Người lao động yên tâm ở lại Bình Dương

Cập nhật: 05-08-2021 | 09:08:38

Những ngày gần đây, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tại các tỉnh, thành phía Nam xuất hiện tình trạng công nhân lao động (CNLĐ) tự về quê tránh dịch, vô hình trung khiến cho chính bản thân người lao động, gia đình và cộng đồng có nguy cơ bịảnh hưởng do dịch bệnh có thể lây lan. Tại Bình Dương, qua tuyên truyền, vận động cùng với nhiều hoạt động chăm lo của chính quyền và công đoàn các cấp, nhiều CNLĐ đã an tâm ở lại Bình Dương.

An toàn cho bản thân

Anh Lê Văn Toản, CNLĐ tại Công ty TNHH Giày Thông Dụng, quê Hòa Bình, hiện ở khu nhà trọ trên địa bàn phường An Phú, cho biết qua theo dõi thông tin phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, truyền hình, nhiều CNLĐ rời khỏi nơi cư trú để về quê tránh dịch chủ yếu bằng phương tiện cá nhân là xe gắn máy. Anh Toản cho rằng, trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì hành động như vậy là không đúng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm không chỉ cho chính bản thân mà còn cho cả người thân và cộng đồng. Vì có thể bản thân họ đang mang mầm bệnh mà không biết, có thể lây nhiễm cho gia đình, người thân, bà con ở quê. Hơn nữa, việc về quê tự phát sẽ không qua được các chốt kiểm soát ở khu phố, tuyến đường, liên phường, liên huyện, liên tỉnh, cuộc sống sẽ ra sao khi bị mắc kẹt ngoài đường? Ngoài ra, phải di chuyển một chặng đường dài bằng xe gắn máy cũng rất nguy hiểm, chẳng may xảy ra tai nạn giao thông, hiểm họa dọc đường... “Do vậy, theo suy nghĩ của cá nhân tôi về quê lúc này là không nên chút nào, chẳng khác nào tựđặt mình vào tình thế khó khăn và nguy hiểm và cho cả người thân nữa. Tôi quyết định ở yên trong khu trọ và tuân thủ tốt các biện pháp phòng dịch để giữ gìn sức khỏe chờ ngày công ty có thông báo đi làm lại. Đồng thời, tôi cũng vận động những người ở trong khu trọ, nhắn tin cho bạn bè, đồng nghiệp làm cùng thực hiện tốt việc này”, anh Toản chia sẻ.

Cũng như đông đảo CNLĐ khác, anh Nguyễn Văn Hồng, CNLĐ tại Công ty Cổ phần Nội thất Hòa Phát, yên tâm ở lại nơi cư trú

Anh Nguyễn Văn Hồng, CNLĐ tại Công ty Cổ phần Nội thất Hòa Phát, chi nhánh Bình Dương (Khu công nghiệp Đại Đăng, TP.Thủ Dầu Một), quê Ninh Bình, hiện đang ở khu nhà trọ trên địa bàn phường Phú Mỹ, chia sẻ thấy tình hình dịch bệnh, vợ chồng cũng muốn về quê tránh dịch. Tuy nhiên, qua tuyên truyền của công đoàn công ty, của khu phốnơi ở trọ, hiểu được tác hại của việc làm này nên vợ chồng anh đã từ bỏ ý định này, yên tâm ở lại chờ ngày công ty thông báo đi làm trở lại. “Ngoài thời gian đi chợ mua nhu yếu phẩm (được khu phố phát phiếu đi chợ 2 lần/ tuần), vợ chồng tôi yên tâm ở yên tại phòng trọ, hạn chế đi ra ngoài để giữ gìn sức khỏe cho bản thân. Chỉ mong sao dịch bệnh mau qua đi để cuộc sống trở lại bình thường. Qua trao đổi, hầu hết CNLĐ ở trọ tại đây cũng đều không còn có ý định về quê tránh dịch nữa”, anh Hồng chia sẻ.

Đẩy mạnh tuyên truyền, chăm lo thiết thực

Trước tình hình CNLĐ có ý định về quê tránh dịch, các cấp chính quyền cùng tổ chức công đoàn trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động CNLĐ ở tại chỗ để thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Ông Đoàn Nam Lê Thiện, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Dĩ An, cho biết Liên đoàn Lao động thành phố đã triển khai các văn bản chỉ đạo của chính quyền các cấp, của công đoàn cấp trên đến tất cả các công đoàn cơ sở trực thuộc, Tổ an toàn Covid tại các doanh nghiệp để triển khai tuyên truyền, vận động CNLĐ trong đơn vị, công ty thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại nơi làm việc, nơi cư trú, không rời khỏi nơi cư trú để về quê tránh dịch. Các hình thức tuyên truyền phong phú, trực tiếp, chia sẻ qua mạng xã hội (Facebook, nhóm Zalo công đoàn) đã góp phần lan tỏa những nội dung thông tin về việc xét nghiệm Covid-19 cho toàn dân giai đoạn 2; đặc biệt là kế hoạch tiêm vắc xin cho toàn người dân, người lao động, kể cả người lao động tạm trú, đồng thời triển khai nhiều hoạt động chăm lo đời sống; qua đó giúp người dân, CNLĐ an tâm, chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch và không di chuyển khỏi nơi cư trú để bảo đảm an toàn sức khỏe cho chính mình, người thân và cộng đồng. Các cấp công đoàn TP.DĩAn cũng đã thông tin, chia sẻ số điện thoại đường dây “nóng” 1022 của tỉnh và của Công đoàn Bình Dương (0889.287.287) để được hỗ trợ CNLĐ kịp thời.

Tương tự, Công đoàn các Khu công nghiệp Bến Cát, LĐLĐ TX.Tân Uyên... cũng đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động CNLĐ không di chuyển khỏi nơi cư trú để bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả. Theo tìm hiểu của phóng viên, những ngày qua công tác tuyên truyền, vận động CNLĐ “Ai ở đâu ở yên đấy” được các địa phương chú trọng, bằng nhiều hình thức thông qua các Tổ Covid cộng đồng ở khu phố, tăng cường tần suất phát thanh trên các phương tiện truyền thanh tại địa phương...

Ông Phan Thái Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường An Phú, TP.Thuận An, cho biết song song công tác tuyên truyền, vận động CNLĐ “Ai ở đâu ở yên đấy”, chính quyền cùng các tổ chức đoàn thể phường còn tập trung nhiều hoạt động chăm lo cho người dân, CNLĐ hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại các khu vực cách ly, phong tỏa. Cụ thể như tặng nhu yếu phẩm, tổ chức “Bếp yêu thương” nấu những phần ăn sáng tặng cho CNLĐ ở các khu nhà trọ bị cách ly, phong tỏa. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường An Phú đã công bố danh sách 12 số điện thoại đường dây “nóng” của cán bộ phường, khu phố hỗ trợ người dân gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm. Tính đến hết tháng 7-2021, phường đã trao tặng hơn 5.000 phần quà là nhu yếu phẩm… cho người dân, CNLĐ trong khu phong tỏa trên địa bàn với tổng trị giá hơn 1,8 tỷ đồng.

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THÁI BÌNH: Hơn 14.000 CNLĐ yên tâm ở lại nơi cư trú
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình quyết định dừng hoạt động “3 tại chỗ”, cho toàn bộ CNLĐ tạm nghỉ việc vàhưởng lương tối thiểu vùng (4.420.000 đồng) đến hết ngày 15-8. Ông Trần Công Chánh, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình, cho biết Công đoàn công ty tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh để CNLĐ hiểu biết và làm theo, góp phần bảo vệ sức khỏe cho CNLĐ. Đặc biệt, thông qua mạng xã hội (Facebook, nhóm Zalo của các tổ sản xuất trong nhà máy...) công đoàn thông tin, vận động CNLĐ không rời khỏi nơi cư trú. Theo ghi nhận của các đơn vị sản xuất, đến nay công ty chưa ghi nhận trường hợp CNLĐ tự về quê. Song song với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích, vận động để CNLĐ hiểu và thực hiệm nghiêm những quy định phòng, chống dịch bệnh, Công đoàn công ty còn tập trung chăm lo bằng những hoạt động thiết thực tặng nhu yếu phẩm, gạo, mì tôm, rau củ quả tươi sạch cho CNLĐ khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ở các khu nhà trọ bị cách ly, phong tỏa.

 ĐỖ TRỌNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên