Người chị dâu gan dạ của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn

Cập nhật: 18-09-2013 | 00:00:00

Vì cảm phục tấm gương dũng cảm hy sinh của học sinh Trần Văn Ơn ngã xuống trước họng súng quân thù trong cuộc biểu tình ngày 9/1/1950, một cán bộ phụ nữ Đồng Tháp đã lấy người anh trai trò Ơn làm chồng và từ đó trở thành cô dâu của xứ dừa Đồng Khởi Bến Tre. Bà đã lập đền thờ cho người em chồng là Anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Ơn ngay tại phần đất gia đình và xây mộ, lập bia cho cả gia tộc bên chồng một cách chu tất, đẹp đẽ, hàng ngày quét dọn, nhang khói.Nhưng không ai biết rằng, khi chồng còn sống, bà đã xin ông duy nhất một điều: Khi qua đời, bà muốn quay về với quê hương Đồng Tháp, nằm bên cạnh người mẹ kính yêu mà cả một đời bà luôn day dứt không được gần gũi, báo hiếu.

 

Bức ảnh hiếm hoi của vợ chồng má Thanh.

Bà là Đoàn Thị Đấu (má Tám Thanh) năm nay đã 84 tuổi, là chị dâu của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn và là mẹ ruột của anh Hai Đoàn (Huỳnh Minh Đoàn) - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Bồng con vào đồn giặc tìm xác chồng

Tôi tìm về ấp Phú Thạnh, xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành (Bến Tre) thăm nhà Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn với tâm trạng dạt dào cảm xúc khó tả. Con đường liên xã trải nhựa mịn màng chạy quanh co uốn lượn với những thân dừa cao dáng cong cong như vòng eo thon của cô gái Bến Tre. Những tàu dừa xòe ra như chiếc lược ngà đung đưa chải tóc từng đi vào thơ của Ca Lê Hiến ngày xưa. Một vùng quê rất đẹp, rất yên bình.

Ngôi nhà là nơi chôn nhau cắt rốn của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn hiện ra - như bao ngôi nhà vườn xứ dừa. Nếu có khác, thì khác bởi bên trên cổng rào có gắn hàng cờ phướn phần phật bay trong gió, phía dưới là tấm bảng màu đỏ, ghi hàng chữ màu vàng: "Nơi sinh trưởng Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn" như một ấn tượng đặc biệt đập vào mắt. Vườn cây xanh bày ra hai bên lối đi cùng nhiều loại hoa, kiểng gần như quanh năm nở hoa. Bên phải lối đi là hố bom Mỹ thả ngày xưa, nay là một hồ nước nối với cầu dẫn vào tượng đài Trần Văn Ơn đang đứng tay cầm tập sách màu vàng rực là công trình của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bến Tre tặng.

Bà phúc hậu và hiền lành như bao bà mẹ xứ dừa, niềm nở, thân thiện như đón con cháu ở xa về chơi. Nghe chuyện đời bà, tôi liên tưởng hình như con số 3 là số định mệnh lạ lùng. Mỗi câu chuyện kể, nước mắt bà cứ thi nhau lăn dài trên đôi má nhăn nheo. Bà nói: Nó đã chảy nhiều lắm rồi, chảy từ ngày đầu tiên lấy chồng đến nay vẫn còn.

Người chồng đầu tiên của bà là chiến sĩ Việt Minh Huỳnh Văn Lến, cưới nhau năm 1953. Hết 3 ngày phép, ông Lến quay về đơn vị và mãi cho đến khi bà sinh con trai Huỳnh Minh Đoàn đúng 3 tháng thì ông mới bất ngờ nửa đêm canh ba về thăm hai mẹ con. Chưa tròn 3 ngày sau, ông lại chia tay hai mẹ con đi mãi cho đến lúc hy sinh... và chỉ còn đúng 3 ngày là Hiệp định Genève được ký kết, bọn giặc đã bắt ông Lến cùng nhiều cán bộ Việt Minh giết chết, mổ bụng... Dòng ký ức xa xưa hiện về trong trí nhớ của bà về vùng đất biên giới Ba Chúc, Tri Tôn (An Giang) nơi bà sinh ra.

Năm bà 14 tuổi, bọn tay sai dẫn Pháp vào trong làng lùng sục khắp nơi bắt gà vịt, heo bò và phụ nữ trẻ mang ra phía sau núi hãm hiếp, giết chết dã man. Bà đau đớn chết lặng khi nhìn người em họ mới 16 tuổi đầu bị bọn lang sói hãm hiếp dã man làm chết đi sống lại ngay trước mặt, mà không thể làm gì được. Bà nghiến răng đến bật máu thề với lòng, nếu còn sống bà sẽ báo thù, rửa hận.

Căm thù giặc tận tim gan, dù tuổi còn nhỏ nhưng bà xin làm mật báo viên cho Việt Minh. Hàng ngày la cà đầu trên xóm dưới quan sát, chỉ điểm bọn tề gian mỗi khi xuất hiện để cho các chú, các anh tiêu diệt. Trong cuộc chiến tranh nhân dân, kẻ thù không bao giờ lường hết được đối phương của họ là ai trong số những con người vốn rất lương thiện, bình thường nhất, chỉ trong tích tắc, họ có thể trở thành những chiến binh thực thụ. Thậm chí những cháu bé đang nhảy lò cò, đang chơi banh chuyền, đánh đũa dưới gốc cây có thể đoạt súng trên tay giặc như trò chơi trẻ con. Ngày đền tội của bọn tay sai đã đến.

Cô bé Thanh ngày đó đang ngồi chơi với mấy đứa trẻ cùng làng, nhìn thấy tên tay sai Giáo Danh và Đội Mốc ghé xóm không có lính canh theo sau. Thanh nhanh chân chạy báo cơ sở mật để bắt gọn hai tên ác ôn, nhiều nợ máu với nhân dân đền tội. Đến giữa trưa thì Việt Minh đã tóm gọn hai tên tay sai, trói gô lại cột vào cây chờ xử tử làm gương, trả thù cho những người dân và chiến sĩ bị hại. Bà thoát ly làm cách mạng, tổ chức chuyển sang Hồng Ngự (Đồng Tháp) để hoạt động.

Năm 18 tuổi, bà được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Thời gian này, một cô gái miệt vườn quá trẻ như bà được tổ chức tin tưởng, quần chúng tín nhiệm cao là rất hiếm hoi.

Tiếp đến là giấc mơ hòa bình, thống nhất tan nát. Những đoàn quân xuống tàu tập kết ra Bắc kéo dài đến 21 năm sau, như cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc.  Lúc nghe tin chồng bị giặc bắt giam, bất chấp sự nguy hiểm, bà ẵm con nhỏ lặn lội khắp các nhà lao Long Xuyên để dò hỏi tin chồng. Những người cùng cảnh ngộ khuyên bà nên quay về sống nuôi con vì các cán bộ, chiến sĩ Việt minh khi sa vào tay giặc không bao giờ khai tên họ thật hay quê quán, gia đình vì sợ liên lụy đến người thân.

Những tia hy vọng cuối cùng đã tắt ngấm. Nhưng linh tính như mách bảo trong giấc mơ, bà thấy chồng hiện về áo quần rách tả tơi, than rằng: Em ơi anh lạnh lắm. Tỉnh mộng bà tin chồng chết là thật, nhưng nếu sống phải thấy người, chết phải thấy xác nên bà nuôi hy vọng tìm mọi cách hỏi han những nghĩa địa gần các nhà giam tại An Giang và Đồng Tháp. Ban ngày bà đan len, đan áo kiếm sống và đi dò hỏi tin tức. Đêm về, hai mẹ con nương náu ở đình Bình Mỹ tránh tai mắt giặc. Đó là những tháng ngày cơ cực nhất của đời bà, tưởng chừng như không thể nào vượt qua nổi.

Chỉ có ý chí sắt đá của một phụ nữ từng vào sinh ra tử mới giúp bà vượt qua, đứng lên ôm con đi tìm chồng. Chỉ có tình yêu thôi thúc mãnh liệt mới làm bà nuôi sống những tia hy vọng cho dù mỏng manh nhất. Cuối cùng, bà cũng tìm được ngôi mộ hoang, do những người dân tốt bụng mang xác những tù nhân bị giết chết chôn cất, bên trên mộ đất có kê hòn đá ghi tên họ thật của chồng bà. Bà khóc ròng bên ngôi mộ khi nghe những người xung quanh kể lại việc bọn giặc moi gan, mổ bụng những chiến sĩ Việt Minh một cách dã man, tàn bạo.

Tái giá vì... cảm phục tấm gương em chồng

Một mình nuôi con trai, làm công tác phụ nữ ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) bà là tâm điểm chú ý của nhiều người,  nhưng lửa lòng đã tắt nguội lạnh, bà nguyện ở vậy, nuôi con và chiến đấu cho đến khi hòa bình, độc lập. Trong buổi lễ truy điệu các chiến sĩ hy sinh năm 1960, ông Trần Công Thành (còn có tên Trần Văn Tín, sinh năm 1927) anh thứ tám của Trần Văn Ơn là một cán bộ tập  kết trở về Nam chiến đấu, dường như bị  hớp hồn vì cô cán bộ phụ nữ trẻ đọc diễn văn. Giọng đọc làm ông xao xuyến hơn như khi nhìn thấy khuôn mặt rất đẹp và sáng ngời như bông dừa, bông bưởi vườn nhà đất Bến Tre. Ông nhờ người hỏi thăm mới biết cô ấy tên Thanh.

Những trận đánh chống giặc đi càn, công đồn vẫy gọi ông cầm súng, tạm gác ước mơ lãng mạn của mình về một cô gái trẻ đẹp. Nhưng khi xong trận đánh quay trở về ông lại thả hồn theo ước mơ… Cho mãi đến một ngày kia. Mùa khô năm 1962, ông Thành được đơn vị cử đi dự học lớp chính trị, ông vui mừng vì bất ngờ gặp lại người xưa nên mạnh dạn tỏ tình.

 Đám tang Trần Văn Ơn.

Bà Thanh nhớ lại: "Tui phải báo cáo với tổ chức nhờ giúp đỡ… tìm hiểu về anh Chính trị viên tên Thành thuộc đơn vị X. và được biết ông là anh trai thứ tám của học sinh anh dũng Trần Văn Ơn". Bà kể tiếp: "Tui dang dở một lần đò, lại nghe tin anh ấy đã hai lần lấy vợ nhưng đều tan vỡ. Hoàn cảnh như vậy, thật khó mà lấy nhau được".

Cho đến dịp lễ kỷ niệm ngày học sinh Trần Văn Ơn hy sinh 9/1, bà thay mặt Hội Phụ nữ phát động phong trào phụ nữ đấu tranh, đánh giặc trả thù cho trò Ơn. Đêm về, bà trằn trọc không ngủ được và suy nghĩ: "Lấy anh trai trò Ơn là đúng tâm nguyện của mình, một gia đình truyền thống, anh hùng"...

Tháng 8/1964, đám cưới của hai người được tổ chức rất đơn sơ trong vùng căn cứ kháng chiến nhưng rất vui vẻ và tràn đầy hạnh phúc. Sau ngày cưới, hai vợ chồng lại phải chia tay nhau trở về đơn vị chiến đấu. Xa chồng, nửa đêm nghe tiếng súng nổ từ xa vọng lại, bà giật thót người nhớ lại ngày xưa. Bà với ông Trần Công Thành sinh được 3 người con là Ba Sơn, Tư Trung và Út Lê. Ông Thành mất năm 2007, mộ phần của ông và cha mẹ được bà Thanh quy tập lập bia khang trang tại khu vực nhà thờ gia đình.

Về làm dâu xứ dừa Bến Tre

Trong dòng người tìm về quê cũ, tìm người thân đoàn viên hội ngộ sau 21 năm chiến tranh xa cách, có một người phụ nữ vai mang balô, từ Đồng Tháp hăm hở, bùi ngùi lẫn xúc động tìm về quê chồng ở xã Phú Thạnh, Châu Thành. Bà tìm về quê chồng, một nơi mà từ ngày lấy chồng đến giờ bà chỉ biết là xứ dừa, có nữ tướng Nguyễn Thị Định, mảnh đất đã sinh ra người em chồng dũng cảm hy sinh từ tuổi học sinh. Bà đứng chết lặng trên mảnh đất có vườn dừa lơ thơ rũ lá và một hố bom sâu hoắm. Đây là nhà chồng, quê chồng mà định mệnh sẽ gắn bó bà suốt quãng đời còn lại. Chiến tranh tàn phá dữ dội, từ ngọn dừa vô tri đến mồ mả, nhà cửa, con người. Mảnh đất đời người sau bao nhiêu năm hoang tàn, lạnh lẽo rất cần bàn tay con người làm hồi sinh lại.

Bà ngồi xuống bên gốc dừa khá lâu, rồi lau nước mắt dò hỏi, tìm người nhà bên chồng. Có ai cảm nhận về người phụ nữ ngồi khóc một mình trên mảnh đất nhà chồng khi vừa tìm đến sau hơn 10 năm lấy chồng với nỗi lòng của người tình nguyện làm chị dâu Anh hùng Trần Văn Ơn để có dịp gần gũi chăm nom gia đình chồng và chăm sóc mộ phần người anh hùng nhỏ tuổi vì nước hy sinh.

Bà sống với muôn vàn gian khổ cơ cực thời bao cấp, nhưng luôn chắt chiu, dành dụm tiền bạc, mỗi năm bà tu sửa thêm nhà thờ Trần Văn Ơn, nhà ở, mộ phần thân tộc. Bà kể lại: Hồi đó có nhà điêu khắc nhận làm tượng Trần Văn Ơn với giá 8 triệu đồng, nhưng bà chỉ dành dụm được 4 triệu. Muốn có một bức tượng cho Trần Văn Ơn nhưng không biết lấy đâu ra tiền để làm. Ngôi nhà đã sinh trưởng ra người anh hùng tuổi học sinh Trần Văn Ơn ngày nay đã được xây cất khang trang, bên cạnh nhà thờ gia tộc, treo đầy câu đối liễn do bà Thanh sáng tác và những khung ảnh lồng khung nhôm treo ngay ngắn trên tường nhà thờ, nhà nổi trên hố bom có tượng đài anh Ơn. Hàng ngày quét dọn, nhang khói sạch sẽ, trang nghiêm đều do một tay người chị dâu của Trần Văn Ơn làm.

Chia tay chúng tôi, má Tám Thanh tiễn ra tận cổng quyến luyến như không muốn rời. Hết chụp ảnh lưu niệm, má lại dặn dò đủ điều như mọi người mẹ xứ dừa lúc con cái đi xa, nào là cẩn thận, nhớ ngày giỗ chú Ơn về chơi với má…Tôi bước ra khỏi cổng, nhìn lại thấy bà đang ngồi trên ghế đá, đặt cạnh cổng cửa rào, bàn tay cứ vẫy vẫy suốt như không muốn tiễn người đi. Phía sau lưng bà là ngôi nhà, đền thờ đỏ rực dưới trời chiều gần tắt nắng, lòng chúng tôi tràn ngập niềm thương bà, vì ngày dài tháng rộng cô đơn trong khu vườn nhà

Theo cand.com.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên