Nhớ mãi Trường Sa!

Cập nhật: 30-01-2015 | 09:35:48

Còi tàu hú vang 3 tiếng dài chào đảo, bắt đầu hành trình hơn 300 hải lý để vào bờ, chúng tôi lặng im nhìn về phía đảo tiền tiêu Song Tử Tây. Bâng khuâng mây trời Trường Sa hôm nay, trong mỗi chúng tôi lòng trào dâng cảm giác tự hào xen lẫn lưu luyến không thôi.

Chiến sĩ Trường Sa ngày đêm canh giữ biển đảo của Tổ quốc.  Ảnh: K.VINH

Sâu đậm tình người

 Hôm chia tay ở đảo Nam Yết, trung tá Nguyễn Văn Dũng xúc động nói: “Nhớ có cơ hội hãy ra đây lần nữa với anh em chúng tôi nhé! Ở đảo, mặc dù điều kiện sinh hoạt, đi lại có nhiều cái không bằng đất liền nhưng tình cảm của chúng tôi thì luôn dạt dào như sóng biển Trường Sa đó”.

Những ngày đi khắp Trường Sa, chúng tôi không thể kìm nén cảm xúc tự hào khôn xiết về Trường Sa. Đảo xanh ngàn đời nay vẫn thế, lớp lớp cha anh đi ra biển lớn, kiên dũng vẽ nên hình hài Tổ quốc. Trường Sa vẫn thế, kiêu hãnh và vững vàng giữa trùng dương sóng vỗ. Có đi Trường Sa mới biết, một tấc đất ở đảo quý giá và thiêng liêng như thế nào. Mỗi hòn đá, cây xanh, công trình ở đảo đều thấm đượm giọt mồ hôi lẫn máu của bao thế hệ người Việt Nam đi canh giữ đất trời, quê hương xứ sở.

Đến với Trường Sa hôm nay, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến những bất ngờ khác. Ở mỗi điểm đảo, chúng tôi đều được chứng kiến hình ảnh kiên cường, kiêu hãnh của chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ đất trời nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Không những thế, mỗi một tư liệu quý, một công trình xây dựng ở đảo lại mang đến những cảm xúc rất đặc biệt đối với khách đến từ đất liền.

Đoàn công tác đi Trường Sa của chúng tôi lần này ngoài nhiệm vụ tuyên truyền còn thăm, chúc tết… cán bộ, chiến sĩ ở các đảo. Nhưng không chỉ người ở trong đất liền mang hơi ấm ra đảo, mà chứa chan từ trong từng câu nói, buổi giao lưu, bữa cơm thân mật ở đảo đã toát lên biết bao tình người, tình đồng đội kề vai sát cánh bên nhau. Nhạc sĩ Vũ Văn Lực (trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc) bồi hồi xúc động: “Có đi mới biết ân tình của đất liền đối với Trường Sa lớn như thế nào. Không ở đâu mà cảnh vật, con người ở đây lại gắn bó với nhau đậm sâu đến thế. Giữa biển khơi tình cảm dành cho nhau thật đáng quý và trân trọng biết bao”.

Mỗi chuyến tàu vào đảo nặng nghĩa tình đất liền lại có những chuyến rời đảo xúc động không kém. Nhớ lắm những lần các anh ra tận cầu cảng để tiễn đưa. Phút giây chia ly của những người xa lạ, chỉ mới gặp nhau có một lần sao mà bịn rịn!

Cái khí khái, hào sảng của người lính Trường Sa giữa biển khơi lại thổi bùng thêm ngọn lửa yêu thương, đùm bọc giữa biển khơi rộng lớn. Những chuyến tàu chở nặng ân tình ra đảo không chỉ làm ấm lòng chiến sĩ nơi đảo xa mà còn đếm đong bao nhiêu tình nghĩa của người rời đảo. Đã ra Trường Sa, ngày về lòng người khó thôi lưu luyến; nỗi nhớ Trường Sa, nhớ biển khơi sóng vỗ tô thêm vẻ đẹp cho hình hài Tổ quốc.

Hẹn gặp lại, Trường Sa ơi!

Phút chia tay lưu luyến giữa chiến sĩ Trường Sa với người về đất liền.  Ảnh: K.VINH

Dẫu biết cuộc hội ngộ nào cũng phải đến lúc chia ly, nhưng cuộc chia tay của chúng tôi với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở Trường Sa đến thật quá nhanh. Mới đây thôi, chúng tôi vừa lên tàu rời Quân cảng Cam Ranh còn biết bao dự định, tình cảm mang ra đảo, đến với Trường Sa thân yêu mới đó đã đến ngày chia tay trở lại đất liền.

Đêm trước ngày chia tay trở về đất liền, đại tá Ngô Duy Đỗ, Phó Chỉ huy trưởng Lữ đoàn 146 bảo vệ Trường Sa sang tận phòng ở của phóng viên tại xã đảo Song Tử Tây gặp chúng tôi. Trên tay ông, vốn dạn dày gió sương của đảo là một cây bàng vuông thật đẹp. Lá của nó xanh mượt, nhẵn bóng. Ông tươi cười nói: “Trường Sa không có gì làm quà, xin tặng Báo Bình Dương cây bàng vuông xanh khỏe này coi như tấm lòng của đảo cho đất liền. Mong cây sống khỏe để sau này các đồng chí ngồi dưới tán cây bàng vuông còn nhớ đến đảo xa đang có những người chiến sĩ hải quân ngày đêm canh giữ đất trời Tổ quốc”.

Tôi nhận cây bàng vuông mang từ đảo ra tàu 996, bắt đầu chuyến đi dài vào bờ mà lòng vui khôn xiết. Giữa nắng gió Trường Sa, cây bàng vuông kiêu hãnh vươn những mầm xanh thật đẹp như chính cái tình cảm nồng ấm của người lính đảo đối với đất liền. Đại diện các địa phương như Hải Dương, Thái Nguyên, Lâm Đồng… cũng có những món quà của đảo. Có người mang về đất liền những cây dừa xanh Trường Sa, có người mang hạt bàng vuông, có người lại mang những bức thư của người lính đảo gửi về đất liền…

Con tàu 996 chở đoàn công tác tiến vào vịnh Cam Ranh, kết thúc chuyến hải trình dài ngày đi Trường Sa làm nhiệm vụ. Nhớ đất liền, anh em phóng viên, chiến sĩ lên boong tàu dõi mắt về đất liền, reo vui. Giữa lúc ấy tôi bắt gặp thiếu tá Phan Viết Thắng bâng khuâng đứng nhìn xa xăm về phía biển. Anh tâm sự: “Tôi nhớ Trường Sa không chịu được. Đi bộ đội được 10 năm, đi Trường Sa 3 chuyến rồi nhưng không lần nào về bờ lại nguôi nhớ đảo. Ở ngoài đó anh em đồng đội tôi vẫn ngày đêm bám giữ đảo, thực hiện nhiệm vụ…”. Ra thế, ít nơi như Trường Sa, tình đồng chí, đồng đội đậm sâu đến thiêng liêng như vậy.

Cam Ranh một sớm mai nắng ấm, sóng biển rì rào dịu êm khiến cho lòng người vào bờ bâng khuâng khó tả. Còi tàu 996 hú lên 3 tiếng như tiễn biệt người về đất liền sau chuyến đi ý nghĩa ra Trường Sa. Trong tiếng cười vui của anh lính hoàn thành nhiệm vụ, vào bờ còn xen lẫn cả những giọt nước mắt, cái bắt tay lưu luyến không thôi của những anh em đồng đội với nhau. Chào tạm biệt nhé Trường Sa, hẹn ngày gặp lại…

LÝ KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên