Nhiều phương án sản xuất tại “vùng xanh”

Cập nhật: 10-09-2021 | 08:13:54

 Hiện trên địa bàn huyện Bàu Bàng, các doanh nghiệp (DN) đã và đang đưa ra các phương án chuyển đổi việc tổ chức sản xuất để phù hợp hơn với tình hình giãn cách nới lỏng. Chính quyền địa phương nỗ lực hỗ trợ DN thực hiện sản xuất theo phương án mới, tháo gỡ những khó khăn để phát triển.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Kỹ thuật công nghệ Yatch (KCN Bàu Bàng)

Thiết lập sản xuất an toàn

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết sau khi “vùng xanh” Bàu Bàng được thiết lập, các DN có rất nhiều lựa chọn để tổ chức lại sản xuất sau thời gian giãn cách. DN có thể tiếp tục thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” hoặc tổ chức hoạt động theo phương án “3 xanh” (cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh).

Trên thực tế, giai đoạn hiện nay, sau thời gian hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 địa điểm” kéo dài, nhiều DN đã gặp khó khăn vì chi phí phát sinh và nhiều bất cập, nhất là tâm lý người lao động đã không muốn kéo dài cuộc sống trong các khu sản xuất. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Trưởng bộ phận nhân sự và tổng hợp, Công ty TNHH Kỹ thuật công nghệ Yatch (Khu công nghiệp (KCN) Bàu Bàng), cho biết sau 45 ngày thực hiện phương án “3 tại chỗ”, đến nay mọi hoạt động sản xuất của công ty đang được duy trì ổn định. Hiện tại có gần 300 công nhân đang ở lưu trú tại nhà máy. Tất cả đều tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh và giữ vững được an toàn. Công ty lo 3 bữa ăn mỗi ngày cho người lao động. Ở trong nhà máy, công nhân còn được công ty hỗ trợ thêm 100.000 đồng/ngày.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, đến nay Bàu Bàng đã trở thành “vùng xanh”, tâm lý người lao động cũng muốn trở về với gia đình. Công ty cũng đã tính toán đến các phương án cụ thể. Thứ nhất, thay thế phương án “3 tại chỗ” thành việc sử dụng người lao động có nơi ở tại “vùng xanh” hoặc linh động kết hợp phương án “1 cung đường, 2 địa điểm” với phương án “3 xanh”. “Tuy nhiên, để thực hiện được điều này chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Ban Quản lý KCN trong việc thiết lập liên kết với các khu nhà trọ xanh, hướng dẫn cụ thể để phối hợp thực hiện các phương án. Để thực hiện, chính quyền địa phương cũng cần đẩy nhanh tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người lao động tại địa phương để họ yên tâm trở lại sản xuất”, bà Phượng bày tỏ.

Ở góc nhìn tổng thể hơn, ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần KCN Tân Bình, cho biết những phương án mà chính quyền địa phương đưa ra được cho là rất linh hoạt, tạo điều kiện để DN quay trở lại sản xuất. Hiện có một số DN đã bắt đầu đăng ký với KCN để thực hiện sản xuất trở lại nhằm giải quyết các đơn hàng tồn đọng và giữ chân lao động. Tuy các phương án là tốt nhưng DN chưa thể thực hiện ngay, cần có hướng dẫn cụ thể cho DN biết để tổ chức sản xuất theo các phương án phù hợp với điều kiện hiện nay.

Quyết tâm bảo vệ “sản xuất xanh”

Theo anh Lê Văn Thể, quản lý sản xuất của Công ty TNHH Kỹ thuật công nghệ Yatch, qua thăm dò những người lao động đang ở tại khu trọ họ mong chờ tiêm vắc xin để trở lại làm việc trong điều kiện an toàn, bảo đảm đời sống. “Điều mà chúng tôi khá lo lắng hiện nay là thiếu hụt nguồn nhân lực khi một số công nhân đã rời Bình Dương về quê chưa trở lại Bình Dương được. Nếu chuyển đổi mô hình sản xuất, bộ phận của chúng tôi quyết tâm cao trong việc giữ vững an toàn, bảo vệ người lao động như đã thực hiện suốt thời gian qua. Tất cả vì mục tiêu giữ vững an toàn cho người lao động, giữ vững sản xuất để bảo vệ chuỗi cung ứng hàng hóa của nhà máy”, anh Thể chia sẻ.

 Tính đến nay, huyện Bàu Bàng đã tiêm 10.551 liều vắc xin cho công nhân lao động tại 139 DN. Trong đó, KCN Bàu Bàng là 8.923 liều cho người lao động tại 123 DN, KCN Tân Bình tiêm 1.628 liều cho 16 DN. Đây sẽ là một trong những điều kiện để các DN duy trì sản xuất hiện nay, đồng thời xây dựng kế hoạch chuyển đổi mô hình phù hợp.

Ông Võ Thành Giàu cho biết để bảo vệ vững chắc “vùng xanh”, việc ưu tiên vắc xin cho công nhân lao động của các DN đang được chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện. “Chúng tôi đã chỉ đạo cấp xã làm việc với khu phố, ấp tổng hợp danh sách các nhà trọ có công nhân đã được tiêm vắc xin, khoanh vùng, giữ vững những khu nhà trọ xanh. Chúng tôi cũng nỗ lực trong việc bóc tách F0 ra khỏi các khu nhà trọ, các khu dân cư để xanh hóa địa bàn, tạo điều kiện cho sản xuất được thiết lập nhanh chóng trở lại và đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, người lao động về việc bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian thực hiện Chỉ thị 15+, đồng thời ý thức việc bảo vệ sức khỏe người xung quanh khi quay lại sản xuất”.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên