Người làng lúa vào Bình Dương trồng hoa

Cập nhật: 09-12-2012 | 00:00:00

(BDO) Những ai có dịp về TX.Thuận An (Bình Dương), hướng cầu Ông Bố đi khu phố Đồng An, phường Bình Hòa sẽ trầm trồ trước vẻ đẹp của các vựa cây kiểng rất phong phú ở đây. Đang vào vụ bán hoa kiểng tết nên các vựa cây càng được chăm sóc tỉ mẩn hơn…

Ngày trước, nơi đây là một bãi đất trống nối dài với ngập cỏ rác. Nay ở hai bên đường của một quãng đường dài và rộng là những vựa hoa kiểng làm đẹp thêm con đường. Chúng tôi ước tính có hơn một chục vựa kiểng mỗi bên đường làm thành một phố kiểng thật nhộn nhịp, tươi mát.

 Chăm sóc cây cảnh ở vựa kiểng Phước Thiện. Bác Hai, nhà ở gần UBND phường Bình Hòa cho biết: “Trước đây, buổi sáng đi bộ đường này không được đẹp như bây giờ. Bây giờ, sáng ra, nhóm bạn già chúng tôi vừa đi bộ, tập thể dục vừa ngắm hoa lá, thấy vui và tâm hồn thư thái hơn”.

Theo chúng tôi được biết, đất do các chủ vựa đến thuê tính theo năm. Sau mỗi năm, giá thuê đất lại tăng lên 18% tùy theo diện tích đất thuê để trồng, trưng bày và bán kiểng lớn hay nhỏ. Thuế thì hàng năm, chủ hộ kinh doanh đóng thuế môn bài cho địa phương. Nói vui theo các chủ vựa là vừa làm đẹp cuộc sống lại vừa…ích nước lợi nhà!

Chúng tôi ghé vựa kiểng Phước Thiện, một trong những vựa kiểng lớn tại phường Bình Hòa. Chị Bùi Thị Thu và anh Nguyễn Văn Thiện, chồng chị cùng quê lúa ở Thái Bình. “Ở ngoài đó mình là dân làng lúa, vào Bình Dương mình lập… làng hoa”, chị Thu chia sẻ. Chị Thu cho biết, đa phần những chủ vựa, nghệ nhân ở khu vực này trước có nghề trồng lúa nhưng cuộc sống khó khăn nên họ bươn chải vào Nam để mong được sung túc hơn, nhất là có điều kiện lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Vựa của anh Thiện, chị Thu phải thuê thêm người làm mới kịp hàng để bán. Riêng hoa lan, chị cung cấp cho các câu lạc bộ chơi lan có tiếng của TP.TDM. Những thành viên trong các câu lạc bộ có thể mua bán, trao đổi kể cả ký gửi tại các vườn kiểng để lan cho hoa đẹp. Ngoài phong lan, ở đây còn có đủ các loại hoa lá từ xương rồng, dừa nước đến bon - sai, cây kiểng loại lâu năm.

Giá cả cũng tùy loại và tùy vào sự ưa chuộng của khách hàng. Bông dừa cạn khoảng 40.000 - 50.000 đồng/chậu; cây trạng nguyên giá 150.000 - 200.000 đồng/ đôi; xương rồng đã có hoa có giá vài chục ngàn cho một chậu nhỏ xíu. Nhiều nhà phố có sân thượng thì chuộng các chậu hoa treo lá rũ như lan son môi, dây tóc tiên với vài chục ngàn đồng/ chậu. Một chị đang chọn 2 chậu trạng nguyên với vẻ mặt thích thú. Theo chị, lá trạng nguyên màu đỏ tươi sẽ đem lại sự vui vẻ, trẻ trung và cùng với màu sắc các chậu cây khác sẽ “sáng cả khu vườn”…

Mắc nhất là những chậu bon-sai, cây kiểng lâu năm như: sanh, mai, nguyệt quế, lộc vừng… có giá khá “nóng tay” với vài chục triệu đồng. Lạc vào một vườn kiểng thôi thì đủ chủng loại và  giá cả cũng muôn hình muôn vẻ. Khi đã “chấm” chậu cây kiểng nào rồi thì hình như, giá cả theo ý thích của người muốn mua chứ không còn là  “giá thực” nữa. Đó là ý kiến của những người sành chơi kiểng cho chúng tôi biết như thế.

“Nguồn hàng cho các vựa cây kiểng ở phường Bình Hòa, TX.Thuận An từ Đà Lạt về, miền Tây lên và có khi những chậu cây bạc triệu kia được chở từ quê lúa của chúng tôi vào lận đó. Nghĩa là, ở ngoài quê, họ có sẵn vườn ươm, trồng, chăm sóc, tạo dáng và khi có nhu cầu, họ thuê xe chở thẳng vào Bình Dương trưng bày hàng, chờ đến khi  ai hỏi được giá thì… gả”, chị Thu tâm tình.

Chịu thương chịu khó, những chủ vựa, nghệ nhân ở đây lấy công làm lãi. Khi hỏi chuyện, họ tự hào về nghề làm đẹp cho đời, đem màu xanh cho phố và ai nấy hy vọng một mùa buôn may bán đắt trong Tết Quý Tỵ - 2013 này.

Quỳnh Như

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên