Nhớ một thời “Tiếng hát át tiếng bom” : Văn nghệ - Món ăn tinh thần của chiến sĩ

Cập nhật: 14-04-2014 | 00:00:00
 Kỳ 1: Văn nghệ - Món ăn tinh thần của chiến sĩ

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phong trào văn nghệ phát triển rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh, góp phần tạo khí thế vui tươi trong lao động sản xuất, phục vụ chiến đấu của các tầng lớp nhân dân và động viên thanh niên lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Bằng lời ca, tiếng hát, những người nghệ sĩ đã xông pha khắp các mặt trận mang đến cho người lính những món quà tuyệt diệu từ hậu phương.

  Những tiết mục văn nghệ do Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Thủ Biên dàn dựng biểu diễn từ những năm 70 Ảnh: DUY HIỀN

 Nghệ sĩ cũng lên đường tòng quân

Trong thời chiến, nhu cầu sinh hoạt tinh thần được đề cao, bởi nó giúp các chiến sĩ có thêm niềm tin, động lực chiến đấu đánh đuổi giặc giành hòa bình, độc lập cho quê hương, đất nước. Nắm bắt nhu cầu đó, các địa phương trong tỉnh đều có đội, nhóm văn nghệ. Trên lĩnh vực sân khấu chuyên nghiệp, Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Thủ Biên được thành lập vào tháng 12-1960, vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn ngày càng khốc liệt. Hiện nay, đoàn có tên là Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Bình Dương. Đoàn đã kịp thời đem lời ca, điệu múa đến cơ sở và cả tận thành lũy chiến hào để phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, tuyên truyền tích cực cho công cuộc giải phóng đất nước trên toàn địa bàn tỉnh và khu vực miền Đông Nam bộ.

Sau 1 tháng thành lập, đoàn xây dựng nhiều vở diễn cónội dung tư tưởng vàgiátrịnghệthuật cao, cótác động cổ vũ toàn dân cùng chung sức, chung lòng đánh giặc, bảo vệ quê hương, đất nước. Ông Nguyễn Thanh Chương, nguyên Trưởng đoàn Văn công giải phóng từ năm 1970-1991, cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng chiến trường cần súng đạn và cũng cần có cả tiếng hát để động viên bộ đội và nhân dân ngoài mặt trận. Do đó, đoàn ra đời đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo, nhân dân, anh em chiến sĩ. Ban đầu đoàn có 20 diễn viên, ca sĩ. Về sau, nhiều người có năng khiếu, đam mê văn nghệ đã tình nguyện tham gia, quyết tâm đem lời ca, tiếng hát đến với chiến sĩ tại các mặt trận, nâng số ca sĩ, diễn viên lên gần 50 người”.

Trước những nỗ lực phục vụ kháng chiến, năm 1996 Đoàn Văn công kháng chiến đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III vì những đóng góp về hoạt động văn hóa ở địa phương. Đoàn đã đạt được nhiều thành tích, gồm 15 HCV các loại, 28 HCB, nhiều bằng khen, giấy khen, giải thưởng cá nhân, giải tập thể trong các kỳ liên hoan, hội diễn.       

Với tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom”, tạm biệt gia đình, các nghệ sĩ vào chiến trường phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào. Hành trang mỗi nghệ sĩ chỉ vài bộ trang phục, nhạc cụ và ít lương thực thực phẩm. Phục trang biểu diễn do thành viên trong đoàn tự thiết kế, cắt may. Khâu hóa trang cũng cực kỳ đơn giản, họ sử dụng bất kỳ vật phẩm nào có màu sắc có thể vẽ để tạo hình nhân vật. Những chuyến đi biểu diễn của đoàn có thể nói “không hẹn ngày về”, bởi tình hình chiến sự ngày càng khốc liệt. Có những buổi biểu diễn, các thành viên ngủ trong rừng, đói khát, hay lội suối ngập đến cổ, nhưng khuôn mặt họ luôn rạng rỡ nụ cười. Nghệ sĩ Huỳnh Thị Ích (diễn viên múa, hát của đoàn), tâm sự: “Lúc đó, tôi nghĩ trong cảnh bom đạn, khói lửa mình có thể chết bất cứ khi nào. Vì thế, hễ còn hơi thở thì tôi sẽ cất cao tiếng hát của mình để tuyên truyền những chủ trương chính sách của Đảng, góp phần thổi bùng “ngọn lửa” cách mạng”.

Ông Chương, nhớ lại: “Có nhiều đêm diễn, ngoài các anh bộ đội, thương bệnh binh và đông đảo bà con, có rất nhiều lính ngụy quân, ngụy quyền đến xem. Mặc cho sự có mặt của họ, trên sân khấu chúng tôi vẫn hát vang các bài ca cách mạng, về anh bộ đội Cụ Hồ khiến cho bà con hồ hởi hò reo. Kết thúc buổi diễn, chúng tôi tưởng chừng sẽ chết dưới họng súng của địch. Nhưng thật không ngờ, họ lặng yên lắng nghe từng câu, từng chữ của bài hát. Họ dần dần thay đổi cái nhìn về những người lính cách mạng. Nhiều người giải ngũ và trở về với quân giải phóng. Đó chính là niềm hạnh phúc lớn của chúng tôi”.

Động lực cho chiến sĩ

Đối với những người nghệ sĩ chiến trường, “sân khấu” biểu diễn của họ chỉ cần một khu đất nhỏ bằng phẳng là đã có thể múa hát, đóng kịch. Đôi khi, sân khấu ngay gốc cây trong rừng, dưới hầm, hay hát múa tại lán chỉ huy. Nhiều buổi biểu diễn, chưa kịp cất cao tiếng hát, uyển chuyển theo điệu múa, các thành viên trong đoàn chứng kiến cảnh anh em chiến sĩ quên mình trực tiếp chiến đấu, nhiều anh mãi mãi ngã xuống vì hòa bình. Trước cảnh tượng đó, mọi người nhắc nhau: “Mình phải hát thật hay, múa thật đẹp, biểu diễn bằng cả trái tim để xứng với sự hy sinh của các chiến sĩ dành cho cách mạng”.

Mặc dù chiến tranh ác liệt, nhưng nghe nói đoàn văn nghệ đến biểu diễn, người dân, chiến sĩ chuẩn bị đón tiếp chu đáo. Trong ký ức cô Ích: “Tôi không thể quên những lần biểu diễn trong rừng, dưới ánh đèn măng-xông le lói, các anh chiến sĩ “chìm” theo những bản tình ca trữ tình “Đất nước trọn niềm vui”, “Hát về anh”; hào hứng hòa mình với những ca khúc cách mạng hào hùng “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Đường tôi đi”, “Nổi lửa lên em”... Với các khán giả nghe bằng cả con tim, những người diễn viên như chúng tôi cũng thấy ấm lòng. Chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, quên đi mệt nhọc, sẵn sàng vượt đường núi xa xôi, hiểm trở để đến với các anh.   Cuộc họp mặt hiếm hoi giữa các nghệ sĩ thời bình. Trong ảnh: Ông Chương và cô Ích nhắc lại kỷ niệm thời chiến Ảnh: T.LÝ

Quả thật, cuộc sống giữa bạt ngàn rừng núi hoang vu, hẻo lánh; xa gia đình làm nhiệm vụ cách mạng, đôi khi các anh cũng cảm thấy trống trải, nhớ nhà. Lời ca tiếng hát về tình yêu quê hương, niềm tự hào là con người Việt… vang lên đã “thắp” thêm ý chí để các anh vững lòng tiếp tục chiến đấu. Ông Võ Văn Mộc (Lạc An, Tân Uyên), bộc bạch: “Ngày ấy chúng tôi nằm vùng tại chiến khu Đ. Mỗi lần nghe có đoàn văn công đến biểu diễn, anh em ai cũng háo hức chờ đón. Người chuẩn bị sân khấu, người lo chỗ ăn ngủ. Được nghe những ca khúc đậm chất quê hương, chúng tôi lại càng thấy yêu thêm quê hương, đất nước. Từ đó, một lòng quyết tâm đánh đuổi giặc để mang yên bình về với mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” Tân Uyên này”.

Cũng nhờ văn nghệ, nhiều thương binh đã trở thành những “nhà thơ”, “nhạc sĩ” không chuyên. Theo lời kể của nhiều thương binh: Chiến tranh vô tình cướp đi một phần thân thể của chúng tôi. Trước cảnh nước mất nhà tan không thể trực tiếp cầm súng, bản thân cảm thấy có lỗi với quê hương. Tuy nhiên, lời ca tiếng hát của các anh em trong đội văn nghệ đã “thức tỉnh” chúng tôi. Chúng tôi quyết “tàn nhưng không phế”, không trực tiếp chiến đấu, thì đấu tranh bằng ngòi bút, góp cho dòng văn nghệ kháng chiến những bản tình ca hay, ý nghĩa; nhiều vở kịch đậm chất nhân văn.

Ngoài làm nhiệm vụ đem niềm vui đến với người dân, chiến sĩ cách mạng, những người nghệ sĩ còn không ngại nguy hiểm, sẵn sàng cầm súng chiến đấu. Sau những đêm hành quân cùng các anh trên mọi nẻo đường, lời ca tiếng hát cất vang như tiếng lòng họ muốn gửi gắm đến quê hương. Họ quyết sống, chiến đấu và làm nhiệm vụ đem niềm vui, lạc quan đến với những người chiến sĩ ngày đêm làm nhiệm vụ giải phóng quê hương.

 Kỳ 2: Nghệ sĩ mù biến nhạc cụ thành vũ khí

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên