Người dân hiến đất làm đê bao chống ngập

Cập nhật: 08-06-2017 | 08:23:40

Nhiều hộ dân ở phường Chánh Mỹ, TP.TDM đã tự nguyện hiến hàng ngàn m2 đất xây đê bao ven sông Sài Gòn để chống triều cường, ngập úng. Khoảng 100m đê từ khu biệt thự Thanh Lễ đến tổng kho xăng dầu đang chuẩn bị được thi công; từ đây, tuyến đê bao này đã hình thành nên một con đường mới tạo điều kiện thuận tiện cho việc đi lại, giao thương của người dân tại đây.

 

 

Người dân đồng thuận hiến hàng ngàn mét vuông đất làm đê bao chống ngập ven sông Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao thương ở phường Chánh Mỹ, TP.TDM

Hiến hàng ngàn m2 đất làm đê bao

Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi có dịp đến thăm một số hộ dân sống dọc tuyến đê bao ven sông Sài Gòn thuộc KP.Mỹ Hảo 2, phường Chánh Mỹ, TP.TDM để ghi lại những đổi thay tại vùng đất trù phú này sau khi chính quyền địa phương vận động người dân hiến đất làm đê bao ven sông Sài Gòn để chống triều cường, ngập úng và sạt lở đất. Nhiều người dân thể hiện niềm vui vì một phần đất của gia đình được hiến xây dựng tuyến đê bao kiên cố, vững chắc, góp phần vào lợi ích chung.

 

“Ban đầu chỉ có một vài hộ hiến vài m2 đất. Nhưng sau đó thấy được ý nghĩa của công trình nên đã có hàng ngàn m 2 đất của người dân được hiến để xây dựng tuyến đê bao. Việc này đang được bà con tiếp tục thực hiện”, ông Bùi Hữu Trí, Phó ban điều hành (BĐH) KP.Mỹ Hảo 2, cho biết.

Bà Lê Thị Đáng, nhà ở sát tuyến đê, cho biết nhà bà nằm sát sông, thường xuyên phải hứng chịu những đợt triều cường, con nước lớn dâng cao gây ra ngập úng. Nhưng từ khi tuyến đê bao dọc sông Sài Gòn hoàn thành thì bà và hàng xóm không phải lo lắng cảnh lội bì bõm trong nước để khuân, vác từng món đồ, vật dụng trong nhà đến chỗ khô ráo nữa. “Trước đây, khi tuyến đê cũ đã yếu, bà con trong khu phố ai nấy đều sống trong nơm nớp lo sợ triều cường lên gây ngập lụt. Khi đó, chồng tôi cùng nhiều thanh niên thay phiên nhau 24/24 để bảo vệ đê vì lo sợ triều cường dâng cao bất cứ lúc nào. Khi phát hiện những đoạn đê mỏng, yếu và có lỗ thủng gây rò rỉ nước vào phía bên trong thì sẽ nhanh chóng huy động lực lượng xúc đất bỏ vào bao tải đặt vào những đoạn yếu đó nhằm ngăn nước. Nếu để xảy ra nước tràn hay nghiêm trọng là vỡ đê thì hậu quả gây ra sẽ khó lường”, bà Đáng nhớ lại.

 

 

Theo bà Đáng, thời điểm năm 2010, khi nhà nước có chủ trương vận động người dân sống ven sông Sài Gòn, hiến đất canh tác của gia đình để làm tuyến đê bao chống ngập, gia đình bà rất đắn đo vì tiếc hàng chục gốc sầu riêng, măng cụt, dừa... mỗi năm thu về cả chục triệu đồng bị cắt bỏ để lấy đất mà không có chính sách đền bù. Tuy nhiên, nghĩ việc hiến đất xây dựng tuyến đê bao ven sông vững chắc là rất cần thiết cho gia đình và người dân. Bên cạnh đó, lãnh đạo khu phố phối hợp cùng ngành chức năng của địa phương xuống tận nhà để vận động, thuyết phục sau đó gia đình bà đã quyết định hiến khoảng 100m2 đất vườn. Đến nay công trình này được đưa vào sử dụng, bà con trong khu phố ai cũng vui.

Trong khi đó, ông Bùi Hữu Trí, Phó ban điều hành (BĐH) KP.Mỹ Hảo 2, cho biết: “Trước đây đã từng đã xảy ra tình trạng nước tràn, vỡ đê gây ngập úng cả khu phố và khu vực lân cận khiến toàn bộ tài sản nhà cửa, vật dụng, hoa màu và cây ăn trái đang trong thời kỳ sắp thu hoạch bị thiệt hại. May mắn không người nào bị nước cuốn trôi. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã cùng BĐH khu phố thực hiện chủ trương vận động người dân hiến đất làm đê bao. Những ngày đầu, tổ công tác đến từng nhà dân để vận động và gặp không ít khó khăn khi họ chưa nhận thức về hậu quả của thiên tai gây ra, chưa hiểu được lợi ích lâu dài trong việc hiến đất để làm đê bao chống ngập... Tuy nhiên, sau một thời gian dài tác động đến bà con, những tín hiệu đáng mừng đã xuất hiện. Ban đầu chỉ có một vài hộ hiến vài m2 đất, nhưng sau đó bà con tin tưởng vào hành động mang ý nghĩa thiết thực vào chính quyền, đến nay đã có hàng ngàn m 2 đất của người dân được hiến để xây dựng tuyến đê bao. Việc này đang được bà con tiếp tục thực hiện”.

Từ đồng thuận đến niềm vui...

Cùng ông Trí chạy xe máy xuyên suốt trên tuyến đê bao dọc sông Sài Gòn dài gần 4 km qua địa bàn UBND phường Chánh Mỹ mới cảm nhận được thành quả to lớn của tuyến đê. Không chỉ thuận tiện về giao thông, mà còn là cú hích cho phát triển kinh tế về vùng đất này. Mỗi khi đến đoạn đê mới, ông Trí mở nụ cười tươi rạng rỡ trên mặt, vì đó là thành quả to lớn của một tập thể, những người cán bộ khu phố nhiều tâm huyết trong quá trình dân vận.

Ông Trí cho biết xung quanh việc vận động người dân tự nguyện hiến đất để xây dựng đê bao, nhiều trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn tự nguyện hiến nhiều mét đất mà chẳng hề nề hà đến việc phải chặt bỏ cây trái, hoa màu, hay việc di dời công trình nhà cửa của mình. Họ là tấm gương điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Ông Vương Thanh Bảo, Phó Chủ tịch UBND phường Chánh Mỹ, TP.TDM, cho rằng: “Để ngăn chặn triều cường, ngập úng và sạt lở đất ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sống quanh tuyến đê bao ven sông Sài Gòn, đầu năm 2010, UBND phường phối hợp cùng các ngành chức năng của TP.TDM tiến hành khảo sát, lên phương án và triển khai. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là vận động người dân hiến đất để làm tuyến đường đê bao. Phải mất một thời gian dài và sự kiên trì của các cán bộ địa phương để thuyết phục người dân tin tưởng hiến đất. Nhận thấy được lợi ích chung, người dân đã đồng thuận, tự nguyện hiến đất để làm dự án đê bao chống ngập. Đến nay, dự án đã hoàn thành được 2/3 chặng đường với gần 4km đê bao dọc sông. Tuyến đê bao này giữ đất, ngăn sóng, chống triều cường gây ngập úng tại đây. Ngoài ra, khi tuyến đê bao hoàn thành này sẽ hình thành nên một con đường mới nối dài từ KP.Mỹ Hảo 1 và KP.Mỹ Hảo 2 đến các địa phương lân cận. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc người dân đi lại, mở ra một cơ hội mới về con đường giao thương, trao đổi hàng hóa giữa ở các khu vực trên địa bàn phường góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

 

“Khi hoàn thành xong tuyến đê bao này sẽ hình thành nên một con đường mới, nối dài từ KP.Mỹ Hảo 1 và KP.Mỹ Hảo 2 đến các địa phương lân cận. Điều này, tạo điều kiện thuận lợi cho việc người dân đi lại, mở ra cơ hội về con đường giao thương, trao đổi hàng hóa giữa ở các khu vực trên địa bàn phường, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Vương Thanh Bảo, Phó Chủ tịch UBND phường Chánh Mỹ, TP.TDM, phấn khởi cho biết.

 

 

H.PHƯỚC- Q.TÁM 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên