Đô thị hóa và sự phát triển bền vững của Bình Dương:

Nhìn từ hội thảo khoa học quốc gia “20 năm đô thị hóa Nam bộ - lý luận và thực tiễn”

Cập nhật: 22-12-2014 | 08:41:46

Trường Đại học (ĐH) Thủ Dầu Một, Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm Dự báo và Nghiên cứu đô thị vừa phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “20 năm đô thị hóa (ĐTH) Nam bộ - lý luận và thực tiễn”. Hội thảo là diễn đàn quan trọng để các nhà khoa học công bố những kết quả nghiên cứu về đô thị Nam bộ; qua đó Đảng, Nhà nước và các tỉnh, thành Nam bộ có thêm cơ sở khoa học trong việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vấn đề quy hoạch, quản lý đô thị hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, văn minh, hiện đại.

 Một góc TP.Thủ Dầu Một Ảnh: QUỐC CHIẾN

Vấn đề đô thị hóa và phát triển bền vững của Bình Dương

Trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, đô thị luôn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và nâng cao trình độ nhận thức của mỗi cá nhân cũng như của toàn xã hội. Bình Dương là địa phương có tốc độ ĐTH nhanh trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế (tính đến tháng 8- 2014, tỷ lệ ĐTH của Bình Dương là 81,86%). Quá trình ĐTH ở Bình Dương đã góp phần làm thay đổi về nhiều mặt như tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thu nhập của người lao động, đồng thời cũng làm thay đổi điều kiện sống của dân cư theo hướng tích cực. Tại Hội thảo “20 năm đô thị hóa Nam bộ - lý luận và thực tiễn”, vấn đề ĐTH và phát triển bền vững của Bình Dương được các nhà khoa học, các chuyên gia xem xét ở hai khía cạnh: Cả ĐTH theo chiều rộng và ĐTH theo chiều sâu. ĐTH theo chiều rộng gắn với vấn đề mở rộng không gian đô thị và hình thành hệ thống đô thị theo vùng của quốc gia. ĐTH theo chiều sâu gắn với quy hoạch không gian đô thị nhằm nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, trình độ và hiệu quả kinh tế, chất lượng và môi trường sống của cư dân trong từng đô thị.

Về mặt lý luận, các đô thị muốn phát triển bền vững trước hết phải tìm ra những yếu tố tạo nên sự bền vững, đồng thời cũng phải tìm ra những thách thức đe dọa sự bền vững. Đó là hai mặt của một vấn đề có tầm quan trọng ngang nhau trong nghiên cứu lý luận và thực tiễn. Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển công nghiệp năng động của cả nước. Bằng các chính sách phát triển và thu hút đầu tư, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển mạnh, cơ cấu kinh tế của địa phương từ nông nghiệp chuyển sang công nghiệp và dịch vụ. Với vị trí thuận lợi, Bình Dương có điều kiện giao lưu kinh tế, văn hóa với các tỉnh và cả nước, thu hút đầu tư, tiếp nhận các thông tin và công nghệ tiên tiến để hình thành các khu công nghiệp và đô thị lớn, có tiềm năng lớn và nhiều lợi thế để tham gia vào quá trình liên kết, hợp tác và phát triển với các địa phương trong nước và quốc tế. Với những lợi thế sẵn có, Bình Dương đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn cả về quy mô lẫn giá trị. Các đô thị ở Bình Dương có quy mô diện tích thuộc loại vừa và nhỏ, phân bố chủ yếu theo đơn vị hành chính, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Các đô thị đều đã có quy hoạch chung và định hướng xây dựng phát triển đô thị đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Điều này là một thuận lợi cho quá trình ĐTH và đề ra các chính sách phát triển bền vững.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã chỉ rõ nhiều nét khác biệt so với xu thế chung của quá trình ĐTH ở khu vực Đông Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng. Theo đó, Bình Dương phải chú trọng phát triển đô thị gắn với phát triển khoa học, các ngành dịch vụ và bảo vệ môi trường. Trong đó chú trọng việc duy trì hoạt động kinh tế đô thị hiệu quả, phát triển khoa học, công nghệ mới, hiện đại nhằm tối thiểu hóa sử dụng năng lượng và tài nguyên; tối thiểu hóa áp lực về môi trường với việc sử dụng mỗi nguồn năng lượng và tài nguyên và đầu tư vào môi trường. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc ĐTH phải gắn với bảo tồn di sản văn hóa; với phương thức quản lý đô thị hiện đại; đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và sống thân thiện, hài hòa với thiên nhiên.

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, người có hơn 20 năm trong ngành kiến trúc và quy hoạch, từng thành công với nhiều dự án lớn ở Mỹ, Canada, Trung Quốc… nhấn mạnh: “Trong khoảng 2 thập niên trở lại đây, dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu đô thị và quy hoạch, tôi thấy rằng Bình Dương có tốc độ phát triển rất nhanh, thuộc tốp đầu trong cả nước. Trong khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, thế giới bước vào một giai đoạn phát triển mới: sự phụ thuộc lẫn nhau, hội nhập, cạnh tranh và hợp tác giữa các quốc gia, các khu vực ngày càng phổ biến, kinh tế tri thức phát triển mạnh, do đó con người và tri thức trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Đây thực sự là thời cơ thuận lợi để lãnh đạo Bình Dương - những người tiên phong trong đổi mới - nhìn lại và tìm ra hướng đi bền vững cho tỉnh nhà. Hạ tầng Bình Dương làm rất tốt, được xây dựng rất nhiều, nhưng hiện nay chúng ta cần có chiến lược tạo dựng công ăn việc làm, thu hút nhân tài, không chỉ công nhân mà còn nhiều người tài ở các tỉnh, thành khác như: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội… về Bình Dương định cư và sinh sống. Đó là hạt nhân để phát triển tương lai, đưa Bình Dương lên một tầm cao mới”.

Những thách thức và cơ hội phát triển vững mạnh trong khu vực

Các nhà khoa học nhấn mạnh, bên cạnh những mặt tích cực, quá trình ĐTH cũng phát sinh nhiều vấn đề văn hóa xã hội cần giải quyết như việc gia tăng nhanh chóng công nghiệp và đô thị khiến cho Bình Dương phải đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh từ quá trình phát triển công nghiệp, đó là ô nhiễm môi trường do công nghiệp và đô thị, tốc độ gia tăng dân số cơ học cao, tốc độ ĐTH tăng nhanh, nhu cầu về an sinh xã hội tăng theo mỗi năm, việc đầu tư phát triển hạ tầng đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển của đô thị, thiếu nhà ở, thiếu các dịch vụ đô thị,vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa, hội nhập và phát triển trong tiến trình ĐTH gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Từ cơ sở này, chúng ta nên xác định cơ chế quy hoạch, điều chỉnh hợp lý về mặt phát triển văn hóa xã hội để Bình Dương ngày càng phát triển bền vững đồng thời, phát huy những lợi thế của Bình Dương như: Bộ máy quản lý của tỉnh Bình Dương rất năng động và sẵn sàng cho việc đổi mới; Bình Dương là đô thị không lớn lắm, hầu hết các diện tích đất chưa xây dựng, có thể phát triển đô thị hiện đại mà không gặp khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề bảo tồn lịch sử… như những đô thị phát triển lâu năm là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh.

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, Bình Dương cần có chiến lược đúng đắn bao gồm: Phát triển trên trục quy hoạch ban đầu và phát triển dân số có mật độ tập trung quanh trục ban đầu đó, cũng như khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng. Tiếp theo, có những chiến lược phát triển về bảo vệ môi trường, vành đai xanh, vành đai nông nghiệp… hướng tới phát triển bền vững. Cần chú ý tới chính sách phát triển tạo công ăn việc làm, thu hút nhân tài thì trong tương lai Bình Dương sẽ phát triển rất nhanh. Bình Dương có những bản sắc địa phương rất trân trọng như khu làng gốm, làng vườn, làng nghề guốc… cần phát triển những khu vực làng nghề này phát triển theo hướng phục vụ du lịch và cộng thêm với những khu vực mới như làng đại học bao gồm cả ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Bình Dương, ĐH Việt Đức, ĐH Quốc tế Miền Đông… tạo thành khu đô thị đại học.

Làm được như vậy, chúng ta có thể hình dung Bình Dương sẽ có những khu đô thị có bản sắc riêng và mỗi khu đô thị này đều có những hoạt động đặc thù, như vậy sẽ vừa thu hút được khách tham quan, tạo được hiệu quả kinh tế và phát triển bản sắc của Bình Dương.

Hiện nay, khi dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước vẫn đang tiếp tục chảy về Bình Dương thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình công nghiệp hóa, ĐTH; đặc biệt là Thành phố mới Bình Dương, điểm nhấn của thành phố Bình Dương trực thuộc Trung ương đã hiện hữu một cách khang trang, bề thế, với đầy đủ cơ sở hạ tầng hiện đại. Chúng ta có quyền tin tưởng rằng một trong hai thập niên tiếp theo Bình Dương sẽ những bước phát triển vượt bậc, có vị thế nhất định trong khu vực và quốc tế.

TS.Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một cho biết, nhằm tiếp tục cập nhật tư duy, lý luận về ĐTH và phát triển bền vững nhằm tìm ra những giải pháp cụ thể hơn với tỉnh Bình Dương, trường ĐH Thủ Dầu Một sẽ tiếp tục tổ chức Hội thảo Quốc gia “20 năm đô thị hóa Bình Dương” dự kiến sẽ tổ chức vào cuối năm 2015 .

 

 TIỂU MY

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên