XÃ MINH TÂN, HUYỆN DẦU TIẾNG:

Nhiều hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt

Cập nhật: 16-08-2017 | 09:55:24

Cứ vào mùa khô, hơn 30 hộ dân ở tổ 1, ấp Tân Bình, xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng phải chạy xe máy hàng km đi xin từng can nước để nấu ăn. Mặc dù địa phương này đã có nhà máy cung cấp nước sạch, nhưng người dân khu vực này vẫn chưa được hưởng lợi từ dự án.

Những buổi tiếp xúc cử tri, một số người dân ấp Tân Bình, xã Minh Tân và ấp Hòa Thành, Hòa Hiệp xã Minh Hòa đã nhiều lần kiến nghị Trung tâm Đầu tư và khai thác nước sạch nông thôn tỉnh nhanh chóng lắp đặt hệ thống ống và cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng. Nhưng khoảng 5 năm qua, kể từ khi nhà máy cung cấp nước sạch ở hai xã Minh Hòa và Minh Tân được xây dựng và đưa vào hoạt động, mong muốn của hàng trăm hộ dân nơi đây vẫn chưa được giải quyết.

Trao đổi với P.V, hàng chục hộ dân ở ấp 1, xã Minh Tân cho biết họ đến đây lập nghiệp từ hàng chục năm trước, cuộc sống khá ổn định. Kinh tế của bà con chủ yếu dựa vào cây cao su. Về mùa mưa, khi các giếng đào trong vùng có nước, nhiều hộ canh tác thêm hoa màu để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, vào những tháng cao điểm mùa nắng, các hộ dân nơi đây khá vất vả khi tất cả các giếng đào trong vùng đều bị khô nước. Họ phải chạy hàng km để xin từng can nước về nấu ăn, sinh hoạt.

Nguyên nhân hàng chục hộ dân hai xã Minh Tân, Minh Hòa đang thiếu nước sạch là do đường ống từ nhà máy nước chưa về được với dân

Bà Phạm Thị Châu, người sống lâu năm ở đây cho biết: “Về mùa nắng, vùng đất này trở nên khô cằn đáng sợ. Các giếng nước khi đào xuống độ sâu khoảng 30m thì gặp đá, nên không thể đào sâu hơn. Thử hình dung khi nhiều tháng không có nước sinh hoạt, hàng chục hộ dân ở đây phải khổ như thế nào. Chiều đến, các gia đình đèo nhau trên xe máy đi xin tắm giặt, rồi chở nước về nấu ăn”. Ông Phạm Ngọc Bình, một cư dân ở đây chia sẻ: “Tôi từng kêu người đến bán vườn để tìm nơi khác sống. Nhưng sau đó nghe tin có nhà máy nước sạch về xã, nên hi vọng rồi đây vùng đất này sẽ có nước, vậy là chờ đợi…!”.

Tương tự, hàng chục hộ dân ở các ấp Hòa Thành, Hòa Hiệp ở xã Minh Hòa cũng ở rất xa nhà máy cung cấp nước sạch của xã, không thể kéo đường ống vào tận đây. Tuy nhiên, theo ghi nhận của P.V thì các hộ dân ở đây vẫn có thể dùng nước giếng để sinh hoạt. Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa, cho biết: “Công suất hoạt động của nhà máy là 800m3/ngày đêm. Hiện tại, nhà máy đã hoạt động 600m3/ngày đêm, như thế cũng đã gần hết công suất. Muốn đưa nước sạch vào Hòa Lộc, Hòa Thành thì phải lắp đặt một nhà máy khác. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì tôi được biết rất nhiều người không có ý định dùng nước sạch vì chưa có nhu cầu. Bởi nguồn nước giếng họ đang sử dụng khá tốt, không bị ô nhiễm hay bị phèn”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nhà máy cung cấp nước sạch xã Minh Tân được đặt tại ấp Tân Thanh có công suất hoạt động khoảng 1.650m3/ngày đêm. Hiện tại, nhà máy chỉ mới hoạt động khoảng 700m3/ ngày đêm. Như vậy, công suất hoạt động của nhà máy đang thừa, vậy tại sao các hộ dân lại thiếu nước sinh hoạt?. Lý giải việc này, bà Nguyễn Thị Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân, cho biết: “Là người dân địa phương, chúng tôi biết rõ việc hàng chục hộ dân ấp Tân Bình đang thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Mùa khô năm rồi, UBND xã đã chỉ đạo một văn phòng khu phố gần đó mở cửa 24/24 để bà con đến lấy nước sạch. Tiền nước ấy được UBND xã hỗ trợ. Qua phản ánh của bà con, UBND xã đã kiến nghị lên UBND huyện Dầu Tiếng, Trung tâm Đầu tư khai thác nước sạch nông thôn tỉnh để tìm hướng giải quyết. Cán bộ của trung tâm đã xuống khảo sát việc lắp đặt đường ống. Tuy nhiên, theo giải thích của cán bộ trung tâm thì các hộ dân này sống quá xa nhà máy cung cấp nước sạch. Vì thế, khi đầu tư đường ống vào đây sẽ tốn nhiều kinh phí, khó mà thu lại tiền đầu tư nên chưa thể triển khai. UBND huyện có hỗ trợ lắp đặt một đường ống nước về đây, nhưng vẫn còn cách xa các hộ dân. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị, tìm giải pháp giúp bà con. Nếu đường ống nước sạch chưa về đến từng nhà, thì UBND xã sẽ tìm cách lắp tạm một đồng hồ nước ở điểm cuối đường ống để bà con đi lấy nước gần hơn khi mùa khô đến”.

NHÓM P.V

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên