Người nước ngoài mua nhà theo luật nhà ở: Vẫn còn nghe ngóng!

Cập nhật: 16-12-2015 | 09:26:41

Luật Nhà ở đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2015. Vừa qua, Nghị định 99 của Chính phủ hướng dẫn về việc người nước ngoài, Việt kiều sở hữu nhà ở cũng đã được ban hành, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay việc các đối tượng này sở hữu được nhà ở theo quy định còn gặp nhiều khó khăn.

Các chuyên gia giới thiệu tổng quan về dự án chung cư cao cấp SORA gardens I (Thành phố mới Bình Dương) với khách hàng nước ngoài Ảnh: XUÂN THI

Chỉ mới đặt cọc, đặt chỗ

Ngay sau khi Luật Nhà ở mới chính thức có hiệu lực, nhiều người nước ngoài và Việt kiều sinh sống tại Bình Dương đã rất vui mừng, chuẩn bị mọi phương án về tài chính lẫn pháp lý để mua nhà và định cư lâu dài tại địa phương. Bởi lẽ, theo Luật Nhà ở 2014, từ ngày 1-7- 2015, người nước ngoài đến đầu tư, sinh sống tại Việt Nam cũng như Việt kiều hồi hương đều được “nới lỏng” để sở hữu nhà ở hợp pháp.

Sau khi luật có hiệu lực, ông Richard Raymond, một chuyên gia người Mỹ đang làm việc tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 1 (TX.Thuận An) vẫn thường đi tham khảo một số dự án nhà ở tại Bình Dương như phố thương mại New Central Park, IJC@VSIP… Ông Raymond cho biết: “Tôi đã làm việc ở Việt Nam được 2 năm và có vợ ở đây. Theo tư vấn của luật sư, tôi hoàn toàn đủ điều kiện để mua nhà tại Bình Dương và tôi muốn gắn bó lâu dài với nơi này. Chính vì thế, tôi đã tìm kiếm đầy đủ thông tin và chuẩn bị phương án tài chính để mua nhà ngay khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực”.

Trong khi đó, ông Pen Wu, một chuyên gia của Tập đoàn Asama (TX.Dĩ An) cũng tỏ ra khá hài lòng khi quyết định sẽ mua nhà ở Bình Dương để tiện cho công việc và sinh hoạt cùng người vợ mới cưới tại Việt Nam. Ông cho biết, trước đây ông hơi e ngại về vấn đề sở hữu bất động sản nhưng giờ thì rất an tâm. Ông được quyền đứng tên trong căn hộ tương lai nên quyết định phải mua nhà bằng được để gắn bó lâu dài với vùng đất này.

Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, dù Luật Nhà ở đã có hiệu lực nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản, khách hàng nước ngoài tại TP.Hồ Chí Minh cũng như ở Bình Dương đều kêu đang gặp nhiều vướng mắc khi giao dịch bất động sản. Chính vì thế, nhiều khách hàng cho biết đang đặt cọc giữ chỗ chờ có nghị định hướng dẫn cụ thể mới ký được hợp đồng mua nhà tại Việt Nam, chứ chưa được phép thanh toán ngay. Đây là một thực tế rất đáng tiếc, bởi tính đến hết tháng 11-2015, Bình Dương đã thu hút được 2.567 dự án đầu tư nước ngoài, kéo theo một lượng lớn chuyên gia nước ngoài đến làm việc và sinh sống. Trước đây, khi Luật Nhà ở 2014 chưa có hiệu lực, họ phải ở lại tại doanh nghiệp hoặc nhà ở chuyên gia do doanh nghiệp thuê lại của nhà đầu tư Việt Nam. Chưa kể có khá đông chuyên gia, người lao động chọn phương án về TP.Hồ Chí Minh ở trọ tại các khu nhà ở cao cấp dành cho người nước ngoài.

Chờ hiệu quả từ Nghị định 99

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư Công ty Savill Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm này chưa có người nước ngoài nào cầm được sổ hồng sở hữu nhà tại Việt Nam. Đây là một yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý của người nước ngoài có nhu cầu mua nhà tại Việt Nam.

Theo nhiều công ty kinh doanh bất động sản, việc điều chỉnh chính sách mở cửa cho người nước ngoài đã tạo được sự kỳ vọng cho thị trường bất động sản ở Bình Dương. Thời gian qua đã có nhiều lượt khách nước ngoài đến tham quan các dự án nhà ở và bày tỏ mong muốn sở hữu nhà ở tại Bình Dương. Tuy nhiên, đa phần người nước ngoài mới chỉ có thể đặt cọc giữ chỗ chứ chưa ký được hợp đồng mua bán, vì họ vẫn chờ các hướng dẫn chi tiết. “Do quy trình làm luật của Việt Nam có độ trễ nên sau ngày 1-7, thị trường bất động sản đón vốn không như kỳ vọng. Các quy định phải làm rõ là người nước ngoài, Việt kiều muốn mua nhà cần những loại giấy tờ gì, việc chuyển tiền ra vào khi mua và bán nhà của họ sẽ được thực hiện như thế nào. Ngoài ra, các mẫu hợp đồng cũng cần được hướng dẫn cụ thể hơn”, bà Trần Thị Dịu Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Tổ chức nhà Quốc gia (NHO) cho biết.

Ngày 10-12 vừa qua, Nghị định 99 của Chính phủ hướng dẫn cụ thể, chi tiết về việc người nước ngoài và Việt kiều được phép sở hữu nhà ở đã được ban hành. Nghị định đã tháo được nhiều nút thắt quan trọng về việc người nước ngoài và Việt kiều sở hữu hợp pháp bất động sản tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sau khi nghị định này ban hành cũng có nhiều ý kiến xung quanh tính khả thi của nó.

Ngày 20-10-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 99/2015/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Nhà ở, có hiệu lực kể từ ngày 10-12- 2015. Nghị định 99 có nhiều nội dung khác nhau, riêng ở các quy định sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài và Việt kiều có những điểm cơ bản như sau:

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có các giấy tờ: Hộ chiếu Việt Nam còn giá trị, có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam; Hộ chiếu nước ngoài còn giá trị, có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam và giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam/Giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp.

- Cá nhân nước ngoài: Hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam và không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao.

- Tổ chức nước ngoài: Có Giấy chứng nhận đầu tư/giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động tại Việt Nam còn hiệu lực. Thời hạn sở hữu nhà ở của tổ chức nước ngoài không vượt quá thời hạn ghi trong giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT). Nếu GCNĐT không ghi thời hạn thì GCN quyền sở hữu nhà ở cũng được ghi không thời hạn.

Ngoài ra, Nghị định 99 còn quy định số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong tòa nhà chung cư.

 

 KHÁNH VINH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên