Nhà báo tham gia hoạt động thiện nguyện

Cập nhật: 21-06-2017 | 10:47:34

Hoạt động thiện nguyện của nhà báo là tấm lòng vì mọi người, đôi khi không nhất thiết là đi cho vật chất mà là góp sức, lời nói, ngòi bút để kêu gọi sự chung tay, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến khi họ làm được những việc có ích cho xã hội, làm đúng theo 10 điều quy định đạo đức người làm báo, làm “vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân”.

BTV, PTV Vũ Hoàng đang dẫn chương trình “Mái ấm tình thương”

Ru lòng

Viết về chủ đề nhà báo làm từ thiện cho Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, chúng tôi nhớ như in những lần cùng biên tập viên (BTV), phát thanh biên (PTV) Vũ Hoàng, Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Bình Dương cùng ê-kíp thực hiện chương trình “Mái ấm tình thương” đi khảo sát, trao nhà tại các địa phương vùng xa của tỉnh, hay các tỉnh lân cận. Nhất là các tỉnh miền Tây, những căn nhà được trao hầu hết nằm sâu trong rặng dừa, đồng ruộng mênh mông nên xe không thể chạy vào nhà. Chính vì vậy, chúng tôi phải đi bộ hàng cây số. Mặc dù chân tay đầy bùn đất, trên vai gác máy quay, mang những phần quà toát mồ hôi nhưng ai cũng vui, hạnh phúc khi làm được việc ý nghĩa. Trong số những phóng viên, BTV thực hiện chương trình “Mái ấm tình thương” ấy, BTV, PTV Vũ Hoàng là người góp sức không nhỏ. Hơn 344 căn nhà được xây tặng trong 10 năm thì có hơn nửa là do anh dẫn chương trình. Giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp ru lòng người làm cho những người xem chương trình xúc động, mở lòng để cùng nhau hỗ trợ, xây nhà, tặng quà cho những hoàn cảnh đáng thương. Cũng chính vì cách dẫn hay, ấn tượng của Vũ Hoàng mà ông Nguyễn Quang Nam, phụ trách công tác Giảm nghèo- Việc làm của tỉnh Long An đã khẳng định với chúng tôi khi dự kỷ niệm 10 năm chương trình “Mái ấm tình thương”: “Anh Vũ Hoàng nói hay, nhiều người khó, khổ lại có thêm những vòng tay chở che, nâng đỡ”.

 Còn đối với BTV, PTV Việt Hà, người gắn bó nhiều với các chương trình từ thiện, vận động quyên góp cho người nghèo, trẻ em nghèo, người khuyết tật… cũng đã trải lòng mình trong từng câu nói. Chị đưa mọi người đi từ cung bậc cảm xúc này đến cảm xúc khác để hiểu thêm về những mảnh đời bất hạnh. Từ đó kêu gọi nhiều cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ cho các em nhỏ mồ côi, người nghèo. Chia sẻ công việc, Việt Hà nói, được dẫn chương trình là niềm mơ ước từ nhỏ của chị. Dẫn nhiều chương trình nhưng chị tâm huyết nhất là các chương trình từ thiện. Ở chương trình này rất nhiều mảnh đời bất hạnh được giới thiệu để kêu gọi sự hỗ trợ cho họ. Do đó, bản thân người dẫn chương trình phải đặt cái tâm mình vào đó, nói sao cho thuyết phục, cho thấy họ thật đáng thương để “rót” vào tim các nhà hảo tâm giúp đỡ người khó.

Cùng nhau làm từ thiện

 Không có giọng nói hay, hay khuôn hình đẹp để dẫn các chương trình từ thiện, kêu gọi mọi người chung tay vì người nghèo, người bất hạnh, nhiều nhà báo trong tỉnh làm từ thiện theo cách riêng. Nhiều người tự đứng ra vận động bạn bè, người thân giúp đồng bào miền Trung mùa bão lũ, hay tặng quà tết cho người nghèo; có người lại là thành viên của của nhóm, hội từ thiện hàng tháng, hàng quý đóng góp thăm, tặng quà cho người khó. Nhà báo Quỳnh Như, Báo Bình Dương tâm sự: “Làm báo, đi nhiều nơi, thấy nhiều thứ, biết người dân khó, người dân khổ thì tôi không cầm lòng được. Vì vậy mà tâm can thôi thúc tôi vận động nhiều người cùng đóng góp giúp đỡ”. Với thu nhập chỉ ở mức trung bình, nhưng mỗi năm chị vẫn dành một khoản tiền để giúp đỡ người nghèo, người già neo đơn cơ cực, trẻ em nghèo khuyết tật, học sinh hiếu học, hộ nghèo...

Từ thiện theo cách riêng của mình, nhiều nhà báo, phóng viên lại đi tìm những mảnh đời bất hạnh viết, đăng trên báo, đài truyền hình trong chương trình “Hãy gọi đến chúng tôi” của Báo Bình Dương, hay “Vòng tay nhân ái” Đài PT-TH Bình Dương… Với cái tâm sáng, sau mỗi bài viết của họ, hầu hết các hoàn cảnh đều nhận được sự giúp đỡ chu đáo, về vật chất lẫn tinh thần. Đó chính là động lực để nhà báo “quên mình” khi viết về từ thiện.

Tâm sự với chúng tôi, các nhà báo nói, được làm từ thiện là một niềm hạnh phúc. Hạnh phúc đó không chỉ cho cơ quan, cho bản thân, cho quê hương, mà hơn hết là cho sự “tồn tại” của tình người, thông qua những bài viết đã “cứu” được người khác là niềm hạnh phúc vô bờ bến, và đó cũng là vinh dự của nghề báo. Hay, cuộc đời này còn biết bao người khó khăn, chỉ vì họ không được may mắn. Vì thế, khi mình may mắn hơn họ, thì tại sao ta không chia sớt sự may mắn đó? Là nhà báo, niềm vui nhất là mỗi khi giúp được cho ai đó thiếu may mắn hơn mình.

THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết
Tags
Nhà báo

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên