Nhiều giải pháp giúp người dân thoát nghèo bền vững

Cập nhật: 28-02-2012 | 00:00:00

Người nghèo xã Tân An (TX.TDM) nhận quà tết từ các nhà từ thiện

Kế hoạch 5 năm CTMTQGGN của tỉnh quy định, chuẩn nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 cao gấp 2 lần chuẩn nghèo của Trung ương. Theo đó, hộ nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh có thu nhập từ 800.000 đồng/người/tháng trở xuống ở nông thôn và có thu nhập từ 1.000.000 đồng/người/tháng ở thành thị. Qua tổng điều tra hộ nghèo theo tiêu chí mới đầu năm 2011, toàn tỉnh có 10.882 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 4,35%) và 7.773 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 3,1%). Đến cuối tháng 11-2011, qua rà soát, bình xét công nhận theo quy định hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh còn 6.549 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 2,58%) và 7.580 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 3,02%). Để đạt được kết quả trên, cũng như mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2011-2015, trong năm qua, Ban chỉ đạo (BCĐ) CTMTQGGN tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, biện pháp thực hiện; đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Ông Ninh Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đánh giá: “Thực hiện CTMTQGGN tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015, chúng tôi đã làm được một số việc hết sức phấn khởi. Là một tỉnh phát triển công nghiệp, Bình Dương thu hút mạnh vốn đầu tư trong nước và ngoài nước, ngân sách thu vào rất cao. Có thể nói, sự phát triển kinh tế của tỉnh có tác động rất lớn đến vấn đề an sinh xã hội và chương trình mục tiêu giảm nghèo. Trong năm qua, tỉnh thực hiện rất tốt chương trình giải quyết việc làm và dạy nghề cho lao động nông thôn; tổ chức thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, văn hóa, đi lại, nhà ở cho hộ nghèo, đặc biệt là chính sách cứu trợ xã hội thường xuyên và giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội...”. 

Người nghèo phấn khởi hơn khi có nơi ăn chốn ở ổn định

Chương trình giải quyết việc làm, dạy nghề cho lao động nông thôn được xem là giải pháp cơ bản quyết định giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững bằng những việc làm ổn định, lao động có tay nghề, có thu nhập thường xuyên. Chỉ tính riêng năm 2011, kinh phí được duyệt cho chương trình này là 4,9 tỷ đồng. Các trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm của các ngành, đoàn thể và các huyện, thị phối hợp cùng tỉnh tổ chức 56 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn... Song song đó, tỉnh còn thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo nhằm giúp người nghèo có điều kiện về vốn để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 9 nhóm đối tượng được vay, trong đó có 6.854 hộ nghèo vay hơn 23,200 tỷ đồng. Từ nguồn “Quỹ vì người nghèo”, năm qua đã có thêm 149 căn nhà đại đoàn kết được xây dựng mới. Điều đó cũng có nghĩa, thêm 149 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã có nơi ăn chốn ở ổn định.

Cùng với những chương trình trên, tỉnh còn thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, văn hóa và đi lại. Trong năm 2011, đã cấp cho người nghèo 53.783 thẻ bảo hiểm y tế (100%), tổng số tiền 16,919 tỷ đồng và cấp cho người cận nghèo 2.864 thẻ bảo hiểm y tế, tổng số tiền 132,520 triệu đồng. Trên lĩnh vực giáo dục, con em các hộ nghèo, hộ cận nghèo đều được miễn, giảm học phí. Tổng số tiền miễn, giảm học phí trong năm qua trên 17 tỷ đồng... Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với người nghèo nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, 10.882 hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh đã được trợ cấp đột xuất 250.000 đồng/hộ và được hỗ trợ tiền điện 30.000 đồng/hộ/tháng. Riêng Tết Nguyên đán 2012, tỉnh đã chi hỗ trợ quà tết cho hộ nghèo với mức chi 1 triệu đồng/hộ, cao gấp đôi so với năm trước...

Có thể nói, CTMTQGGN của tỉnh trong năm qua đã có những thay đổi tích cực bằng những mô hình, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo phù hợp với tình hình phát triển về kinh tế, xã hội của từng địa phương. Các hoạt động của chương trình đã chú trọng hướng vào hỗ trợ việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; đồng thời tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội, nâng cao trình độ dân trí nhằm bảo đảm tính hiệu quả của chương trình. Ngoài việc hỗ trợ vốn, còn triển khai tư vấn, chuyển giao phương thức sản xuất, tư liệu sản xuất, nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả và hướng dẫn hộ nghèo áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng. Từ đó, hộ nghèo có thêm động lực để phấn đấu trong lao động, phát triển kinh tế gia đình, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện và ổn định cuộc sống. Từ những giải pháp, chính sách hỗ trợ của các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người nghèo đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4,35% vào đầu năm xuống còn 2,58% vào cuối năm. Nếu tiếp tục duy trì hiệu quả như thế này sẽ sớm hoàn thành mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 mà tỉnh đã đề ra. Thế nên, các ngành chức năng, các huyện, thị cần quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp hơn nữa, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; đồng thời chú trọng đến những hộ cận nghèo để chống tái nghèo, tiếp tục nâng cao đời sống người nghèo để công tác giảm nghèo của tỉnh được bền vững.

- Phó Chủ tịch UBND tỉnh HUỲNH VĂN NHỊ: Cả hệ thống chính trị cùng quyết tâm

 Năm 2011, bằng nhiều chính sách của Trung ương, của địa phương và từ các nguồn quỹ của các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, Bình Dương đã thực hiện rất tốt công tác giảm nghèo. Hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh còn rất thấp. Tuy nhiên, những hộ mới giảm nghèo theo kết quả đạt được chưa hẳn là đã thoát nghèo bền vững, bởi thu nhập của họ còn phải chi cho nhiều vấn đề như: sinh hoạt, nhà ở, khám chữa bệnh, học hành... nên vẫn còn khó khăn.

Theo quy định của bộ, Bình Dương cơ bản đã xóa nghèo. Tuy nhiên, theo tiêu chí mới của tỉnh thì vẫn còn hộ nghèo. Nếu làm tốt như năm 2011 và tốt hơn nữa thì đến cuối năm 2012 Bình Dương sẽ xóa không còn hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh nữa. Thế nên, sau khi điều tra hộ nghèo và căn cứ vào tình hình cuối năm 2012, tình hình lạm phát, các điều kiện kinh tế, xã hội nói chung tỉnh sẽ tiếp tục đề ra tiêu chí mới của tỉnh. Khoảng 2 - 3 năm sau chúng ta sẽ xóa đi tiêu chí này và đề ra tiêu chí khác cao hơn. Đó là mục tiêu phương hướng trong thời gian tới của tỉnh nhằm tập trung chăm lo cho đối tượng này ngày càng tốt hơn. Việc đề ra tiêu chí mới phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, có tính mức lạm phát của thời kỳ mới và sẽ mở rộng thêm đối tượng tạm trú. Để công tác giảm nghèo trong năm 2012 đạt kết quả cao, trước hết phải củng cố BCĐ các cấp; tăng cường cán bộ giảm nghèo chuyên trách cho những xã, phường chưa có cán bộ chuyên trách và tập trung cho những nơi có tỷ lệ hộ nghèo còn cao...

Nhìn chung, công tác giảm nghèo toàn tỉnh cũng như của BCĐ CTMTQGGN các cấp và ngành chủ lực ở đây là lao động - thương binh và xã hội đã làm rất tốt công tác giảm nghèo. Đề nghị ngành lao động - thương binh và xã hội tiếp tục thường trực, tổng lực phối hợp với MTTQ và các đoàn thể xã hội nhằm thực hiện CTMTQGGN ngày càng tốt hơn. Điều này thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, các nhà từ thiện...  

- Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội NINH QUỐC BÌNH: Phát huy hơn nữa việc xã hội hóa

Về giải pháp nhằm thực hiện công tác giảm nghèo trong năm 2012: phát triển công nghiệp phải đi đôi với giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội; thực hiện đồng bộ các chính sách, tạo sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền. Đặc biệt, phát huy hơn nữa công tác xã hội hóa nhằm huy động toàn dân tham gia với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Trong các chính sách, ưu tiên giải quyết tốt các vấn đề lao động và việc làm. Lao động nông thôn sẽ được Nhà nước đầu tư dạy nghề. Đây là một cách thiết thực nhằm giúp người nghèo cải thiện cuộc sống bằng những nghề có thể tìm được việc làm, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, vốn vay ngân hàng cũng được đầu tư mạnh hơn. Các vấn đề về văn hóa tinh thần, chăm sóc về y tế, giáo dục cho hộ nghèo, cứu trợ tiếp tục cho các đối tượng, nhất là người khuyết tật, người cao tuổi cô đơn cũng được quan tâm chăm lo tốt hơn. Hiện nay, đã có 21 ngàn đối tượng được hưởng trợ cấp thường xuyên hàng tháng.

Trong giai đoạn 2011-2015, tiêu chí hộ nghèo của tỉnh Bình Dương đã nâng lên gấp đôi tiêu chí toàn quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vào cuối năm 2011 còn rất thấp. Vì thế, cuối năm 2012, chúng tôi sẽ tính toán lại tiêu chí mới phù hợp với tình hình, để qua đó có thể áp dụng nhiều chính sách giúp đỡ những hộ có hoàn cảnh khó khăn, người có thu nhập thấp vươn lên trong cuộc sống.

CẨM LÝ (ghi)

 

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên