Nhà vệ sinh trường học: “Công trình phụ” chưa được quan tâm

Cập nhật: 21-10-2016 | 09:29:51

Đối với học sinh (HS), 1 tuần 5 ngày, liên tục trong 9 tháng mỗi năm, thời gian các em ở trường vào ban ngày gần như hết năm học. Ngoài việc học, ăn, ngủ, chơi, các em cũng cần phải đi vệ sinh. Thế nhưng, một số trường lại “làm ngơ” việc dọn dẹp, xây dựng, sửa chữa nhà vệ sinh (NVS) để phục vụ HS. Trước thực trạng đó, chúng tôi đã đến một số trường để tìm hiểu sự việc.

NVS không đủ nên các em phải chờ đến lượt đi vệ sinh, mặc khác nền gạch trong NVS khá bẩn, ẩm ướt

NVS - nỗi ám ảnh của HS

Hiện nay, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh cho sự nghiệp giáo dục, các trường học trên địa bàn tỉnh được xây dựng khang trang, nhiều trường trong số đó trở thành trường đạt chuẩn quốc gia. Thế nhưng, đằng sau vẻ xanh, sạch, đẹp hiện lên trong mắt mọi người thì vẫn còn cái chưa đẹp đó là NVS trong trường.

Ghi nhận của chúng tôi tại trường Tiểu học Đ.H (TP.Thủ Dầu Một), nhìn qua NVS dành cho HS có vẻ sạch nhưng nếu để ý nhiều nơi vẫn còn bẩn. Một số nơi như nền gạch, tường… bị hoen ố, sàn nhà ẩm ướt dễ dẫn đến trơn trượt, chất thải để vương vãi ra sàn nhà.

Ở khu trung tâm đã vậy, ngược lên TX.Bến Cát, tình trạng NVS bẩn còn trầm trọng hơn. Vào vai là phụ huynh đưa con em đi học, chúng tôi ghé trường THCS L.Q.Đ (Bến Cát). Do trường quy định phụ huynh không được chạy xe vào trường đưa rước con nên muốn “mục sở thị” NVS của trường chúng tôi phải lấy lý do muốn đi vệ sinh. Được bảo vệ chỉ đường, chúng tôi đi theo hướng dẫn đến NVS dành cho giáo viên. Với mục đích xem NVS HS, chúng tôi men theo dãy lớp học đến đúng nơi cần tìm. Theo ghi nhận, NVS dành cho giáo viên khá sạch sẽ, có giấy vệ sinh còn của HS thì bồn cầu, khu vực rửa tay của các em khá bẩn, nhiều mảng ố vàng.

Bồn chứa nước rửa tay của HS thành nơi để dụng cụ vệ sinh

Rời trường L.Q.Đ, chúng tôi ghé trường THCS M.T cũng thuộc TX.Bến Cát. Qua tìm hiểu từ các em HS, chúng tôi nghe các em phàn nàn: “NVS trong trường khá bẩn, bốc mùi khó chịu. Nhất là khu NVS nam hôi hơn khu nữ. Các em đã báo cáo với giáo viên nhưng chưa được khắc phục”. Tìm hiểu thực tế, quả thật tại NVS của HS, bồn chứa nước rửa tay, khu rửa tay của các em khá bẩn. NVS bốc mùi rất khó chịu.

“Đẹp mà không đẹp!”, tại trường Tiểu học T.H (TX.Tân Uyên), NVS của các em HS mặc dù được xây khá khang trang nhưng bên trong lại “mất vệ sinh”. Các thiết bị trong NVS đều bị hỏng, ống nước thải bị hư khiến nước chảy tràn lênh láng! Trên nền NVS có nhiều đất, cát đọng lại do không được cọ rửa thường xuyên. Thùng rác “biến” thành bồn chứa nước. Không khí ẩm ướt, mùi hôi khiến không ít HS khó chịu, tuy nhiên do “bí” quá nên các em đành bịt mũi đi vào.

Ảnh hưởng đến sức khỏe

Nghe con em mình phản ảnh vấn đề NVS của trường bẩn nhiều lúc phải “nhịn” đi vệ sinh, các bậc phụ huynh rất lo lắng. Để hiểu tường tận nỗi sợ hãi của con, nhiều phụ huynh đã trực tiếp đến khu NVS trong trường và tận mắt chứng kiến nó bẩn, bốc mùi hôi. NVS có hệ thống đường ống dẫn nước nhưng không sử dụng, các vòi nước hoen rỉ. Trước thực trạng đó, họ đã kiến nghị lên Ban giám hiệu nhà trường. Sau đó nhà trường đã nhắc nhở lao công dọn dẹp nhưng được một thời gian đâu lại vào đấy.

Được chúng tôi đề cập đến vấn đề NVS trong trường học, bà N.T.H chủ tạp hóa bán đồ ăn, thức uống cho HS bên cạnh trường THCS L.Q.Đ (TX.Bến Cát) cũng cho rằng, đó là thực trạng chung ở các trường. Nhiều trường NVS bẩn HS nhịn không đi vệ sinh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tinh thần học tập của các cháu.

Theo quy định, NVS trường học phải bảo đảm 100 HS có 1 bồn cầu, 1 vòi nước. Đặc biệt, các trường từ bậc THCS trở lên phải có nhà tắm hoặc phòng thay đồ cho học sinh nữ. NVS trường học đúng quy chuẩn có bồn rửa tay, vòi nước, nền nhà không bị ứ đọng nước, tắc nghẽn; cửa và xung quanh phải che chắn kín đáo, bảo đảm mỹ quan; phải có mái lợp chống mưa, nắng và có ống thông hơi... Quy định là vậy song do là “công trình phụ” nên lâu nay NVS trường học ít được quan tâm đầu tư so với các hạng mục như phòng học, thư viện...

Nhu cầu thực tế của mỗi người trên một ngày trung bình từ 1,5 đến 2 lít nước. Đối với lứa tuổi HS, mỗi giờ ra chơi các em nô đùa, ra nhiều mồ hôi, nhu cầu cung cấp nước của cơ thể theo đó cũng tăng lên. Tuy nhiên, nhiều em đã không dám uống nước. Bởi khi uống nước các em phải đi vệ sinh. Thế nhưng, với tình trạng NVS như thế này, dần dần các em đã quen với việc không đi vệ sinh. Đây thực sự là một báo động lớn đối với các em. Đáng lo hơn, vi khuẩn ở NVS lại phát tán trong không khí, bám vào các vật dụng gần đó, chúng lây lan qua các vật dụng, tay nắm cửa, đường ăn, uống… và có thể gây ra những căn bệnh nguy hiểm đặc biệt với trẻ nhỏ khi mà sức đề kháng chưa cao.

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết nhiều trường NVS bẩn, các bé nhịn tiểu, đại tiện để về nhà đi. Việc nhịn vệ sinh kéo dài có thể gây ra bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm bàng quang, ứ đọng trong bàng quang, lâu có thể gây vỡ bàng quang, suy thận, sỏi thận. Ngoài ra, khi các cháu nhịn đại tiện nhiều sẽ gây ra hiện tượng táo bón, táo bón lâu ngày có thể gây nên bệnh trĩ. Nếu trẻ không dám uống nước, không cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể sẽ ảnh hưởng đến sự trao đổi chất.

Trẻ nhỏ chính là những đối tượng rất dễ mắc bệnh, chính vì vậy nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn hay sau khi chơi đồ chơi. Đặc biệt, trong trường hợp bệnh tay chân miệng vào dịch, nếu các trường học không quản lý tốt NVS thì một cháu bị bệnh sẽ lây rất nhanh cho các cháu khác.

Ý kiến của ngành chức năng

Đặt vấn đề này với Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) các địa phương, chúng tôi nhận được câu trả lời, do ngân sách hạn chế nên trước mắt chỉ bố trí vốn ưu tiên xây dựng phòng, lớp học. Hiện chỉ có một số ít trường NVS được xây dựng đúng quy định, còn lại do xây khá lâu nên đã xuống cấp chưa được sửa chữa.

Về phía Sở GD-ĐT, ông Phạm Anh Dũng, Phó Trưởng phòng Chính trị, Tư tưởng - Pháp chế, cho biết ngay từ đầu năm học sở đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác y tế, trong đó có NVS cho HS và giáo viên. Đối với các trường đạt chuẩn quốc gia, NVS rất bảo đảm. Bên cạnh đó, một số trường chưa đạt. Lý do, một số trường cơ sở vật chất xuống cấp chưa được sửa chữa. Đặc biệt, Bình Dương có số lượng HS tăng hàng năm cao nên cơ sở vật chất trường lớp vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu học, ngay cả lớp học còn phải học dồn, nói gì việc xây dựng NVS đúng quy định.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh, do ý thức của HS, không biết giữ vệ sinh chung nên để diễn ra tình trạng NVS bẩn. Mặt khác, ngành GD-ĐT không có chủ trương vận động phụ huynh đóng thêm tiền cho việc dọn dẹp vệ sinh nên các trường chỉ biên chế có 2 bảo vệ, 1 tạp vụ. Trường rộng, HS đông sẽ không tránh khỏi việc tạp vụ chùi rửa NVS không kỹ. Trong thời gian tới, sở sẽ tổ chức đoàn tích cực kiểm tra, hoặc đề nghị Phòng GD-ĐT các địa phương kiểm tra các trường, nếu phát hiện vấn đề mất vệ sinh trong trường sẽ có biện pháp nhắc nhở.

 

 NHÓM PV VH-XH

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên