Người thầy thuốc phải giàu y đức

Cập nhật: 26-02-2016 | 07:44:17

Trong “Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế” tháng 2-1955, Hồ Chủ tịch đã nhắc nhở nhiệm vụ của người thầy thuốc: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”.

Từ xưa đến nay, người thầy thuốc luôn được xã hội đề cao và tôn trọng. Bởi “lương y như từ mẫu” - thầy thuốc như mẹ hiền. Truyền thống nền y học nước ta vốn đề cao y đức. Đức Y tổ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã nói: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng cho người ta, phải lo trước cái lo của người và vui sau cái vui của người mà không cầu danh lợi, kể công. Thầy thuốc là người bảo vệ sinh mạng của con người, tử sinh họa phúc đều ở tay mình quyết định”. Tư tưởng, quan niệm của vị y tổ về y đức đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Chúng ta vui mừng đội ngũ y, bác sĩ trên cả nước đang ngày đêm tận tụy cứu chữa, chăm sóc người bệnh. Ngày càng nhiều bác sĩ trẻ tình nguyện về các bệnh viện vùng sâu vùng xa, nơi nghèo khó công tác. Những cuộc hành trình vì bệnh nhân nghèo, những chuyến đi khám, chữa bệnh từ thiện và phát thuốc miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số… đang được cộng đồng khen ngợi.

Tuy nhiên, ngày nay với tác động của kinh tế thị trường, để giữ vững được y đức là một điều không dễ. Một số y, bác sĩ bị ma lực của đồng tiền chi phối khiến y đức đang dần bị mai một. Tiền bạc, quà cáp làm thay đổi tiêu chí đối xử và chất lượng điều trị bệnh. Có những y, bác sĩ đã thờ ơ, thiếu trách nhiệm, coi thường tính mạng của người bệnh, vì vậy đã gián tiếp gây ra cái chết cho người bệnh, bị dư luận lên án. Các y, bác sĩ phải ý thức một điều rằng họ đang chữa bệnh, cứu người, kéo người bệnh ra khỏi “lưỡi hái” của “thần chết” chứ không phải là đang kinh doanh.

Trong xã hội, nghề nào cũng cần có đạo đức nghề nghiệp. Nghề y là trị bệnh cứu người vì vậy lại càng coi trọng y đức. Nhằm khắc phục tình trạng y đức giảm sút, thiết nghĩ ngoài việc chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục vấn đề y đức thì cần có sự quan tâm về chính sách đãi ngộ thỏa đáng, chăm lo đời sống cán bộ y tế cả vật chất lẫn tinh thần. Đây là điều kiện để đội ngũ người thầy thuốc yên tâm sống với nghề và đem hết sức mình phục vụ chăm sóc người bệnh, góp phần nâng cao y đức…

 THÁI PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên