KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ TRƯỜNG CHINH (9.2.1907 - 9.2.2017):

Người chiến sĩ cộng sản kiên trung

Cập nhật: 10-02-2017 | 07:53:00

Với 81 năm tuổi đời, hơn 60 năm hoạt động cách mạng liên tục (1925-1988), đồng chí Trường Chinh được phân công giữ nhiều trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước như Quyền Tổng Bí thư, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam... Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII; một nhân cách lớn, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam.

Chiến sĩ cộng sản kiên trung

Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9-2-1907 trong một gia đình trí thức yêu nước tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, một vùng quê có truyền thống hiếu học. Từ nhỏ, đồng chí đã làm quen với Tứ thư, Ngũ kinh, thơ Đường và được đào tạo bài bản về văn hóa và lịch sử theo truyền thống Nho học. Khi lớn lên, đồng chí bắt đầu tiếp xúc Tây học và theo học bậc Thành chung tại Nam Định. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trường Chinh được mở đầu bằng sự kiện tham gia cuộc vận động đòi thực dân Pháp ân xá cho chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu vào năm 1925; khi đó đồng chí vừa tròn 18 tuổi, đang theo học ở trường Thành Chung - Thành phố Nam Định… Năm 1927, đồng chí tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1929, đồng chí là một trong những người tham gia cuộc vận động thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc kỳ. Năm 1930, đồng chí được chỉ định vào Ban Tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm đó, đồng chí bị Pháp bắt, đến năm 1936 được trả tự do.

Cố Tổng Bí thư Trường Chinh đang thăm hỏi các chiến sĩ nông nghiệp tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần 2. Ảnh: TƯ LIỆU

Giai đoạn 1936-1939, đồng chí là Xứ ủy viên Bắc kỳ cùng Hoàng Văn Thụ và Hoàng Quốc Việt, đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương trong Ủy ban Mặt trận Dân chủ Bắc kỳ. Năm 1940, đồng chí được cử làm chủ bút báo Cờ giải phóng, cơ quan của Xứ ủy Bắc kỳ, kiêm phụ trách các tờ báo tiếng Pháp như Le Travail, Rassemblement, En Avant và báo Tin tức. Tại Hội nghị Trung ương 7 họp tại làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, từ ngày 6 đến ngày 9-11-1940, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được cử làm quyền Tổng Bí thư Đảng thay đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Tháng 5-1941, tại Hội nghị Trung ương 8 họp tại Cao Bằng, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, kiêm Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương. Năm 1943, đồng chí bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt. Tháng 3-1945, đồng chí triệu tập và chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị nổi tiếng “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, xác định thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trong giai đoạn chuẩn bị Cách mạng Tháng Tám 1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng do đồng chí chủ trì, đồng chí được cử phụ trách Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra, để xác định mục tiêu và cổ vũ tinh thần cho những người kháng chiến, đồng chí đã viết loạt bài báo nổi tiếng với tựa đề “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, đăng trên báo “Sự thật”. Năm 1951, tại Đại hội lần thứ II của Đảng (lúc này được đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và giữ chức Tổng Bí thư cho đến tháng 10-1956.

Người khởi xướng công cuộc đổi mới

Giữa năm 1986, cả nước thiếu đói trầm trọng. Ngày 14-7-1986, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng. Nhận rõ trọng trách ở vị trí mới trước sự chờ đợi của toàn Đảng cũng như toàn dân ở thời điểm thật ngặt nghèo của lịch sử đất nước và dân tộc, đồng chí Trường Chinh đã làm hết sức mình chuẩn bị cho Đại hội VI của Đảng. Đồng chí Trường Chinh là người đầu tiên đưa ra phạm trù đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế. Chỉ đổi mới tư duy kinh tế, đời sống nhân dân mới được cải thiện và nâng cao thì mới lấy lại niềm tin vào công cuộc đổi mới. Đổi mới tư duy kinh tế có hiệu quả sẽ tạo điều kiện cho đổi mới chính trị. Nhưng theo đồng chí, không phải chờ đổi mới tư duy kinh tế xong mới bắt đầu đổi mới hệ thống chính trị, mà phải tính toán bước đi thích hợp sao cho quá trình đổi mới từng bước hệ thống chính trị, không gây nên những biến động chính trị.

Chính trên ý nghĩa ấy, trong bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương 8 khóa V, đồng chí Trường Chinh đã chỉ rõ mối quan hệ giữa quản lý kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị: “Chuyển sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa, một vấn đề có tầm quan trọng quyết định, đó là tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ. Cần tiến hành ngay việc đổi mới và kiện toàn tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ, trước hết đối với những bộ phận liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh”. Đồng chí cho rằng, chuyển sang cơ chế mới, nếu không làm như vậy thì đất nước khó vượt qua và thoát khỏi tình hình khó khăn gay gắt.

Lịch sử dân tộc sẽ mãi khắc ghi câu nói của đồng chí trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI của Đảng: “Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”; “Quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới trên nhiều mặt: đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức chính trị”. Đại hội VI đã đi vào lịch sử dân tộc ta với tư cách là Đại hội của Đổi mới, là cột mốc đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, đồng chí Trường Chinh là người lát những viên gạch đầu tiên, đặt nền móng cho sự nghiệp vĩ đại ấy. Chính trong thời điểm phức tạp nhất của hoàn cảnh quốc tế, cùng với những khó khăn của đất nước ta, trên cương vị là Tổng Bí thư, với tư duy chính trị lão luyện, với trí tuệ sắc sảo, đồng chí Trường Chinh đã sớm nhận rõ xu thế phát triển của thời đại, nắm vững thực trạng của đất nước và yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, cùng Trung ương Đảng và Bộ Chính trị Đảng ta kịp thời đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Những quan điểm đổi mới tư duy mà đồng chí là người đầu tiên đề xuất đã trở thành nền tảng phương pháp luận cho việc nhận thức và giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn của công cuộc đổi mới. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới đã khẳng định tính đúng đắn của sự nghiệp đổi mới mà Tổng Bí thư Trường Chinh là người đề xuất và khởi xướng.

Là nhà báo cách mạng nổi tiếng, là cây bút xuất sắc của báo chí cách mạng Việt Nam, ngay từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ, những bài báo của đồng chí Trường Chinh luôn có tính chiến đấu cao, có sức thuyết phục lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Đồng chí đã từng là chủ bút nhiều tờ báo quan trọng, tiếp đó là người lãnh đạo chịu trách nhiệm trực tiếp đối với các cơ quan ngôn luận của Đảng như “Cờ Giải phóng”, “Sự thật”, “Nhân dân”, “Tạp chí Cộng sản”… Đồng chí còn là một nhà thơ lớn với bút danh Sóng Hồng. Thơ của đồng chí luôn mang hơi thở của thời đại, có sức chiến đấu cao, có lòng nhân ái sâu sắc.

Đồng chí Trường Chinh là một người cộng sản mẫu mực, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng nước ta. Những cống hiến to lớn của đồng chí cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc mãi được trân trọng vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay và mai sau, đặc biệt là vào thời điểm toàn Đảng ta đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế và nhiệm vụ then chốt là chỉnh đốn, xây dựng Đảng nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.

P.V (tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên