Nhớ làng nghề guốc mộc

Cập nhật: 24-03-2015 | 08:11:09

Cùng với nghề điêu khắc, mộc gia dụng, Bình Dương còn có nghề làm guốc mộc ở phường Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một) và Bình Nhâm (TX.Thuận An) từng một thời hưng thịnh. Trải qua bao thăng trầm, nghề guốc mộc không chỉ sinh kế mà còn là một nét văn hóa độc đáo riêng của địa phương. Tuy nhiên hiện nay, nghề guốc mộc ở Phú Thọ và Bình Nhâm đang đứng trước nguy cơ thất truyền…

 

 Nghề làm guốc ngày nay đã được cải tiến nhiều để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu Ảnh: Đ.LÊ

 Thăng trầm làng guốc

Theo lời kể của nhiều người dân ở phường Phú Thọ và Bình Nhâm thì nghề làm guốc mộc đã có tại đây cả trăm năm. Ở Phú Văn (phường Phú Thọ) có hẳn một con đường mang tên xóm guốc, là con đường có nhiều hộ gia đình làm nghề guốc mộc. Từ trước giải phóng, nghề làm guốc ở Bình Nhâm phát triển mạnh, với phong trào nhà nhà làm guốc, người người làm guốc. Mỗi hộ gia đình làm guốc có từ 5 - 7 người thợ làm rất sôi động. Thời đó đến Bình Nhâm đâu đâu cũng nghe tiếng cưa xẻ gỗ, tiếng đục đẽo, tiếng búa đóng đinh… còn thương lái thì tấp nập đến đây nhận hàng để đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Vào thời hưng thịnh, nghề làm guốc mộc là một nghề mang lại sự sung túc cho người dân và góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên để tồn tại, nghề làm guốc mộc đã phải trải qua nhiều thăng trầm và nhiều đời cha truyền con nối cùng nhau gìn giữ nghề.

Ngày nay xu thế tiêu dùng đã thay đổi, người tiêu dùng đã có nhiều lựa chọn với các loại giày dép da, nhựa phong phú và giá rẻ nên thị phần của guốc mộc cũng ngày càng bị thu hẹp. Đôi guốc mộc từng một thời là vật dụng không thể thiếu bên cạnh chiếc nón lá và áo dài thì nay không còn là xu thế sử dụng.

Ông Thái Văn Tư, ở khu phố Bình Hòa, phường Bình Nhâm cho biết gia đình ông đã 3 đời làm nghề guốc nhưng đến nay đã bỏ nghề, chỉ còn lại mỗi một mình ông bám nghề gia truyền này một cách bấp bênh. Để đeo đuổi nghề làm guốc, ông Tư đã trải qua 4 lần phá sản. Theo ông Tư, đầu ra cho sản phẩm guốc rất bấp bênh, nếu như vào thập niên 90 của thế kỷ trước, thương lái đặt hàng rất nhiều làm không ngớt tay thì nay ông Tư chỉ làm cầm chừng, một năm làm khoảng 6 tháng (từ tháng 1 đến tháng 3 và từ tháng 10 đến tháng 12).

Ông Lê Văn Hiếu, Chủ tịch UBND phường Bình Nhâm cho biết, cách đây khoảng 15 năm về trước thì nghề làm guốc ở Bình Nhâm đã giảm sút thấy rõ, số hộ làm guốc ở địa phương giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay và đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Nguyên nhân khách quan là thị hiếu của người tiêu dùng không còn ưa chuộng sử dụng guốc gỗ nên để giữ làng nghề là rất khó.

Tìm đường xuất ngoại

Cũng như những người thợ làm guốc lâu năm ở Bình Nhâm, anh Thái Văn Anh Hùng không khỏi xót xa khi thấy cảnh nghề làm guốc ở làng mình đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Anh Hùng đã đến với nghề làm guốc từ hồi còn nhỏ, do cha anh là chủ cơ sở guốc Ba Thân truyền nghề. Anh Hùng cho biết trước đây ở Bình Nhâm mỗi hộ chỉ làm một công đoạn như cưa xẻ hình, đục đẽo hình dáng đôi guốc rồi bán lại cho người khác làm tiếp công đoạn làm láng rồi lại bán cho người khác trang trí sơn phết… cuối cùng mới hoàn thành sản phẩm bán ra chợ. Nhận thấy cách làm này có nhiều hạn chế, nên từ lâu anh Hùng đã suy nghĩ phải sản xuất tập trung từ khâu đầu cho tới khi thành phẩm để bán ra thị trường thì mới đạt được hiệu quả cao. Nghĩ là làm, năm 2004, anh thành lập Công ty TNHH Hùng Thái chuyên sản xuất guốc gỗ. Anh mạnh dạn nhập máy móc làm gỗ về ứng dụng vào làm guốc, đồng thời tổ chức huấn luyện tay nghề cho công nhân. Anh đã bỏ nhiều công sức để tìm hiểu thị trường trong và ngoài nước, sau đó tập trung khai thác thị trường nước ngoài.

Anh Hùng cho biết, anh đã không ngừng cải tiến đôi guốc mộc truyền thống để đáp ứng yêu cầu khắt khe của các đối tác nước ngoài. Ngay từ nguyên liệu gỗ phải nhập loại gỗ thông từ Úc, New Zealand. Còn về mẫu mã, kiểu dáng thì hàng năm phải thiết kế và cho ra hàng trăm mẫu mã mới. Đôi guốc do công ty anh sản xuất đã đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng khó tính nước ngoài không chỉ về độ bền mà còn về mẫu mã đẹp, phong phú. Đến nay, đôi guốc của công ty đã được xuất khẩu sang các nước châu Á như: Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia… và một số nước châu Âu.

Hiện Công ty sản xuất guốc gỗ Hùng Thái giải quyết việc làm cho hơn 80 công nhân với thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/ người/ tháng. Nhưng điều đáng quý hơn cả là công ty đã đi đầu trong việc gìn giữ nghề guốc truyền thống của địa phương. Có thể nói với sự nhạy bén và tâm huyết với nghề guốc truyền thống, anh Thái Văn Anh Hùng (Giám đốc Công ty TNHH Hùng Thái) đã không ngừng sáng tạo, cải tiến mẫu mã đôi guốc, tìm đường để đôi guốc mộc Bình Nhâm xuất ngoại, góp phần gìn giữ một nghề truyền thống không chỉ giải quyết việc làm cho những người thợ yêu nghề mà còn lưu giữ một nét văn hóa độc đáo của địa phương.

 ĐỨC LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên