Nhanh lên… buýt ơi! – Kỳ 3

Cập nhật: 02-07-2014 | 08:42:38

Kỳ 3: Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh vào cuộc

> Kỳ 2: Nỗi khổ nhà xe

> Kỳ 1: Chậm như xe buýt!

Trước tình hình sụt giảm cả chất lẫn lượng hoạt động, trong khi xe buýt là phương tiện chủ lực trong vận tải đô thị, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã vào cuộc giám sát để tìm nguyên nhân, giải pháp giúp xe buýt hoạt động tốt hơn.

Chưa thực hiện đúng quy hoạch

Theo Quyết định 2571/ QĐ-UBND ngày 18-6-2007 của UBND tỉnh về việc phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe búyt trên địa bàn Bình Dương giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn đến năm 2020”, toàn tỉnh có 41 tuyến với tổng chiều dài khoảng 1.064km; 399 loại phương tiện từ 40 chỗ đến 80 chỗ và 1.562 điểm dừng, đón trả khách. Nhưng thực tế đến nay, toàn tỉnh chỉ phát triển được 19 tuyến xe buýt với tổng chiều dài 694km, đạt 65% chiều dài mạng lưới được quy hoạch; 212 phương tiện, trong đó doanh nghiệp Bình Dương chỉ quản lý 100 phương tiện, còn lại là của các đơn vị ngoài tỉnh tham gia khai thác; 407 ô kẽ sơn, 64 nhà chờ, đạt 26% quy hoạch. Mạng lưới xe buýt đã kết nối được từ trung tâm tỉnh lỵ đến các trung tâm huyện lỵ trong toàn tỉnh, nhưng mạng lưới tuyến vẫn còn chồng lấn lên nhau. Điều này có nghĩa mạng lưới tuyến hiện nay chỉ thuận lợi cho hành khách đi gần trung tâm, còn hành khách vùng sâu, vùng xa chưa được hưởng phúc lợi của xã hội.

Công ty xe buýt Phương Trinh tổ chức sửa xe tại chỗ để tiết kiệm chi phí hoạt động. Ảnh: D.CHÍ

“Các tuyến buýt về vùng sâu, vùng xa chưa xây dựng được nhà chờ, trong khi trạm dừng đổ lại cách nhau quá xa, trung bình từ 2km/trạm. Các trạm dừng đổ thường cách xa nhà dân, người đi xe buýt thường ở trong nhà ngoắt xe. Tài xế không nhìn thấy chạy luôn thì hành khách gọi đường dây nóng báo là xe buýt bỏ khách, mà đón khách không đúng nơi quy định thì bị phạt”, Chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải Bến Cát Nguyễn Anh Tài thẳng thắn trình bày.

Cũng theo quy hoạch được duyệt thì đến năm 2020 toàn tỉnh có 20 bến xe, điểm đầu, điểm cuối để phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Nhưng đến nay mới hình thành được 8 bến xe khách, trong đó 6 bến phục vụ xe buýt và 6 trạm đầu cuối tuyến phục vụ 19 tuyến xe buýt đang hoạt động. Việc quy hoạch các bến xe khách, trạm đầu cuối tuyến xe buýt chưa được thực hiện tốt vì các huyện, thị xã chưa bố trí quỹ đất và chưa đầu tư hoặc chưa có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư bến xe. Cụ thể trong 8 bến xe hiện đang hoạt động chỉ có bến xe khách Bình Dương là được tỉnh đầu tư, bến xe Bàu Bàng được Tổng Công ty Becamex đầu tư. Còn lại 6 bến xe khác do doanh nghiệp thuê đất để đầu tư.

Do thiếu trạm dừng, bến đổ nên một số tuyến xe buýt, cụ thể như tuyến Thủ Dầu Một - Mỹ Phước phải đổ khách “ăn gian” bằng cách “tạm dừng” tại ô kẻ sơn trên đường Hùng Vương (phường Mỹ Phước) để vừa xuống khách vừa rước khách rồi quay đầu về bến xe Mỹ Phước nằm phía sau Siêu thị Vinatex Mỹ Phước. Hành khách Lê Thanh Phong, một cán bộ hưu trí góp ý: “Ngành chức năng xem xét, bố trí điểm dừng đổ hợp lý, chứ dừng đổ tạm thế này nhà xe thường bị phạt vì dừng quá lâu trong nội ô. Mà đổ khách xuống rồi chạy đi thì nhiều hành khách khác bị trễ chuyến phải đi xuống bến xe cách mấy cây số vất vả lắm. Nếu cho xe buýt đậu, đổ trong thời gian bao lâu thì phải cắm biển rõ ràng”!

Doanh nghiệp nỗ lực để tồn tại

Theo quy hoạch được duyệt, đến năm 2010 toàn tỉnh cần 198 phương tiện các loại, với tổng số tiền đầu tư 78,8 tỷ đồng. Đến năm 2015, toàn tỉnh cần 306 phương tiện các loại, với tổng số tiền đầu tư 57,6 tỷ đồng và đến năm 2020 toàn tỉnh cần 399 phương tiện các loại với tổng số tiền cần đầu tư 64,8 tỷ đồng. Như vậy tổng vốn đầu tư từ lúc được phê duyệt đến khi kết thúc dự án là 201,2 tỷ đồng. Trên thực tế UBND tỉnh chỉ mới hỗ trợ vay ưu đãi đầu tư cho Công ty TNHH Phương Trinh 13 tỷ đồng, chia làm 4 đợt với lãi suất cao nhất là 14,4% và thấp nhất là 8%/năm để mua mới 29 phương tiện bằng tổng số tiền 19,4 tỷ đồng.

“Thực tế hoạt động xe buýt còn nhiều vấn đề cần phải chấn chỉnh, nhưng với sự triển khai thực hiện dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chậm chạp thì rất khó nâng cao chất lượng hoạt động của xe buýt”

(Phó Chủ tịch HĐND tỉnh

Trần Thị Kim Vân)

Trong khi đó theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải, từ khi thực hiện chương trình vận chuyển hành khách bằng xe buýt (năm 2007) đến nay tuy gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã cố gắng đầu tư đổi mới phương tiện. Công ty Cổ phần Phương Trinh đầu tư đổi mới 100% số xe (29 chiếc); Công ty Cổ phần Vận tải Bình Dương đổi mới 100% xe (16 chiếc); Hợp tác xã vận tải Bến Cát đầu tư đổi mới 100% xe (24 xe). Các đơn vị khác đã cố gắng sửa chữa để bảo đảm số đầu xe tốt nhất. Nhưng nhìn chung phương tiện xe buýt chưa nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút người dân. Năm 2012, một số đơn vị xe buýt đến từ TP.HCM đã mạnh dạn đầu tư phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch (PLG) như các tuyến xe buýt Đại Nam - Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây. Các tuyến này chỉ hoạt động được 6 tháng thì phải tạm ngưng do doanh thu không đủ bù đắp chi phí. Ngoài ra, các tuyến xe buýt Đại Nam - Bến xe Đền Hùng, Đại Nam - Bến xe Chợ Lớn, Thủ Dầu Một - Đại học Quốc gia cũng xin tạm dừng hoạt động do lượng hành khách sụt giảm mạnh.

Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Đàm Trọng Cường lý giải: “Với việc giá cả thị trường thường xuyên biến động theo chiều hướng tăng, để có lợi nhuận, các đơn vị vận tải thường xuyên điều chỉnh tăng giá vé xe buýt. Với việc giá vé xe buýt tăng cao như hiện nay, công nhân, sinh viên, người buôn bán nhỏ đã tìm loại phương tiện khác để thay thế như xe gắn máy, xe đạp điện. Chính vì thế trong những năm qua lượng hành khách đi lại trên các tuyến xe buýt đang có chiều hướng giảm dần”.

Từ thực trạng trên, Phó Chủ tịch, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trần Thị Kim Vân lên tiếng: “Không thể nói mấy năm qua dù không còn được trợ giá nhưng xe buýt vẫn cứ hoạt động. Phải nhìn vào nhu cầu thực tế và chất lượng hoạt động của xe buýt để thấy sự nỗ lực cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư phương tiện xe buýt. Thực tế hoạt động xe buýt còn nhiều vấn đề cần phải chấn chỉnh, nhưng với sự triển khai thực hiện dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chậm chạp thì rất khó nâng cao chất lượng hoạt động của xe buýt được”.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã đề nghị các sở ngành, chức năng tham mưu UBND tỉnh rà soát các văn bản không còn hiệu lực hoặc có hiệu lực mà chưa được thực hiện để phải chấn chỉnh ngay, không để xảy ra tình trạng văn bản mất hiệu lực mà không được bãi bỏ, thay mới hoặc một vấn đề mà bị điều chỉnh bởi 2 văn bản pháp lý, dẫn đến việc không biết phải áp dụng văn bản nào. Bà Trần Thị Kim Vân kiến nghị thêm: “Trước khi xem xét, thông qua dự án vận tải hành khách công cộng mới, UBDN tỉnh cần tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về những mặt được và chưa được của dự án cũ. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch, định hướng phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của loại phương tiện phổ thông này”.

Kỳ cuối: Xe buýt – phương tiện cần thiết

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên