Nhìn lại để tiếp bước

Cập nhật: 21-06-2019 | 06:23:32

Hôm nay (21-6), tròn 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Kể từ ngày 21-6- 1925, Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chính thức ra đời đến nay, báo chí cách mạng luôn đồng hành cùng sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng và Nhà nước.

94 năm qua, báo chí nước ta luôn phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, đồng hành cùng đất nước, bám sát định hướng của Đảng trong tuyên truyền, tích cực đưa tin, phản ánh phong phú mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Các nhà báo là những người đi đầu trên mặt trận phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, góp phần tích cực vào thắng lợi của đất nước. Tuy nhiên, chưa bao giờ báo chí cách mạng lại đứng trước một thách thức vô cùng to lớn như hiện nay. Đó là sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, truyền thông kéo theo sự phát triển quá nhanh chóng của thông tin điện tử, mạng xã hội khiến thông tin báo chí bị cạnh tranh gay gắt. Tin giả, thông tin sai sự thật trên mạng ngày càng gia tăng, có lúc, có nơi lấn át thông tin báo chí. Với sự cạnh tranh của mạng xã hội, không những thị phần quảng cáo trên báo chí giảm mà quan trọng hơn là trong xã hội, trong nhân dân, nhiều người chưa phân biệt được mạng xã hội và báo chí nên đều coi tin trên mạng xã hội cũng là tin báo chí, kể cả tin giả. Điều này hết sức nguy hại bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến nền báo chí mà còn ảnh hưởng đế nguy cơ mất an ninh trật tự, quốc phòng - an ninh của đất nước. Vì thế, hơn lúc nào hết vai trò dẫn dắt, định hướng, đồng thời chủ động để thích ứng với công nghệ làm báo mới, thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng hiện đại đang chờ đợi những người làm báo chân chính.

Hiện nay, bên cạnh những người làm báo chân chính, tâm huyết với nghề thì xuất hiện một số phóng viên, nhà báo sử dụng nguồn tin trên mạng xã hội để “chế biến” thành tin, bài của mình mà không hề thẩm tra, xác minh tính xác thực của thông tin, tự đánh đồng với mạng xã hội... Đây không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức nghề báo mà còn đánh mất vị thế của người làm báo, vô hình trung “tự mình giết mình”. Không phải ngẫu nhiên mà nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng: Báo chí muốn đi tiếp thì phải quay về 94 năm trước đây khi báo chí cách mạng ra đời, để tìm lại những giá trị cốt lõi của mình, đó là tính cách mạng và tính tiên phong. Cuộc đấu tranh chống lại thông tin xấu, độc trên mạng xã hội là sứ mạng mới của báo chí. Và, cuộc đấu tranh này sẽ khẳng định lại vai trò của báo chí trong đời sống xã hội.

 TRUNG ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên