Nhạc sĩ Phạm Minh Thuận: Cuộc dạo chơi cùng 7 nốt nhạc

Cập nhật: 11-12-2015 | 10:43:33

Năm 2015, có thể gọi là năm mang lại cho nhạc sĩ (NS) Phạm Minh Thuận (ảnh) nhiều quả ngọt trong cuộc “dạo chơi” cùng âm nhạc của mình. Có dịp trò chuyện cùng anh, chúng tôi còn thấy ở anh một nhà giáo đầy tâm huyết, luôn dõi theo từng bước chân của những cô cậu học trò có hoàn cảnh khó khăn. Anh vẫn âm thầm có những giúp đỡ bằng cả trái tim của một người thầy nâng bước cho các em đến trường…

Chuyện về cô học trò nhỏ của anh cách đây đã nhiều năm nhưng cũng làm cho chúng tôi phải suy nghĩ nhiều. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, cô bé muốn tỏ lòng thành kính của mình với thầy. Nhà nghèo, chẳng có gì để tặng thầy và em đã dâng lên thầy 2 quyển vở bị cong bìa được gói cẩn thận trong tờ giấy báo. Thầy đã xúc động rơi nước mắt. Bởi bố mẹ em đã chia tay, em sống với bà nội… Và sau giờ học, thầy đã tặng lại cho em nhiều vật dụng cần thiết để một đứa trẻ khó khăn có thể đến trường. Hơn hết là NS Phạm Minh Thuận vẫn dõi theo từng bước chân của em. Hàng năm, cô học trò ấy vẫn nhận được những suất học bổng để đến trường. Hiện nay, em đã là sinh viên năm thứ 2 Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh. Với thầy Thuận, đó là cách dạy cho trẻ thành nhân, với các em để trở thành một người có ích cho xã hội thì cần phải học.

Đó là tính cách của một nhà giáo tâm huyết với nghề, mặc dù là giáo viên âm nhạc nhưng với thầy mỗi bài giảng, mỗi giờ lên lớp là khoảng thời gian quý báu nhất để dạy cho các em làm người. Còn với âm nhạc, chuyện trò cùng anh chỉ qua 7 nốt nhạc thôi nhưng sẽ không hết chuyện, đầy sự thú vị. NS Phạm Minh Thuận chia sẻ: “Âm nhạc cần phải qua 4 cửa để một tác phẩm trường tồn với thời gian. Đó là người sáng tác, người hòa âm phối khí, ca sĩ và cuối cùng là cảm nhận của công chúng. Do vậy, người NS muốn có những sáng tác được công chúng đón nhận thì chính họ phải là người có thật nhiều vốn sống, nhiều trải nghiệm nhằm thực hiện trọng trách lớn lao, đưa âm nhạc trở thành ngôn ngữ chung, phục vụ món ăn tinh thần cho công chúng…”.

NS Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhận xét: “NS Phạm Minh Thuận sinh ra và lớn lên ở Bình Dương, nhưng cha mẹ anh lại là những người con gốc Bắc. Chính vì vậy nên trong nhiều ca khúc của anh, tôi thấy có chất liệu dân ca Nam bộ rất ngọt ngào, sâu lắng như: Bình Dương một khúc tâm tình, Bình Dương miền đất yêu thương. Nhưng một số ca khúc khác, tôi lại nghe thấy sự mượt mà, uyển chuyển của chất liệu ca trù, quan họ hoặc mang âm hưởng của một số làn điệu dân ca của đồng bằng Bắc bộ: Lách cách tiếng phách chiều, Đùa đấy…”.

NS Võ Đông Điền còn chia sẻ thêm, âm nhạc trong Phạm Minh Thuận rất đa dạng trong đề tài và cũng rất phong phú trong giai điệu, tiết tấu. Sở trường sáng tác của anh là phổ nhạc từ những bài thơ mà anh tâm đắc. NS Phạm Minh Thuận hòa nhập tâm hồn của mình vào thơ rất nhanh và biến hóa nó thành một ca khúc có ca từ và giai điệu hòa quyện một cách hài hòa, hợp lý.

Miệt mài với 7 nốt nhạc trong suốt 25 năm qua, với anh đó chỉ là cuộc “dạo chơi” nhưng cũng mang lại cho anh những “quả ngọt” đáng tự hào. Năm 2015, với NS Phạm Minh Thuận là một thành công, tháng 4 với giải 40 năm giải phóng Đà Lạt; tháng 8 với bài “Nói với em màu áo em yêu” tác phẩm viết dự thi cho ngành kiểm sát, giấy khen Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Mới đây nhất là 2 tác phẩm trong hơn 2.000 tác phẩm vào vòng chung khảo cuộc thi “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, anh cũng nhận 2 bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam trao tặng trong Gala Truyền hình trực tiếp tại Nhà hát Hòa Bình. Vinh dự hơn trong 3 bài hát viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NS Phạm Minh Thuận cũng có hai ca khúc: “Cây đại thụ trong lòng dân”, “Ngọn núi lửa phủ tuyết” được chọn trong tuyển tập ca khúc viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được phát hành trong thời gian tới…

Để ghi nhận những đóng góp hết sức tích cực của NS Phạm Minh Thuận, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cũng đã phát hành album và tuyển tập 40 ca khúc của anh trong Tuyển tập “Bình Dương miền đất yêu thương” như một lời tri ân. Chúc anh luôn thật nhiều sức khỏe, tiếp tục vui chơi cùng 7 nốt nhạc.

 SONG ANH

Chia sẻ bài viết
Tôi,NS Trần Quốc Dũng có ý định đưa ca khúc của NS Phạm Minh Thuận phổ thơ Nguyễn An Bình (bài Tự cuối mùa thu)vào dạy môn sáng tác cho học viên lớp sáng tác nhạc.Mong được liên lạc với anh qua email của tôi:
NhacSiTranQuocDung@yahoo.com (Tôi và anh là 2 người cùng phổ bài thơ trên với 2 phong cách hoàn toàn khác nhau)
Nhạc Sĩ Trần QuốcDũng (Cách đây 7 năm)

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên