Nguyễn Thế Vinh - Tấm gương sáng vượt lên số phận

Cập nhật: 25-10-2016 | 07:45:01

Đến với cuộc thi “Gương sáng quanh tôi” lần này, tôi xin kể cho mọi người nghe về một tấm gương mà tôi rất kính trọng. Tuy không phải là người đã dạy hay hướng dẫn bất cứ môn học gì nhưng cho tôi xin được gọi: Thầy Nguyễn Thế Vinh!

Thầy Nguyễn Thế Vinh trong một buổi lên lớp tại Trung tâm Hướng Dương Ảnh: L.Q.K

Biết thầy qua gameshow Người bí ẩn, tôi thật sự bất ngờ vì hoàn cảnh cũng như nghị lực phi thường của thầy. Sinh ra tại quê nghèo Bắc Bình, Bình Thuận, vùng đất thừa những cơn nắng gay gắt, đất đai rất bạc màu. Khi tuổi vừa lên 4, thầy Vinh đã bị mất cha, ba năm sau mẹ thầy cũng ra đi bỏ lại thầy cùng mấy anh chị em. Nỗi đau mất cha mẹ vẫn chưa nguôi thì một năm sau, nỗi buồn lại nhân lên gấp bội khi người anh trai của thầy cũng buồn quá mà đi theo cha mẹ. Đến đây, cuộc đời thầy đã gần như đến với tận cùng của nỗi đau, sự mất mát, nếm trải qua mọi sự buồn khổ mà một đứa trẻ vừa 8 tuổi phải đối mặt. Cũng vào thời điểm này, thầy bị gãy tay trong một lần đi chăn bò, rồi mất đi cánh tay vì vết thương hoại tử.

Có câu nói: “Ông trời không cho ai tất cả, cũng không lấy đi của ai tất cả”. Ông trời đã lấy đi của thầy rất nhiều thứ, nhưng đổi lại ông trời đã đã ban tặng cho thầy một ý chí phi thường, một tinh thần thép để thầy có thể đứng lên nỗi đau và lấy đó làm động lực cố gắng nhiều hơn. Từ năm lớp 3, thầy đã tập viết chữ bằng tay trái, một điều rất khó khăn, vì khi học lớp 1, thầy viết chữ bằng tay phải. Cuộc sống khổ cực, ưu phiền đã khiến thầy trở nên nhỏ nhắn và già đi trước tuổi, nhưng với một con người đầy ý chí vượt lên, một tinh thần trách nhiệm cao với gia đình, thầy luôn ý thức được mình là trụ cột để gánh vác gia đình.

Học hết cấp 3 tại Bình Thuận, với quyết tâm tìm lối đi khác cho cuộc đời, thầy Vinh quyết tâm vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp, theo học ngành vẽ quảng cáo để mưu sinh. Bị các bạn cùng phòng trọ “khích” đi thi đại học, thầy đã ôn luyện và thi đỗ vào trường Đại học Kinh tế. Điều kiện kinh tế khó khăn, thầy phải bảo lưu kết quả một năm để đi dạy thêm kiếm đủ tiền học đại học. Thời gian qua đi, thầy cũng tốt nghiệp và làm qua rất nhiều ngành nghề như sửa điện tử, kinh doanh, sửa chữa điện thoại di động… Nghề nào cũng đòi hỏi kỹ năng và với một người chỉ còn lại một cánh tay, công việc còn trở nên rất khó khăn, nhưng thầy đã vượt qua tất cả bằng niềm tin và nghị lực của mình.

Công việc của thầy hiện nay là mở lớp dạy các em học sinh THPT và luyện thi đại học (dạy cả 3 môn toán, lý, hóa) tại Trung tâm Hướng Dương (TX.Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Trải qua tuổi thơ với nhiều khó khăn về vật chất và tinh thần nên thầy Vinh mong muốn đem những kinh nghiệm và khả năng của mình cùng với mọi người để dìu dắt những em mồ côi, khuyết tật có điều kiện ăn học đến đại học, hay có một trình độ nhất định, tự tin để hòa nhập vào cuộc sống. Đến nay, từ những nỗ lực của thầy và trò tại Trung tâm Hướng Dương, hơn 40 em đang được tiếp tục hỗ trợ để theo học tại các trường đại học và cao đẳng tại TP.Hồ Chí Minh và gần 50 học sinh THCS và THPT có hoàn cảnh mồ côi và khuyết tật đang được ăn học tại Trung tâm Hướng Dương. Kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2015, sau một năm luyện thi ở “lò luyện” của thầy Vinh, 16 sĩ tử của Trung tâm Hướng Dương khăn gói đi thi và 16 em đều đỗ vào các trường Đại học Bách khoa, Sư phạm kỹ thuật, Giao thông vận tải... Viết đến đây, tôi thật sự cảm phục thầy. Bản thân tôi cũng từng đi dạy thêm khi còn là sinh viên, từng đi luyện thi đại học tại các trung tâm, biết rằng, để giúp được một em học sinh đến với cánh cửa trường đại học thật sự rất khó.

Hiện Trung tâm Hướng Dương đang là “tổ ấm” của 43 em học sinh THPT đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau như Bình Thuận, Quảng Nam, Thanh Hóa... Với mỗi trường hợp gửi hồ sơ xin vào trung tâm, thầy Vinh đều đến từng nhà tìm hiểu gia cảnh, gặp gỡ thầy cô giáo chủ nhiệm để nắm kỹ hơn về trình độ văn hóa của từng em. Thầy Vinh mong muốn trong khả năng của mình, cùng sự hỗ trợ của những người có tấm lòng sẽ giúp các em học sinh nghèo, mồ côi, khuyết tật được ăn học, thành tài. Ngoài công việc là người thầy, người cha tại trung tâm, thầy Vinh còn tham gia biểu diễn âm nhạc ở TP.Hồ Chí Minh trong các đêm nhạc từ thiện do các báo và đài truyền hình tổ chức và thỉnh thoảng đi biểu diễn âm nhạc ở một số phòng trà, tụ điểm trong và ngoài nước. Thầy cũng đã có một chuyến lưu diễn dài ngày ở Pháp và Đức trong chương trình gây quỹ cho trẻ em Việt Nam bị nhiễm dioxin. Thầy được làng nhạc xưng tụng là “quái kiệt”, “độc thủ đại hiệp” bởi chỉ còn lại cánh tay trái, nhưng tiếng đàn ghi-ta và tiếng kèn harmonica của thầy luôn làm say lòng người…

Ở thầy Vinh, tôi tìm thấy một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống và nhận ra rằng, trong cuộc sống phải luôn có niềm tin, biết dang rộng vòng tay với mọi người, xem việc giúp người khác cũng như là giúp bản thân mình. Là một đoàn viên thanh niên, soi vào tấm gương của thầy, tôi tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn, tu dưỡng đạo đức cũng như lối sống, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, vận động mọi người chung tay góp sức hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn để vun đắp cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn…

 

 LÊ QUANG KHOA

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên