Người mẹ kiên trung

Cập nhật: 25-09-2014 | 09:41:45

Mẹ nào mẹ chẳng thương con. Mẹ nào chẳng muốn con được sống bên mẹ. Nhưng đất nước bị chiến tranh, mẹ đành xa con, gác tình riêng để tiễn đưa con lên đường tham gia kháng chiến. Nỗi đau mất con như xé nát ruột gan của mẹ, nhưng mẹ vẫn kiên trung, vượt qua nỗi đau để tiếp tục sống và cống hiến cho cách mạng. Đó là mẹ Việt Nam anh hùng Lại Thị Giờ (sinh năm 1920) ngụ ở khu phố 1, phường Hiệp An, TP.TDM có 2 người con là liệt sĩ.

Nhìn thấy chúng tôi đến thăm, mẹ rất vui mừng. Mẹ nói: “Thời chiến tranh, hy sinh, mất mát, đói khát triền miên nhưng khi nghĩ lại quá khứ mẹ rất đỗi tự hào. Hồi đó nhà mẹ đông con, nên phải siêng năng làm lụng mới đủ ăn. Vừa tráng bánh vừa gánh đi bán, lấy tiền mua thuốc men gửi cho con và các đồng chí bộ đội, du kích ở trong rừng”.

Năm 1960, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, người con trai đầu của mẹ là Nguyễn Văn Thu lên đường nhập ngũ, tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhờ thông minh và mau lẹ nên anh được phân công làm chiến sĩ thông tin bộ đàm ở C61 và giữ chức tiểu đội trưởng. Vài tháng sau, người con thứ tư của mẹ tên Nguyễn Văn Ngon cũng tham gia làm chiến sĩ giao liên chống Mỹ ở xã. Anh đã thực hiện thành công nhiều chuyến đò ngang dọc đưa bộ đội, du kích sang sông.

Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, chiến tranh ác liệt, mẹ cùng chồng vừa chăm chỉ làm bánh tráng vừa đem bán ở chợ ban ngày, vừa đào hầm che giấu bộ đội. “Mỗi khi có bộ đội về, mẹ mừng lắm. Mẹ gửi bánh tráng và có thứ gì gửi thứ ấy cho con và các đồng chí trong đơn vị. Bởi mẹ biết sống trong rừng gian khổ và thiếu thốn đủ thứ. Thương con lắm, nhưng biết làm sao được, nó đi vì đất nước mà, mẹ tự hào vì các con của mẹ”, mẹ Giờ bùi ngùi kể lại.

Rồi mẹ lần lượt nhận được tin dữ. Vào tháng 12-1962, khi đang đưa du kích qua sông Sài Gòn đoạn qua cầu Ông Cộ, ghe của anh Ngon bị tàu địch phát hiện. Anh cùng đồng đội đã chống trả quyết liệt. Nhưng với đạn khủng từ tàu chiến và hỏa lực từ máy bay của Mỹ, anh Nguyễn Văn Ngon đã trút hơi thở cuối cùng. Chúng mang xác anh phơi trên đường. Nhìn xác con bị phơi, mẹ Giờ như chết lặng và cố nuốt nước mắt vào trong. Người dân trong xóm xót thương người chiến sĩ giao liên anh dũng nên đã lén đem xác anh về chôn ở khu gò mả ấp 9, xã Tân An (nay là phường Tân An, TP.TDM).

 Nỗi đau mất người con thứ tư chưa nguôi thì tim mẹ như muối xát lần thứ hai. Trong một lần công tác bị phục kích, anh Nguyễn Văn Thu đã anh dũng hy sinh tại dốc Bù Chí (xã Thới Hòa, huyện Bến Cát) vào tháng 10-1966. Địch cũng kéo xác anh về phơi ở ven đường để thị uy dân. Sau đó, đồng đội của anh đã lén mang xác anh đi chôn ở Hố Le. Sau này, hài cốt anh được di dời về Nghĩa trang tỉnh Bình Dương.

Tình hình chiến sự căng thẳng, địch liên tục thực hiện nhiều đợt dồn dân lập ấp chiến lược. Nhà mẹ cũng liên tục đổi chỗ ở đến năm bảy lượt. Nhưng khi biết gia đình mẹ có người tham gia kháng chiến, bọn chỉ điểm nhiều lần đến chặn đường tra hỏi, đánh đập mẹ dã man. Cắn răng chịu đựng, mẹ nói: “Chiến tranh ác liệt quá, nên nhiều người sau khi đi bộ đội ra chiêu hồi. Lúc đó, mẹ lo lắng vô cùng, nhưng tự hào thay các con của mẹ vẫn kiên cường, anh dũng chiến đấu và quyết hy sinh cho sự nghiệp cách mạng”.

Chiến tranh đã đi qua, đất nước đang thanh bình, từng ngày chứng kiến cảnh thay da đổi thịt của quê hương, lòng mẹ như đang được sưởi ấm. Gia đình mẹ luôn đạt danh hiệu “Gia đình cách mạng gương mẫu” nhiều năm liền. Gia đình mẹ cũng đạt “Gia đình văn hóa tiêu biểu” 10 năm liền của địa phương. Mẹ Giờ vui mừng chia sẻ: “Mẹ rất vui khi Đảng và Nhà nước ghi nhớ công lao của mẹ và các con đã hy sinh và ngày càng quan tâm đến những người như mẹ. Mẹ còn được tạo điều kiện đi tham quan, du lịch, nghi dưỡng ở Nha Trang, Đà Lạt... Còn vào các dịp lễ, tết lãnh đạo các cấp cũng đến thăm hỏi và tặng quà. Ngoài ra, mẹ còn được Công ty Cổ phần Lâm sản và Xuất nhập khẩu tổng hợp Bình Dương phụng dưỡng suốt đời”.

MINH HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên