Nguồn vốn khuyến công: Đồng hành cùng ngành nghề truyền thống

Cập nhật: 04-11-2019 | 07:57:26

 Thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp (Sở Công thương) đã tích cực khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp truyền thống đầu tư đổi mới trang thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực quản lý và khả năng cạnh tranh để mở rộng thị trường.

 Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp nghiệm thu Đề án hỗ trợ máy móc tại Doanh nghiệp tư nhân Như Ngọc. Ảnh: TIỂU MY

Góp phần nâng cao năng lực cho doanh nghiệp

Tại Doanh nghiệp tư nhân Như Ngọc (phường Hưng Định, TX.Thuận An) chuyên sản xuất gốm sứ, qua thời gian hoạt động, doanh nghiệp đã tích cực tìm kiếm thị trường, định hình sản phẩm theo thị hiếu khách hàng... nhằm tạo việc làm ổn định cho người lao động, duy trì và phát triển nghề gốm sứ truyền thống. Doanh nghiệp đã tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh; cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và tiết giảm chi phí sản xuất.

Ông Trương Tư, Giám đốc Doanh nghiệp Như Ngọc, cho biết sự hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư máy móc thiết bị mới 100% là cần thiết. Nhờ đó giúp doanh nghiệp hoàn thiện quy trình sản xuất, đáp ứng điều kiện cao của khách hàng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, tăng doanh thu… Với sự hỗ trợ của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp, doanh nghiệp đã mua sắm máy móc trị giá 186,4 triệu đồng, trong đó nguồn vốn khuyến công hỗ trợ 90 triệu đồng. Dự kiến, sau khi đầu tư cụm máy móc thiết bị này, thời gian hoàn vốn của dự án là 12 tháng.

Trước đây, khi chưa đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, doanh nghiệp phải thuê đơn vị bên ngoài gia công các công đoạn định hình khung sắt của sản phẩm chân bàn, ghế… trước khi ghép gốm mỹ nghệ lên sản phẩm và hoàn thiện. Do được gia công bên ngoài nên sản phẩm tạo ra thường xuyên có sai sót, không đồng đều và ổn định về chất lượng, kích thước, do đó không bảo đảm yêu cầu của đơn hàng về thời gian giao hàng, chất lượng sản phẩm.

Thực tế này cũng khiến doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tay nghề cũng như thời gian làm việc của người lao động tại đơn vị gia công. Sau khi đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí thuê bên ngoài gia công sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên và ổn định cho người lao động, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người lao động.

“Toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp được hoạt động khép kín trong các khâu. Vì thế việc doanh nghiệp đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất giúp giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường làm việc và các vấn đề kinh doanh của đơn vị”, ông Tư nói.

Theo tính toán của ông Tư, mỗi tháng doanh nghiệp phải tốn hơn 20 triệu đồng chi phí gia công sản phẩm phụ trợ bên ngoài. Khi đầu tư cụm máy móc thiết bị nói trên, doanh nghiệp không còn tốn phần chi phí này; đồng thời tạo ra sản phẩm thẩm mỹ, chính xác, sắc sảo hơn, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng; tăng doanh thu, tăng lợi nhuận.

Hiện người lao động được doanh nghiệp trả mức lương trung bình 5 triệu đồng/tháng. Khi đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất, doanh nghiệp sẽ bảo đảm ổn định việc làm cho số lao động cơ sở, bảo đảm công nhân lao động phổ thông mức lương ổn định từ 5,2 - 6,8 triệu đồng/tháng.

Theo sát hoạt động sản xuất của doanh nghiệp

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp, để lựa chọn một doanh nghiệp hỗ trợ đơn vị không chỉ chú trọng việc nộp thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư một dự án, mà bộ phận nghiệp vụ còn phải đối thoại, tìm hiểu nguyện vọng của doanh nghiệp ra sao, mang đến lợi ích gì cho họ, cho cộng đồng. Chính thông qua những cuộc đối thoại trực tiếp và thẳng thắn như vậy trung tâm mới hiểu hết nhu cầu, mong muốn của doanh nghiệp đối với địa phương.

Ông Phạm Thanh Dũng, Phó Giám đốc phụ trách trung tâm, cho biết việc triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công đã góp phần tạo động lực cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động sản xuất công nghiệp nông thôn, tạo sức lan tỏa từ chính sách khuyến công đối với nhu cầu của doanh nghiệp cũng như cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn trong thời gian tới.

Trong những tháng cuối năm 2019, trung tâm tiếp tục bám sát kế hoạch năm nhằm triển khai thực hiện đúng tiến độ, đạt kết quả cao, bảo đảm đúng mục tiêu và đầy đủ nội dung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Các phòng chức năng của trung tâm thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hoàn thành đề án khuyến công đúng tiến độ; sử dụng kinh phí hỗ trợ, chế độ chính sách cũng như các quy định khác về quản lý hoạt động khuyến công đúng quy định, đúng mục đích. Các bộ phận chuyên môn của trung tâm cũng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, tình hình hoạt động khuyến công trên các phương tiện truyền thông giúp doanh nghiệp chủ động tham gia, thụ hưởng chính sách hỗ trợ để phát triển trong thời gian tới.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn khuyến công, hàng năm trong quá trình khảo sát, xây dựng kế hoạch khuyến công, trung tâm luôn chú trọng đánh giá đúng khả năng, thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Trung tâm không chỉ hỗ trợ kinh phí mà còn tạo thêm nhiều điều kiện khác cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp tục phát triển sản xuất; khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân phát triển tại địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp tỉnh nhà theo hướng hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên