam Seoul. Chủ doanh nghiệp thuê nhân công bản địa và người nước ngoài. Mọi lao động đều được đối xử công bằng hơn. Ông Oh Hang-sick, đại diện của iCOOP cho biết, Hàn Quốc vẫn còn là một xã hội khép kín và tồn tại những định kiến, iCOOP đang cố gắng xóa bỏ những điều này. Lao động nhập cư đã đóng góp không nhỏ cho kinh tế Hàn Quốc và họ cần được đối xử như những người bản địa.\

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên