Người Nùng ở Bình Dương: Đổi thay từ vùng đất lành

Cập nhật: 02-07-2014 | 08:44:22

Kỳ 2: Những gia đình người Nùng hiếu học

Trước những đổi thay về kinh tế trên mảnh đất Bình Dương thân thương, người Nùng còn chú trọng đến việc nâng cao tri thức, “chắp cánh” tương lai cho thế hệ sau. Dù trải qua trăm bề vất vả, họ vẫn động viên con, em cắp sách đến trường, mong một tương lai tươi sáng. Ước mơ đó như “tiếp lửa” để những người con đồng bào dân tộc Nùng phấn đấu học cao, thành đạt, trở về phục vụ địa phương.

Không còn chuyện để con thất học!

Đến xã Tân Hiệp (Phú Giáo), chúng tôi nghe thông tin về “Cây xương rồng” của người Nùng bởi những nỗ lực vượt khó, vươn lên và giáo dục con cái thành đạt. Theo chân cán bộ văn hóa - thông tin xã Tân Hiệp, chúng tôi đến thăm gia đình ông Vy Văn Thảy (SN 1936). Trong căn nhà khang trang, nhiều bằng khen, giấy khen của con cháu được ông đóng khung treo khắp nhà. Trước nỗ lực, bươn chải của cha mẹ để các con có cái ăn, cái mặc, được học hành, con ông đứa nào cũng tự ý thức, nhắc nhau học tập bằng bạn bằng bè. Trong 6 người con của ông Thảy, 2 người ổn định kinh tế tại Cao Bằng, 2 người làm giáo viên công tác tại huyện Phú Giáo, 1 người làm công chức tại UBND xã Tân Hiệp, người con út làm công an ở Lâm Đồng. Nhìn lại những tấm giấy khen của các con, ông Thảy rơi nước mắt nhớ về ngày các con khoe với cha những điểm 10 đỏ chói.  

Sau nhiều năm tháng vất vả giờ ông bà Thàn có cuộc sống khá giả, vui vầy bên con cháu

Tâm sự với chúng tôi, ông Thảy nói: Những ngày đầu đến Bình Dương lập nghiệp, hai vợ chồng với số vốn ít ỏi phải gồng gánh nuôi 6 người con đang tuổi ăn, tuổi học. Với ý chí kiên định, ông tự nhắc mình “không được gục ngã trước khó khăn”. Vất vả nhưng được cái các con học giỏi làm mình cũng vui. Từ nhỏ, cuộc sống cứ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên không ai nghĩ đến việc học. Muốn các con không như cha mẹ, chúng tôi khuyên con học thật giỏi. Giờ kinh tế gia đình đã khá giả, các con trưởng thành, cuộc sống ổn định mà thấy ấm lòng.

Học để đổi đời

Tạm chia tay với gia đình ông Thảy, chúng tôi chạm ngõ gia đình ông Hà Văn Thàn (55 tuổi, xã An Linh, Phú Giáo). Bắt đôi tay chai sần, đầy sẹo của người cha tần tảo, chúng tôi mới hiểu hết được sự vất vả mưu sinh lo cho 5 người con ngồi giảng đường đại học. Tâm sự của vợ ông - bà Hoàng Thị Pọm làm những ai tiếp xúc phải ngân ngấn rơi lệ. Những ngày theo chồng vào Bình Dương làm kinh tế vô cùng khó khăn. Địu đứa con đầu trên vai, bà lo cùng ông lên rẫy kiếm hạt thóc, hạt ngô. Nhiều ngày nắng, con đau ốm làm người mẹ đã gầy gò lại gầy thêm. Sinh đứa thứ hai, bà ở nhà trông con. Một mình ông Thàn “cơm đùm, cơm nắm” lên rẫy khai hoang đất trồng củ mì, lúa. “May mắn, chúng tôi là người dân tộc thiểu số nên được giảm tiền học, tặng sách vở nên cũng bớt đi phần nào chi phí. Các con tôi đứa lớn dìu dắt đứa nhỏ đến trường. Trong suốt thời gian con học, chúng tôi chưa có dịp lên trường coi con học ra sao, hay đưa con đến trường. Nhiều bữa, con về khóc, “Ba ơi! Bạn con ai cũng được ba mẹ đưa đến trường, chỉ có con là tự đi”… Thấy con khóc, tôi ngậm ngùi khuyên nhủ con, chứ đâu biết làm cách nào.  

Nhiều con em người Nùng trở về cống hiến cho quê hương. Trong ảnh: Anh Đặng Trọng Quảng, Phó Chủ tịch HĐND xã An Linh

Như thấu hiểu lòng cha mẹ, các con của ông đều chăm ngoan, học giỏi. Hiện nay, người con đầu, chị Hà Thị Diệp tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế TP.HCM, đang làm công chức tại tỉnh Bình Phước. Người con kế, Hà Thị Hiền tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia, đang làm tại văn phòng huyện Phú Giáo. Hai người con gái kế sau, một người đang theo học tại trường kinh tế, một người theo học đại học ở Cần Thơ. Người con trai út (sinh năm 1993) đang theo học tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông. Bên cạnh đó, nhờ sự chịu thương, chịu khó, gia đình ông có hơn 7 ha cao su đang cho thu hoạch. Kinh tế gia đình từ diện hộ nghèo của xã đã vươn lên hộ khá giả có “của ăn, của để”.

Nhiều con em người Nùng thành đạt

Tự hào nói về cha mẹ mình, anh Đặng Trọng Quảng (SN 1983, xã An Linh), Phó Chủ tịch HĐND xã An Linh, nhớ lại: Ngày trước đời sống kinh tế khó khăn nhưng gia đình tôi 4 anh chị em ai cũng mê học. Thời kỳ đầu, gia đình thiếu thốn đủ thứ, anh chị em sáng đi học thì chiều phải lên rẫy phụ mẹ khai hoang trồng lúa, trồng mì để có cái ăn. Tuy khó khăn, nhưng cha mẹ chưa bao giờ có ý định cho anh em tôi nghỉ học để phụ giúp gia đình. Dù khó khăn nhưng cha anh, ông Đặng Hải Hồ (SN 1947) vẫn không một lời than vãn, mà chỉ khuyên anh em phải cố gắng học hành. Câu nói của cha làm chúng tôi nhớ mãi: “Các con đừng để cái chữ nó biết mình mà mình không biết nó, dù có phải vất vả đến chừng nào, nhưng nhìn thấy mấy đứa học hành đến nơi đến chốn thì cha mẹ cũng cam”.

Hàng ngày, chúng tôi vượt hàng chục cây số đến lớp. Sáng sớm mẹ nấu cơm, gói trong từng miếng vải để anh em mang theo. Sáng sớm, gia đình như chuẩn bị “hành quân”, cha mẹ lên rẫy, các con đến trường. Nhìn thấy cảnh anh em chúng tôi đi học, nhiều bạn cùng trang lứa, cười xòa “học làm gì cho lắm, cũng về làm nông”. Câu nói ấy càng làm động lực để chúng tôi phấn đấu vượt qua cái gọi là “số phận của anh nông dân, cả đời làm nông dân”.

Ý thức học tập được “thắp lửa” từ người này sang người khác. Vì nhà xa, không có điện nên sau bữa cơm trưa vội vã, anh em ngồi bên nhau làm bài, học bài. Bài nào chưa hiểu, mọi người cùng giải, do vậy nhà anh ai cũng học giỏi. Sau những năm tháng “dùi mài kinh sử”, anh em nhà anh Quảng quay lại phục vụ địa phương. Đặng Hữu Quỳnh (SN 1978) tốt nghiệp trường Đại học Lạc Hồng, lập gia đình và có công việc ổn định. Đặng Thị Bích Nguyệt (SN 1980) tốt nghiệp Đại học Luật TP.HCM, đang theo học cao học hành chính. Em Đặng Thúy Ngân (SN 1988) tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, hiện đang làm việc tại Ngân hàng BIDV (TX.Bến Cát).

Đến gặp, trao đổi với các gia đình người Nùng, chúng tôi mới thấy hết được tinh thần chịu thương chịu khó của những bậc sinh thành muốn con biết cái chữ. Càng khâm phục hơn trước tinh thần học tập của thế hệ con cháu người Nùng. Dù khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn quyết “chinh phục” tri thức. Sau khi học xong, nhiều người ở lại Bình Dương, góp phần làm quê hương Bình Dương thêm giàu mạnh.

Bí thư Đảng ủy xã An Linh Nguyễn Minh Thành: Xã An Linh có gần 90 hộ người Tày, Nùng. Mặc dù khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn nỗ lực cho con đến trường. Hiện nay, 70% số con em người Tày, Nùng học hết cấp 3. Nhiều em học xong quay trở về địa phương giữ các chức vụ cao trong xã. Những cán bộ chủ chốt người dân tộc thiểu số trở thành tấm gương hiếu học cho người Nùng noi theo.

ĐỖ TUÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên