Người phụ nữ không “an phận”

Cập nhật: 19-03-2012 | 00:00:00

Từng trải qua những năm tháng khó khăn, nghèo đói nên chị Phạm Thị Minh Nương (chủ Cơ sở kinh doanh sắt thép Ngọc Minh, khu phố Đông Tác, phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An), hiểu hơn ai hết nỗi cơ cực của người nghèo. Nghĩ vậy nên chị luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với người khác. Lúc thì xây, sửa nhà, khi thì tặng quà, đỡ đầu học sinh khó khăn, hay tạo việc làm cho người khuyết tật...  Chị Nương trao chứng nhận tặng nhà tình thương cho Hội Chữ thập đỏ phường

Khi được hỏi về tấm gương phụ nữ (PN) tích cực làm từ thiện, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Tân Đông Hiệp Nguyễn Thị Ny Niêm không giấu được cảm xúc, kể cho chúng tôi nghe việc thiện nguyện mà chị Nương đã làm. “Chị Nương là một trong những Mạnh Thường Quân lớn của Hội CTĐ phường Tân Đông Hiệp. Chị không những làm công tác từ thiện tốt mà còn tích cực trong mọi hoạt động của hội, của UBND phường”, chị Niêm khẳng định.

Lần đầu tiên gặp chị Nương, chúng tôi đã bị thuyết phục trước ánh mắt hiền lành, giọng nói nhẹ nhàng, từ tốn của người PN ngoài 40 này. Chị kể, chị sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại Quảng Ngãi, tuổi thơ chị là những tháng ngày cơ cực. Năm 7 tuổi, chị cùng gia đình đi lập nghiệp khắp các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Long An. Năm 2004, chị lấy chồng và chọn Bình Dương làm “bến đậu”. Ban đầu, hai vợ chồng trẻ gặp không ít khó khăn trong kinh doanh, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, chị kinh doanh nhiều mặt hàng mang lại kinh tế. Khi có nguồn vốn kha khá chị chuyển sang kinh doanh sắt thép theo kiểu trả đối đầu. Nhờ sự nhanh nhẹn, cần mẫn, công việc làm ăn của chị ngày càng phát triển. Không dừng lại ở vị trí bà chủ kinh doanh, chị Nương tiếp tục cùng chồng bắt tay vào sửa nhà đang ở làm nhà nuôi chim yến.

Chị Nương tâm sự: “Năm 2010, thấy mô hình nuôi chim yến đạt hiệu quả cao, vợ chồng chị đã mạnh dạn nuôi thử nghiệm. Để tiết kiệm chi phí trong việc thi công, lắp đặt nhà ở cho yến, chồng chị đã tìm hiểu kỹ thuật xây dựng trên mạng và tự làm”. Thành công từ mô hình nuôi chim yến tại nhà, chị đầu tư xây thêm 2 căn nhà tại Bình Nhâm (TX.Thuận An) và Miếu Ông Cù (Tân Uyên), mỗi căn nhà có 4 tầng. Hiện nay, mỗi tháng chị thu vào hơn 40 triệu đồng tiền tổ yến.

Song song với làm kinh tế, hơn 8 năm nay không một chương trình từ thiện nào của phường vắng mặt chị. Chị đã xây trao tặng, sửa chữa hơn 10 căn nhà cho người nghèo trên địa bàn phường; mỗi dịp lễ, tết đều tặng quà cho người nghèo; nhận đỡ đầu 2 em học sinh gia đình khó khăn, mỗi tháng trợ cấp 400.000 đồng; tạo công ăn việc làm cho hơn 40 công nhân. Trong số đó, nhiều em khuyết tật còn khả năng lao động được chị nhận vào làm và trả lương cao. Ngoài ra, chị còn thăm, tặng quà những người nghèo tại các tỉnh nơi mình đã từng sinh sống như: KomTum, Đắc Lắc, Long An, TP.HCM...

Đến nay, không ít người nhờ được chị giúp đỡ đã có nhà mới, an tâm phát triển kinh tế, con cái ăn học đàng hoàng. Điển hình trường hợp chị T.T.M, bị bệnh AIDS. Trước khi được chị Nương giúp đỡ, gia đình chị M. rất khó khăn, sống trong căn nhà gỗ lụp xụp, thiếu ăn thiếu mặc nên chị càng ngày càng ốm và tiều tụy... Sau khi được chị Nương xây tặng nhà mới, đỡ đầu cháu ăn học... không còn nỗi lo “cơm áo gạo tiền” dằn vặt, sức khỏe chị M. cải thiện dần và vượt qua mặc cảm, vui vẻ hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, đối với các cuộc vận động nhân đạo, từ thiện, ủng hộ người nghèo, đồng bào bị thiên tai do địa phương phát động, chị đều nhiệt tình đóng góp, coi đó là một phần trách nhiệm xã hội của mình.

 “Tôi muốn làm thật nhiều việc thiện để con, cháu sau này học theo và tự xây dựng nhân cách sống cho mình. Bên cạnh đó, tôi làm như vậy vì muốn cuộc sống này, mỗi người hãy cùng san sẻ với nhau thì cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn”, chị Nương bộc bạch. 

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên