Người nặng lòng với nghề đan lát

Cập nhật: 08-06-2019 | 09:30:24

Bà Lê Thị Cẩm Vân ở khu phố Đồng An 1, phường Bình Hòa, TX.Thuận An vừa làm kinh tế giỏi vừa tích cực tham gia công tác xã hội, từ thiện tại địa phương. Thời gian qua, bà đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp trong tỉnh.

Nhạy bén với thị trường

Hơn 25 năm làm nghề đan giỏ xách, rá, rổ, hộp… bà Vân cảm nhận được khó khăn cũng như niềm vui với công việc kinh doanh. Cách đây hơn 10 năm, khi thị trường còn ưa chuộng các sản phẩm đan lát từ nguyên liệu tự nhiên như mây, tre, lá, số lao động đến xin việc và làm tại nhà của bà lên đến 50 người.

Thời điểm đó, bà nhận gia công sản phẩm theo đơn đặt hàng từ phía công ty; tất cả sản phẩm đều được làm từ tre, mây, lá cây các loại như lá chuối, thân lá lục bình. Mẫu mã sản phẩm bà làm ra đa dạng như thùng rác, giỏ nuôi chó, giỏ sách… chủ yếu để xuất khẩu. Người lao động ở đây có thu nhập ổn định.

Bà Vân (giữa) chia sẻ về kỹ năng đan giỏ với khách hàng. Ảnh: VĂN TIẾN

Những năm gần đây, nguyên liệu từ tự nhiên khan hiếm, nên bà Vân chuyển sang đan lát bằng nhựa giả mây, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước; đơn hàng ít hơn trước nên lượng người làm cũng giảm theo. Hiện bà nhận khung sắt với mẫu mã khác nhau để tạo điều kiện cho bà con trong khu phố nhận về làm thêm, trong đó chủ yếu là người già. Gần 100 mặt hàng với kiểu dáng khác nhau như ống đũa tròn, vuông, giỏ đựng rác, kệ bỏ tài liệu, hộp đựng khăn giấy… mỗi mặt hàng tùy theo độ khó, to hay nhỏ bà sẽ trả tiền công đan khác nhau. Nếu ai có nhu cầu kiếm việc làm thêm bà sẵn sàng hướng dẫn cách đan; chỉ cần vài giờ đồng hồ người làm có thể biết và tự nhận về nhà đan.

Cơ sở của bà đã tạo điều hiện cho gần 20 người có việc làm thêm tại nhà. Họ chủ yếu là người già, công nhân, nội trợ, người mất sức lao động... Bà Trần Thị Liêm, 73 tuổi, quê ở Sóc Trăng, tâm tình bà lên Bình Dương ở trọ chăm cháu để giúp các con yên tâm làm công nhân. Hơn 7 năm qua, bà làm công việc đan lát, mỗi tháng bà có thu nhập trên 1,5 triệu đồng. Bà rất vui và cảm ơn bà Vân vì đã tạo việc làm cho bà để vừa có thêm thu nhập vừa có thời gian trông nom các cháu.

Tích cực công tác xã hội, từ thiện

Hiện mỗi ngày, bà Vân cung cấp cho công ty trên 250 sản phẩm. Bình quân mỗi tháng, bà có thu nhập trên dưới 5 triệu động. Về mặt kinh tế, với thu nhập này là rất khiêm tốn. Tuy nhiên, xét về mặt xã hội, việc làm của bà thật đáng trân trọng, vì bà đã tạo việc làm tại chỗ cho nhiều người lao động.

Không chỉ giỏi kinh doanh, bà Vân còn tích cực tham gia công tác xã hội. Mặc dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn làm chi hội trưởng phụ nữ khu phố, tổ trưởng tổ vay tốn, cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình, trẻ em… Hiện Chi hội Phụ nữ khu phố Đồng An 1 có 250 hội viên. Đến nay, chi hội không còn hộ nghèo, cận nghèo. Vào dịp lễ, tết, bà thường xuyên vận động trao tặng quà cho hội viên khó khăn. Nhờ đó, hội viên phụ nữ trong chi hội luôn đồng hành và tin tưởng lấy tấm gương của bà để phấn đấu vươn lên.

Với những đóng góp của mình, thời gian qua bà Vân nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, thị xã và của phường. Đó là phần thưởng xứng đáng, đồng thời tạo thêm động lực giúp bà tiếp tục cống hiến vào sự phát triển của phụ nữ nói riêng và xã hội nói chung.

Chị Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Bình Hòa, cho biết mặc dù đã lớn tuổi nhưng bà Vân vẫn luôn nhiệt huyết với công tác phụ nữ và từ thiện tại địa phương. Với tinh thần chịu khó, bà Vân là tấm gương sáng để các hội viên phụ nữ học tập noi theo để vươn lên trong cuộc sống.

VĂN TIẾN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên