Người dân sẽ được sử dụng thực phẩm an toàn

Cập nhật: 17-01-2017 | 22:30:41

An toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. Để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, các ngành chức năng của tỉnh đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm giải pháp phát triển chuỗi liên kết, cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn.

 Sạp thịt an toàn tại chợ Thủ Dầu Một đang là địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

 Từ cửa hàng thịt an toàn

Thời gian gần đây, nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động, bước đầu đạt hiệu quả và tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Đặc biệt, mới đây, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh phối hợp triển khai chương trình giới thiệu các sạp thịt an toàn trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Chương trình được triển khai với 2 sạp thịt an toàn đặt tại khu bán thịt của chợ Thủ Dầu Một và chợ Bưng Cầu (phường Hiệp An). Sản phẩm thịt bày bán ở các sạp này có nguồn gốc từ Công ty Cổ phần C.P Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương; có sự kiểm soát chặt chẽ của ngành thú y theo chuỗi từ trang trại đến sản phẩm đưa ra thị trường.

Chị Ngọc Trang, chủ sạp thịt an toàn tại chợ Thủ Dầu Một cho biết: “Từ khi được tập huấn và giới thiệu liên kết hợp tác để cung cấp chuỗi sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng, tôi đã nhiệt tình tham gia. Sạp thịt an toàn mới khai trương nhưng được nhiều người tiêu dùng quan tâm lựa chọn. Mỗi ngày cửa hàng bán được gần 10 con heo thịt. Tại sạp của tôi, giá cả các loại thịt đều được niên yết rõ ràng và công khai nên rất thuận tiện cho người tiêu dùng”.

Đang chọn mua thịt ở quầy thịt an toàn, chị Võ Thị Ngọc Hạnh, ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một chia sẻ: “Có một cửa hàng thịt sạch là niềm vui cho mọi người, vì lâu nay người tiêu dùng vẫn tiêu thụ theo kiểu gửi gắm niềm tin cho người bán. Giờ đây, khi được giới thiệu về sạp thịt an toàn, người tiêu dùng như tôi yên tâm bởi những mặt hàng đều được kiểm tra, kiểm soát về chất lượng”.

Ông Trần Hà Hải, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản tỉnh cho biết, đây là chương trình giúp người kinh doanh, sản xuất xây dựng các chuỗi liên kết, tạo điều kiện cho người tiêu dùng nhận biết được một cách dễ dàng các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn. Xu thế phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn đang được tỉnh quan tâm và cũng được đánh giá đang phát triển đúng hướng. Việc đưa các sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn, có kiểm định, có truy xuất nguồn gốc bày bán tại các địa điểm trên địa bàn tỉnh cần được nhân rộng.

Làm tốt công tác quản lý

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm của ngành là xây dựng chiến lược và trình UBND tỉnh xem xét và sớm phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2017-2020” và Đề án “Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn giai đoạn 2017-2020”. Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục xây dựng kế hoạch giám sát định kỳ điều kiện bảo đảm an toàn và xây dựng kết nối sản phẩm và chuỗi sản phẩm an toàn với người tiêu dùng để kiểm soát tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian tới.

Còn theo ông Đinh Thiên Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, sản và thủy sản, trong thời gian tới, chi cục sẽ tăng cường các dấu hiệu, logo nhận diện sản phẩm sạch, an toàn dán lên bao bì sản phẩm. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp của tỉnh còn có chương trình hướng dẫn và hỗ trợ các cá nhân, trang trại đăng ký xây dựng VietGAP. VietGAP là tiêu chuẩn trồng trọt, chăn nuôi an toàn cao nhất của Việt Nam. Nếu tất cả các trang trại đều sản xuất theo tiêu chuẩn này thì số sản phẩm sạch đưa ra thị trường sẽ nhiều hơn. Do đó, đây là một trong những nội dung mà ngành nông nghiệp đang chú trọng thực hiện trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo các ngành chức năng, trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm hiện nay vẫn còn những khó khăn. Trước hết, phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh là nhỏ lẻ; một số cơ sở chưa tách khu vực bảo quản nguyên liệu, thành phẩm riêng biệt; trong khi đó điều kiện kho chứa, bảo quản thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức… Mặt khác, việc phát hiện các cơ sở sản xuất sử dụng chất phụ gia cấm dùng, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm đối với rau, củ, quả và thịt tươi sống tại các chợ truyền thống còn gặp nhiều khó khăn do không truy xuất được nguồn gốc, vì các tiểu thương mua, bán nhỏ lẻ không có hợp đồng mua bán, không có hóa đơn chứng từ rõ ràng. Bên cạnh đó, các ban quản lý chợ trên địa bàn tỉnh có lúc còn lơ là trong việc kiểm tra, kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng hàng hóa…

Việc xác nhận sản phẩm an toàn hiện nay mới chỉ ở giai đoạn đầu, mang tính thí điểm, tuy nhiên đây là xu hướng tất yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm an toàn của thị trường và người tiêu dùng. Chính vì thế, xây dựng và quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho các chủ cơ sở, trang trại kiểm soát và quản lý cơ sở của mình tốt hơn, từ đó giúp nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm. Cùng với đó, tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn có thể giúp người tiêu dùng tự bảo vệ mình với hiệu quả cao nhất.

 QUỲNH NHIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên