“Người đưa đò” trong kháng chiến: Người nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung

Cập nhật: 20-11-2014 | 11:41:02

Kỳ 2: Người nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đã có biết bao phụ nữ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Bà Nguyễn Thị Rẽ chính là một trong số những người phụ nữ kiên trung ấy.

Bà Nguyễn Thị Rẽ chụp hình lưu niệm cùng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (thứ hai từ trái qua),ông Mai Thế Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy (thứ hai từ phải qua)

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chấp hành sự phân công của tổ chức, bà Nguyễn Thị Rẽ ở lại miền Nam bám trụ, xây dựng phong trào cách mạng. Có những giai đoạn vô cùng khó khăn, ác liệt, bà vẫn một lòng kiên trung, trung thành với lý tưởng cách mạng. Ngày ngày nhìn Mỹ - ngụy đàn áp dân lành vô tội, lòng căm thù giặc trong bà càng sục sôi. Lòng yêu nước thương dân như tiếp thêm sức mạnh để bà vượt lên mọi hiểm nguy. Trong suốt những năm chống Mỹ, 6 lần bà bị địch bắt và giam cầm. Trong nhà lao của địch, dù bị chúng tra tấn dã man, nhưng chúng vẫn không khuất phục được tinh thần, ý chí của người phụ nữ yêu nước, một lòng một dạ với Đảng. Sự kiên cường của bà khiến cho Mỹ - ngụy vừa tức tối, vừa nể sợ.

Bà Nguyễn Thị Rẽ cùng các nhà giáo kháng chiến

Tháng 7-1957, giặc đưa bà Rẽ cùng 500 tù nhân xuống tàu đưa ra Côn Đảo. Ở nơi địa ngục trần gian, người phụ ấy ấy vẫn thản nhiên, yêu đời, tin tưởng vào ngày cách mạng thắng lợi. Vào tù, mọi người luôn thương yêu, bảo vệ nhau. Các chị em vẫn tập hợp sinh hoạt, văn nghệ, học văn hóa, đấu tranh chính trị với giặc. Không có giấy viết, chị em xin than viết, người có trình độ dạy cho người kém hơn. Khi còn sống, bà đã từng kể, bọn giặc vô cùng tàn ác, không chỉ đánh đập dã man, chúng còn bỏ đói, bỏ khát, nhìn con người không ra con người. Dù vậy, bà vẫn cùng các bạn tù đấu tranh, đòi yêu sách với giặc, đấu tranh đòi về đất liền. Vừa đưa về đất liền, chúng đã đưa bà và những người tù khác về nhà tù Phú Lợi. Tại đây, bà và các chị em tiếp tục chống đối, không chào cờ, không hát quốc ca, đồng thời chị em đã tố cáo, vạch mặt sự tàn ác của chúng ở Côn Đảo. Lúc này, chúng vừa đánh đòn tâm lý, vừa hù dọa, dỗ ngon ngọt để bà khai ra cơ sở cách mạng. Nhưng chúng đã lầm, những trò đó không thể nào khuất phục được lòng yêu nước của người cộng sản yêu nước. Bà đã thẳng thắn trả lời với chúng: “Gần 6 năm tù, qua các trại giam Thủ Đức, Gia Định, Côn Đảo, Phú Lợi… các ông đã cho tôi nếm đủ mùi tra tấn, cực hình dã man của chế độ Ngô Đình Diệm. Vì vậy, tôi không thể sống chung với chế độ quốc gia của các ông được”. Bà khẳng định, giặc càng tra tấn những chiến sĩ cách mạng dã man bao nhiêu, thì ý chí căm thù giặc càng được nhân lên bấy nhiêu. Sau đó chúng tiếp tục đưa bà và các chị em khác về nhà lao Gia Định, nhà lao Thủ Đức, rồi trở về nhà tù Phú Lợi. Tại đây, chúng không từ bỏ một hình thức tra tấn dã man nào. Chị em đã không tiếc lời la hét, chửi rủa chúng là quân tàn bạo, gian ác. Tức tối, chúng đã trấn áp chị em bằng cách khớp miệng lại. Không làm gì được bà, tháng 11-1960, địch buộc phải trả tự do cho bà. Vừa rời nhà lao, bà đã liên lạc ngay với đồng chí bí thư xã và nhờ đưa vào rừng. Tuy nhiên, những đồng đội của bà, người thì hy sinh, người đang trong lao tù, nên bà đành ở tạm nhà dân ở xã Long Nguyên (huyện Dầu Tiếng bây giờ), sau đó về cơ quan tuyên huấn. Thời gian này, tiểu ban giáo dục được thành lập và bà làm trưởng tiểu ban.

Cống hiến trọn đời mình cho đất nước, bà Nguyễn Thị Rẽ đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Bà là đại diện tiêu biểu cho thế hệ phụ nữ: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Riêng với ngành giáo dục tỉnh nhà, bà là một trong những cánh chim đầu đàn, có nhiều cống hiến cho phong trào giáo dục, đặc biệt là trong thời kháng chiến.

Ông NGUYỄN XUÂN VINH, nguyên Phó Trưởng Tiểu ban giáo dục giai đoạn 1969-1972:

Bà là một tượng đài cho những người đang sống

Tôi biết bà Nguyễn Thị Rẽ từ thuở tôi còn thiếu nhi, là học sinh vùng giải phóng thời chống thực dân Pháp. Nói về bà, trong tôi luôn đọng lại hình ảnh một nữ chiến sĩ cách mạng mà cuộc đời quá nhiều nốt thăng trầm, nhưng lúc nào cũng vẫn kiên trung, bất khuất và thấm đậm lòng nhân ái. Từ là một giáo viên cách mạng thời chống Pháp, bà hoạt động cách mạng qua nhiều lĩnh vực, nhưng công lao nổi bật là bà góp phần rất quan trọng trong việc hình thành, duy trì và phát triển nền giáo dục cách mạng tỉnh Thủ Dầu Một suốt thời chống Mỹ cứu nước. Nghỉ hưu, về với cuộc sống đời thường, những phẩm chất cách mạng trên vẫn không hề thay đổi cho đến cuối đời. Với tôi, lĩnh vực này bà xứng đáng là một tượng đài cho những người đang sống.

Ông VŨ HOÀNG MINH,nguyên cán bộ Tiểu ban giáo dục Thủ Dầu Một:

Cô ba Rẽ là người sống giản dị, tình cảm, nhưng nghiêm khắc

Tháng 9-1965 tôi vào chiến khu, người đầu tiên tôi gặp là cô Nguyễn Thị Rẽ, lúc này cô là Trưởng Tiểu ban giáo dục. Tôi được cô phân công làm ở bộ phận in ấn sách giáo khoa phục vụ giảng dạy cho các trường học. Thời gian này vùng giải phóng tương đối rộng nên phong trào giáo dục phát triển mạnh. Ngoài tổ chức dạy học cho con em vùng giải phóng, cô Ba Rẽ còn chỉ đạo tiểu ban mở lớp sư phạm cấp tốc cho khoảng 40 học viên, đồng thời mở trường bổ túc công nông dạy cho cán bộ xã, huyện và bộ đội. Đặc biệt, có thời gian cô đã gầy dựng được phong trào dạy chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) và Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai). Dù là nữ nhưng cô Ba Rẽ không ngại khó, không ngại khổ. Cô có lối sống giản dị, tình cảm, gần gũi anh em, song cô cũng là người rất nghiêm khắc, thẳng thắn phê bình, góp ý để mọi người tiến bộ hơn. Theo yêu cầu của cách mạng, ngoài vai trò Trưởng Tiểu ban giáo dục, cô Ba Rẽ còn làm nhiều nhiệm vụ khác. Dù ở vị trí nào cô cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có thời gian cô bị giặc bắt, dù bị địch giam cầm, tra tấn nhưng cô vẫn giữ vững khí tiết của người cách mạng.

Ông HÀ VĂN THĂNG, nguyên Trưởng phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy:

Nhân chứng sống về lịch sử

Tôi biết bà Nguyễn Thị Rẽ qua những buổi hội thảo đóng góp ý kiến bổ sung, nghiên cứu lịch sử Đảng. Những gì bà Rẽ biết, bà đều viết ra giấy gửi Phòng Lịch sử Đảng, bổ sung vào các tư liệu lịch sử của tỉnh. Bà đóng góp những vấn đề lịch sử rất chính xác, nhất là công tác giáo dục trong tỉnh từ kháng chiến đến thời bình. Bà còn là một người vô cùng trách nhiệm đối với những ý kiến đóng góp của mình. Do đó, tư liệu bà gửi lên đều được Phòng Lịch sử Đảng xem xét, bổ sung vào kho lịch sử tỉnh.

Ông NGUYỄN VĂN NHỚ,nguyên Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã Long Nguyên (huyện Bàu Bàng):

Tấm gương đại diện cho những nhà giáo tận tụy, yêu nghề

Những năm 1960, cô đến sống với gia đình chúng tôi và đi dạy học trong rừng tại xã Long Nguyên. Những ngày đầu mới tới vùng đất Long Nguyên, cô Rẽ ở nhà ông Năm Đảnh phụ giúp việc cho gia đình và hoạt động cách mạng. Sau đó, ba mẹ ông Nhớ mời cô Rẽ đến dạy học cho 3 chị em ông: Nguyễn Thị Sính, Nguyễn Thị Sinh, Nguyễn Văn Nhớ. Những ngày đầu giúp trò biết đến con chữ, cô dạy bảng chữ cái, sau đó cách ghép chữ, rồi cho làm quen các con số. Từ khi không biết đến con chữ, con số, sau 3 tháng chị em chúng tôi đã có thể đọc, viết thành thạo. Về sau, nhân dân trong làng dựng trường học, cô đã đứng lớp dạy học cho trẻ em trong vùng. Sau các bài văn hóa, cô còn nói về truyền thống yêu nước của cha ông, sự hy sinh anh dũng để bảo vệ hòa bình, đạo đức, chữ hiếu… Những bài giảng của cô vừa sinh động vừa sâu sắc khiến nhiều bạn cảm thấy thích. Bên cạnh việc dạy văn hóa, đạo đức, cô cũng chú trọng đến công tác khuyến học. Cô kêu gọi mọi người trong xã gửi con đến học, gia đình có giúp gia đình khó để con em có tập sách đến lớp.

A.SÁNG - T.LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên