Những bà mẹ của lòng tự hào

Cập nhật: 26-04-2016 | 08:47:45

Chiến tranh đã qua đi, mọi đau thương đã thành quá khứ. Và quá khứ ấy giờ đã trở thành niềm tự hào của thế hệ trẻ hôm nay. Từ đó, tất cả cùng chung tay xây dựng một đất nước giàu đẹp, sánh vai cùng năm châu để Việt Nam luôn là đất nước anh hùng. Tự hào hơn khi những bà mẹ ấy vẫn luôn một niềm tin vào thế hệ mai sau. Nhân dịp kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2016), Bình Dương có 7 mẹ vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng và 65 mẹ được truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Từ số báo này, báo Bình Dương giới thiệu đến quý độc giả chân dung các mẹ được phong tặng trong dịp này.

 

 Giữ mãi niềm tin

 Mẹ Nguyễn Thị Dùng vẫn mong tìm được hài cốt anh Nguyễn Văn Hai

 Niềm tin về một thế hệ cháu con làm rạng danh non sông trước những hy sinh to lớn của bao thế hệ anh hùng đã ngã xuống chưa bao giờ cạn với các mẹ mà chúng tôi đã gặp, đã tiếp xúc. Ở cái tuổi ngoài 90, tuy sức khỏe của mẹ không tốt lắm nhưng nói về chồng, con… những người đã ngã xuống vì quê hương thì mẹ vui lắm. Mẹ vẫn tin một tương lai tươi sáng cho cháu con. Mẹ là Nguyễn Thị Dùng, sinh năm 1922 ở phường Tân An, TP.TDM.

Là người con của vùng đất Tân An, nơi mà bao người cũng theo tiếng gọi quê hương làm nghĩa vụ giải phóng dân tộc. Và hôm nay, những bà mẹ được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng là một lần nữa làm cho chính tôi thêm tự hào về nơi mình được sinh ra và lớn lên. Tôi biết mẹ Nguyễn Thị Dùng thì khi còn rất bé. Một bà mẹ của sự chịu đựng, hy sinh. Một bà mẹ hiền lành, chất phác bao người yêu mến không chỉ riêng mình tôi.

Hôm nay, hay tin mẹ được phong tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng, chúng tôi đã ghé thăm mẹ. Ở cái tuổi 92, tuy còn đi lại được nhưng sự minh mẫn đã giảm đi nhiều. Và hiện tại, ngay ở mũi mẹ có một vết thương mà ngày ngày phải được bác sĩ tới chăm sóc. Cô Nguyễn Thị Bảy, người con gái Út của mẹ nói: “Vết thương càng ngày càng lớn, báo hiệu một điều chẳng lành với mẹ. Thế nhưng chúng tôi vẫn chăm sóc chu đáo để mẹ tiếp tục sống khỏe cùng con cháu…”.

Cô Út nói thêm, hay tin mẹ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, mẹ vui lắm. Hy vọng đây là nguồn động viên lớn để mẹ tiếp tục cố gắng như chính mẹ đã cố gắng khi chồng, con mẹ đã hy sinh. Sau hy sinh của chồng, con mẹ vẫn không một lần ca thán, vẫn hiền từ, vui vẻ lao động để nuôi con, nuôi cháu khôn lớn.

Qua lời kể của cô Út, ba cô là ông Nguyễn Văn Lình, sinh năm 1922 tham gia cách mạng và hy sinh tại cầu Ông Cộ năm 1965. Tiếp nối truyền thống, anh Nguyễn Văn Hai cũng đã thoát ly tham gia cách mạng ở Trảng Bom, Đồng Nai. Ngày anh Hai tham gia cách mạng, cô Út đâu chừng 7 tuổi. Nghe đâu, từ ngày thoát ly gia đình là ngày anh ra đi mãi mãi. Một năm sau ngày đất nước thống nhất gia đình mới hay tin anh đã hy sinh. Anh Nguyễn Văn Hai mãi mãi nằm lại ở Đồng Nai từ năm 1970. Đã nhiều lần gia đình cũng đã đi tìm anh. Thế nhưng mọi dấu vết theo hồ sơ đã không thể tìm ra. Vậy là chỉ còn cách duy nhất theo giấy báo tử mà gia đình hàng năm hương khói cho anh vơi nỗi nhớ.

Trong cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, cô Nguyễn Thị Gái, người con thứ năm của mẹ nói: “Khi còn khỏe, má tôi cũng chẳng biết nhiều về hoạt động của ba, của anh Hai. Nhưng trong câu chuyện của má kể cho chúng tôi nghe vẫn tự hào, vẫn một niềm tin về một tương lai tươi sáng khi hòa bình đã lập lại. Má vẫn mong con cháu hãy tiếp tục sống vì mọi người để cuộc sống thanh thản và thật giản dị…”.

Như những gì mẹ Nguyễn Thị Dùng mong muốn, các con, cháu của mẹ luôn sống giản dị và cũng hết sức bao dung. Và con, cháu của mẹ vẫn xem mẹ là tấm gương sáng để tự hào về một thế hệ, tự hào về sự bao dung, hiền hậu mà sống tốt cùng xóm làng, bà con.

 Tự hào vì được cống hiến

 

 Mẹ Nguyễn Thị Lớn bên các con

 Hay tin mẹ Nguyễn Thị Lớn, ở phường Tân An (TP.Thủ Dầu Một) vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” trong đợt này, chúng tôi tìm về thăm mẹ. Trong cái nắng oi bức, mẹ hồi tưởng lại về những năm tháng đã qua…

Chồng mẹ tham gia kháng chiến. Rồi người con gái duy nhất lúc đó cũng đi theo con đường cách mạng. Hai lần nghe tin họng súng quân thù cướp đi người chồng, người con gái yêu thương là hai lần mẹ đau đớn đến quặn thắt.

Đã bước qua tuổi 95, dù mẹ phải dùng xe lăn, lưng bị gù, tai mẹ nghe không rõ, nhưng cách mẹ nhìn chúng tôi vẫn ánh lên khí phách của người phụ nữ Việt Nam kiên cường. Mẹ Lớn chỉ cho chúng tôi di ảnh và tấm bằng Tổ quốc ghi công người chồng, người con gái của mẹ đã hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

Ngắm nhìn di ảnh của chồng, con, mẹ Lớn kể với tất cả tình yêu của một người vợ. Với ánh mắt tự hào, mẹ kể: Tham gia cách mạng sớm, ông Trần Văn Hoặc - chồng mẹ rất gan dạ, mẫu mực hết mình. Năm 1951, chồng mẹ bị giặc bắt, chúng dùng tất cả những thủ đoạn tra tấn hành hạ ông. Ông đã chịu đựng, nhất định không chịu khai một lời. Sau đó, chồng mẹ bị giặc chôn sống, vùi lấp ông vào hố sâu để ông ngạt thở mà chết.

Mất chồng, mẹ một mình vượt qua nỗi đau nuôi con khôn lớn và âm thầm tiếp thuốc men cho cán bộ nằm vùng. Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, người con gái của mẹ, chị Trần Thị Diệu cũng xin thoát ly hoạt động cách mạng. Mẹ nén nước mắt, tiễn con lên đường. Sau những ngày tháng mỏi mòn, trông ngóng, cuối năm 1969, mẹ nhận được giấy báo tử của chị.

Mất chồng, mất con nỗi đau vẫn còn đó, mẹ lại bị nghi ngờ là Việt cộng để rồi những đòn tra tấn dã man của chúng vẫn còn để lại di chứng đến bây giờ. Mẹ nhớ lại: “Chúng nó bắt mẹ, nhốt mẹ tra tấn dã man. Không cho ăn uống, chúng còn dội nước sôi lên đầu, trói tay chân lại mấy ngày liền. Với mẹ, dù không trực tiếp cầm súng đánh giặc, nhưng nhiệm vụ của mẹ cũng rất nguy hiểm, nếu để xảy ra sơ sót là ảnh hưởng đến tính mạng, đặc biệt là ảnh hưởng đến cách mạng. Nhưng với mẹ, một người mẹ yêu nước thì mẹ không chùn bước trước họng súng của kẻ thù”.

Cuộc đời mẹ mất mát đau thương quá nhiều, những tổn thất trong chiến tranh đã khiến mẹ mất hết cả gia đình. Ở cái tuổi không phải quá trẻ nhưng chưa già, nhiều người khuyên mẹ đi thêm bước nữa. Thương ba mẹ, thương mình, mẹ quyết định nghe theo. Có như vậy, giờ đây 4 người con hiếu thảo thay phiên nhau chăm sóc mẹ tận tình, chiều chiều lại đẩy mẹ trên chiếc xe lăn đưa mẹ đi dạo mát dọc đường. Chị Nguyễn Thị Phụng, con gái út mẹ tâm sự: “Mẹ vẫn hay kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện, những truyền thống hào hùng của cha, chị đi trước. Cả cuộc đời mẹ cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều đau thương nhưng lúc nào mẹ cũng tự hào. Do di chứng của những đòn tra tấn để lại nên giờ đây tay chân mẹ thường tê cứng mỗi khi trái gió trở trời, đau mỏi khắp người, mẹ cũng chẳng bao giờ than vãn”.

Ngày hôm nay, khi mẹ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm chăm lo rất chu đáo thì không còn hạnh phúc nào bằng nữa. “Đó là niềm an ủi lớn nhất của mẹ”, mẹ tự hào nói và hướng ánh mắt nhìn sang phía tấm bằng “Tổ quốc ghi công”.

 SONG ANH - HUỲNH THỦY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên