Nhiều vườn măng cụt chết dần!

Cập nhật: 24-12-2013 | 00:00:00

Thực trạng này đang xảy ra ở ấp Bình Hòa, xã Bình Nhâm, TX.Thuận An. Nhiều nông dân đau lòng, kêu cứu khi hàng ngày phải chứng kiến những gốc măng cụt có tuổi đời hàng chục, thậm chí cả trăm tuổi giờ đang dần chết mà không thể cứu. Cây bị thối rễ, nghiêng dần rồi khô héo, lụi tàn…!  

 Ông Sáng bên cây măng cụt nhiều năm tuổi vừa chết khô  

 Tan nát vườn cây!

Đi sâu vào các con hẻm ở khu A, B của ấp này, P.V ghi nhận có rất nhiều vườn cây măng cụt đã khô lá, vàng úa; không ít cây tuổi đời có đến trăm tuổi đang bị nghiêng và có thể bật ngã bất cứ lúc nào. Đứng nhìn vườn cây nhà mình đang bị chết dần, bà Văn Yến Tuyết thở dài: “Chúng tôi già rồi, đâu làm gì ra tiền; bao năm nay chỉ sống nhờ thu nhập từ cây măng cụt này. Những năm gần đây vườn cây thất thu nhiều lắm, ngoài những cây đã chết thì số còn lại cũng không trổ hoa. Tôi nghĩ chỉ trong thời gian ngắn tới đây, số cây còn lại cũng chết sạch vì đã bị ô nhiễm nặng”. Vườn bà Tuyết có 50 gốc măng cụt gần cả 100 tuổi nhưng hiện đã có hơn 20 cây bị chết; khoảng 70 gốc bòn bon lâu năm trong vườn cây này cũng đã chết sạch.

Cách vườn nhà bà Tuyết không xa, vườn cây rộng 10.000m2 của ông Nguyễn Văn Sáng còn bị thiệt hại nặng nề hơn. Cả vườn có 150 gốc măng cụt có tuổi thọ khoảng 70 năm tuổi, thì hiện số cây chết đã hơn phân nửa. Hàng chục cây mít, sầu riêng nhiều năm tuổi giờ cũng đã chết sạch; hơn 300 gốc chuối trong vườn cũng chết không còn cây nào. Trao đổi với P.V, ông Sáng bức xúc: “Cách đây không lâu, khi người dân chúng tôi nhận thông tin: khu vực này được quy hoạch thành vườn cây sinh thái thì ai cũng phấn khởi, thấy vui vì nghĩ là sẽ bảo tồn được những cây trồng lâu năm mà cha ông để lại; đặc biệt là giống cây măng cụt nổi tiếng gần xa. Nếu chính quyền địa phương không sớm quan tâm, tôi nghĩ vài năm tới đây thì cả khu vực này chẳng còn cây trái nào sống nổi”!

Bà Lê Thị Bẹ, một nông dân lớn tuổi tại khu A tâm sự: “Nhìn những cây trồng có từ thời cha mẹ để lại nay đang chết dần, chúng tôi thực sự đau lòng; bởi ngoài huê lợi đem đến cho gia đình, chúng tôi còn gửi vào đó nhiều tình cảm khó nói nên lời. Năm nào cũng vậy, thấy chết cây nào là tôi lật đật chạy đi mua cây giống đem về trồng lại liền mong cho kịp lớn. Thấy thế, tụi nhỏ nó bảo: Bà có trồng thì sớm muộn gì nó cũng chết, hay là mình bán đất gửi ngân hàng lấy tiền lời mà xài còn hay hơn. Cũng vì nghĩ thế mà không ít nông dân ở đây đang treo bảng bán đất, không cần bỏ vốn đầu tư lại vườn cây. Đám trẻ thì tìm việc khác để làm chứ chúng không còn thiết tha gì với việc làm nông!” .

Do ô nhiễm phân heo, thủy triều

Tìm hiểu nguyên nhân về việc những vườn cây bị chết trong khoảng 3 năm gần đây, bà con cho biết: vùng đất này nay liên tục bị ngập úng khi thủy triều dâng cao. Bà Tuyết cho biết thêm, nếu những năm trước, thủy triều chỉ vào đến vườn, thì bây giờ đã ngập sâu vào tận nhà, nước cao gần nửa mét. Nước dâng thì rất nhanh, nhưng khi rút rất chậm nên các vườn cây liên tục bị ngập trong khoảng thời gian kéo dài từ cả tuần đến 10 ngày. Việc ngập úng nhiều ngày như thế khiến cho rễ cây suy yếu.

Theo nhiều người dân thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cây bị chết là do ô nhiễm từ nguồn nước. Hiện trong địa bàn 2 khu A và B của ấp Bình Hòa có cả chục ngàn con heo đang được nuôi. Hàng ngày, các trại heo này xả thải ra vườn; sau đó nước thải chảy ra kênh Cầu Đò gây ô nhiễm nặng. Khi thủy triều dâng sẽ mang hết nguồn phân heo này quay trở lại vườn cây. Quy trình này diễn ra liên tục nên phần đất mặt ở các vườn cây hiện nay chuyển sang màu rêu xanh, đất không còn dinh dưỡng. Ông Nguyễn Văn Sáng cho biết: “Trong phân heo có độ mặn và nhiều hóa chất khác, khi xâm nhập vào vườn cây lâu ngày, chúng trở nên nguy hại vô cùng. Các bờ bao trong vườn bị ăn mòn rất nhanh, chúng tôi đắp lên chỉ trong một thời gian ngắn là bị xộp xuống, đất bị mục nhão như bùn. Cũng vì thế mà rễ chuột của cây bị thối, sau đó cây nghiêng dần rồi chết”.

Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Bình Nhâm cho biết: “Việc nhiều vườn cây ở ấp Bình Hòa bị chết nhanh trong thời gian gần đây đã được chính quyền địa phương tìm hiểu. Cây chết là do thủy triều gây ngập úng, kết hợp với ô nhiễm từ phân heo đúng như phản ánh của người dân. Hiện thủy triều ở khu vực này tăng cao theo hàng năm. Vì thế, những lúc thủy triều dâng cao đã làm ngập cả vườn cây, có nhà bị ngập sâu hơn nửa mét nước. Khu vực này hiện có hơn 10 hộ chăn nuôi heo, mỗi trang trại đang nuôi từ 700 - 800 con heo. Việc các trại heo gây ô nhiễm môi trường, chính quyền địa phương chúng tôi đã cho người kiểm tra, xử phạt hành chính từ 12 - 15 triệu đồng/hộ, nhưng vẫn có nhiều hộ không chấp hành. Chúng tôi đã kiến nghị với UBND TX.Thuận An sắp tới cần cưỡng chế 4 trại; sau đó tiếp tục xóa dần việc nuôi heo tại khu vực này. Còn việc xây dựng bờ đê ở kênh Cầu Đò đã được cho áp giá đền bù, sẽ sớm khởi công xây dựng trong năm tới…”.

Theo người dân địa phương: muốn cải tạo cũng như giữ được các vườn cây, chính quyền sở tại cần nhanh chóng cho đắp đê cao ở kênh Cầu Đò để chống thủy triều dâng gây ngập úng. Mặt khác,cần phải chấm dứt tình trạng nuôi heo với số lượng lớn gây ô nhiễm nặng tại vùng này!

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên