Tại thời điểm này, chỉ còn TP Hà Nội và TP HCM chưa điều chỉnh viện phí. Tuy nhiên, mới đây, UBND TP Hà Nội đã có tờ trình HĐND TP đề nghị điều chỉnh giá 819 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Nếu thông qua, mức viện phí mới sẽ được áp dụng từ ngày 1-8-2013.
Có dịch vụ tăng giá gấp 10 lần
Dự kiến giá các dịch vụ y tế tăng bình quân gấp đôi so với mức giá đang áp dụng, thậm chí có dịch vụ tăng gấp 10 lần. Cụ thể, khung giá khám bệnh tăng gấp 4-8 lần tùy theo dịch vụ y tế như khám bệnh, kiểm tra sức khỏe tăng từ 25.000 đồng lên 100.000 đồng; khám sức khỏe toàn diện cho lao động, lái xe từ 27.000 đồng lên 100.000 đồng. Giá giường bệnh hồi sức cấp cứu điều chỉnh từ 12.000 đồng/ngày lên 113.000 đồng/ngày (tăng gần 10 lần); giá giường bệnh các khoa phòng khác từ 9.000 đồng/ngày lên 60.000 đồng/ngày (tăng 6 lần), giá khám bệnh từ 3.000 đồng lên 25.000 - 30.000 đồng (tăng 10 lần)…
Mức viện phí lỗi thời khiến người sử dụng BHYT phải bỏ tiền túi nhiều hơn để chi trả phần chênh lệch của giá dịch vụ y tế
Bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, cho biết mức tăng viện phí mà Hà Nội đề xuất ở mức từ 70% - 75% so với khung giá trần do liên bộ Y tế - Tài chính quy định. “Phần tăng của viện phí chưa tính đến tiền lương, phụ cấp, khấu hao nhà cửa, trang thiết bị, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Việc điều chỉnh giá viện phí không nhằm mục đích tăng thu nhập cho cán bộ y tế. Hơn nữa, giá viện phí mới điều chỉnh sẽ không ảnh hưởng đến giá thuốc vì giá thuốc được mua theo đấu thầu và chiếm 65% cơ cấu giá viện phí” - bà Liên khẳng định.Chưa yên tâm về chất lượng
Trước khi đề xuất điều chỉnh viện phí, Sở Y tế TP Hà Nội đã tổ chức khảo sát lấy ý kiến bệnh nhân và người nhà tại một số bệnh viện (BV) về việc tăng viện phí. Ông Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết 80% số người được hỏi đồng ý việc tăng viện phí phải đi kèm với cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. 20% còn lại không quan tâm, không đồng tình, thậm chí không tin tưởng chất lượng dịch vụ y tế sẽ cải thiện sau khi tăng viện phí.
Trước ý kiến lo ngại điều chỉnh viện phí sẽ tăng gánh nặng cho người bệnh vì phải đồng chi trả 5%-20% tổng số viện phí, lãnh đạo một số BV khẳng định việc kéo dài mức thu viện phí cũ ban hành từ năm 1995 chỉ làm bệnh nhân thêm khổ.
Theo BS Nguyễn Phạm Ý Nhi, Giám đốc BV Xanh Pôn, cùng chung một địa bàn, thực hiện những kỹ thuật, dịch vụ như nhau nhưng các BV Trung ương đã được điều chỉnh viện phí còn các BV Hà Nội vẫn phải áp dụng mức giá viện phí cũ. Giá thấp kéo theo chất lượng khám chữa bệnh bị ảnh hưởng, bệnh nhân BHYT chịu thiệt vì mức đóng bảo hiểm đều đặn tăng nhưng 18 năm qua vẫn chỉ được thanh toán một mức giá.
Ông Nguyễn Thống Nhất, Trưởng Phòng Tài chính kế toán BV Xanh Pôn, dẫn chứng: Theo giá viện phí hiện nay, mức thanh toán cho 1 ngày giường điều trị bình thường chỉ 5.000 đồng và 12.000 đồng/ngày giường hồi sức. Với số tiền trên, BV không đủ để trang trải cho các dịch vụ điều hòa, điện nước, chăn… Vì thế, bệnh nhân muốn sử dụng phòng dịch vụ có điều hòa phải đóng thêm 100.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, nếu tính theo giá viện phí mới, tiền ngày giường được áp dụng với giá 100.000 đồng/ngày với phòng bệnh có phòng điều hòa, người bệnh phải cùng chi trả 20% thì tính ra vẫn đỡ hơn nhiều.
Với dịch vụ khám bệnh, cơ quan bảo hiểm chỉ thanh toán 2.500 đồng/lượt. Một số xét nghiệm khác như công thức máu, xét nghiệm sinh hóa giá khoảng 25.000 đồng/bộ xét nghiệm nhưng nay chỉ riêng tiền hóa chất đã đắt hơn rất nhiều. “Đơn cử như xét nghiệm khí máu rất cần khi bệnh nhân cấp cứu, riêng tiền hóa chất đã là 85.000 đồng nhưng với toàn bộ dịch vụ này, bảo hiểm cũng chỉ thanh toán 80.000 đồng, còn lại người bệnh phải nộp phần chênh lệch” - ông Nhất dẫn chứng.
Đại diện BV Phổi Hà Nội than rằng giá viện phí quá lạc hậu như kỹ thuật chọc hút dịch màng phổi được BHYT thanh toán 10.500 đồng/ca, trong khi BV phải chi đủ thứ từ băng, cồn, gạc, tiền giặt, hấp sấy ga, 2 đôi găng tay cho 2 cán bộ y tế thực hiện kỹ thuật, đèn sưởi, chi phí cho khử khuẩn máy hút dịch và các thiết bị đi kèm… Để bảo đảm chăm sóc tốt cho người bệnh, BV đành bù lỗ hoặc người bệnh phải đóng thêm phần chênh lệch.
Ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), cho biết TP Hà Nội và TP HCM sẽ không tăng viện phí cùng lúc để tránh gây xáo trộn.
Lộ trình tăng viện phí tại TP HCM
Trong phương án điều chỉnh viện phí và một số dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng cho các cơ sở y tế công lập trình UBND TP HCM, Sở Y tế TP HCM đưa ra 3 phương án tăng viện phí. Theo Sở Y tế, nếu được thông qua, lộ trình mức viện phí điều chỉnh tăng theo được đề nghị áp dụng như sau: Năm 2014 mức 75% khung giá tối đa, năm 2015 là 90% và đến năm 2016 là 100%. Sau khi mức điều chỉnh giá viện phí mới được phê duyệt, sở sẽ yêu cầu các bệnh viện thực hiện công khai, minh bạch bảng giá các dịch vụ khám, chữa bệnh tại các điểm thu viện phí và ở vị trí thuận lợi để người dân biết.
Theo NLĐ