“NHNN không can thiệp vào sự đồng thuận tăng lãi suất VND lên 12%”

Cập nhật: 07-11-2010 | 00:00:00

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ đã khẳng định với báo giới như vậy trước thông tin NHNN can thiệp vào sự đồng thuận tăng lãi suất VND lên không quá 12%, kể từ 8-11.

- Thưa ông, dư luận cho rằng, sự đồng thuận của các thành viên Hiệp hội Ngân hàng về việc tăng lãi suất huy động VND lên không quá 12%/năm có sự can thiệp từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN)?

- Nói về lãi suất, từ tháng 4 chúng ta mới thực hiện lãi suất cho vay thỏa thuận bằng VND, còn theo luật, lãi suất huy động VND vẫn phải neo vào lãi suất cơ bản theo quyết định 16, ngày 16-5-2008 của Thống đốc NHNN.

 Lãi suất VND được điều chỉnh do nhu cầu thị trường. Sáng ngày 5-11, Thống đốc NHNN có cuộc họp với 15 ngân hàng thương mại có hoạt động kinh doanh ngoại tệ lớn để bàn một số giải pháp liên quan tới sự ổn định của tỷ giá và mục tiêu kiềm chế lạm phát. Trong cuộc họp đó, các ngân hàng đã tìm thấy tiếng nói chung trong việc nâng lãi suất huy động VND lên không quá 12%.

Sự đồng thuận đó hoàn toàn dựa trên nguyên tắc đồng thuận của các thành viên Hiệp hội và NHNN không can thiệp. Thực tiễn cho thấy, đối với thị trường ở các nước và ở Việt Nam cũng thế, các NHTM cũng cần phải có sự đồng thuận nhất định về giá đầu vào, nhằm ổn định thị trường và có giá tương đối chuẩn để cho người gửi, người vay, TCTD căn cứ vào đó để thực hiện các hoạt động của mình.

- NHNN can thiệp bán ngoại tệ để bình ổn nhưng sao NHNN không công bố con số cụ thể? Vì theo quan sát, khi có thông tin ban đầu ra, giá USD tự do giảm khá sâu nhưng giờ lại tăng mạnh trở lại?

 - Cũng trong sáng 5-11, Thống đốc NHNN đã chủ trì và làm việc với các NHTM đi đến thống nhất triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng là việc bán ngoại tệ sẽ bán có chọn lọc, phục vụ những mặt hàng thiết yếu của đời sống và sản xuất trong nước.

Cho đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại vẫn có trạng thái ngoại tệ dương, NHNN sẽ xem xét cụ thể các trạng thái ngoại tệ của từng NHTM, dòng tiền ngoại tệ đi và về hàng ngày của các NHTM, nhu cầu, mục đích sử dụng đúng các mặt hàng thiết yếu thì NHNN sẽ can thiệp.

Hiện nay, các NHTM đang chuẩn bị các tài liệu có liên quan gửi về NHNN để xem xét và Thống đốc NHNN sẽ thành lập một tổ công tác để thực hiện tốt nhiệm vụ này của Thủ tướng.

- Trên thế giới, các đồng tiền đều tăng giá so với USD, còn ở Việt Nam sức ép giảm giá đồng USD lại quá lớn lại ngược lại?

 - Đồng tiền ở các nước phụ thuộc vào 3 yếu tố: khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, cung cầu ngoại tệ và chính sách tiền tệ của từng ngân hàng trung ương.

Ngay trong khu vực Đông Nam Á, hầu hết các nước đã có thặng dư cán cân vãng lai, trừ Việt Nam, Myanma, Lào, Camphuchia. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa đưa ra gói kích cầu 600 tỷ USD, lập tức tỷ giá giữa USD và các đồng tiền khác thay đổi ngay.

- Vậy thời gian tới, NHNN sẽ có những giải pháp gì để can thiệp vào thị trường ngoại tệ?

 - Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cung ngoại tệ cho thị trường. Chúng tôi nhận thấy cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam trong những tháng cuối năm tiếp tục được cải thiện. Nếu xét về cán cân vốn so với thặng dư, so với thâm hụt của cán cân vãng lai, thặng dư của cán cân vốn lớn hơn.

 Thư hai, NHNN tiếp tục chỉ đạo cung ứng đủ vốn cho xuất khẩu, để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao.

 Điểm thứ ba là NHNN sẽ phối hợp với các bộ ngành để giải ngân vốn FDI cũng như khai thác vốn FII ở mức cao hơn cùng kỳ các năm trước.

Thứ tư, NHNN sẽ phối hợp với các bộ ngành để kiểm soát chặt chẽ nhu cầu về ngoại tệ ở mức hợp lý, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ về phát triển sản xuất. Ví dụ, hạn chế cho vay thanh toán nhập khẩu các mặt hàng theo hai quyết định của Bộ Công Thương không khuyến khích cũng như vấn đề cho vay bằng VND để đi mua ngoại tệ nhập khẩu các mặt hàng đó.

Một can thiệp nữa là NHNN thực hiện chỉ đạo của Chính phủ sẽ cán thiệp bán ngoại tệ cho các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt những mặt hàng phục vụ cho đời sống dân sinh. Ổn định tỷ giá là một trong những vấn đề hiện nay cũng như lâu dài để đảm bảo kinh tế vĩ mô, ổn định giá cả và tâm lý của thị trường.

-Xin cám ơn ông!

Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên