Những bà mẹ của lòng tự hào

Cập nhật: 27-04-2016 | 08:44:15

Mẹ Trần Thị Suối: Tự hào vì chồng vì con

 Mẹ Trần Thị Suối ở ấp Lồ Ồ, xã An Tây, TX.Bến Cát năm nay đã 86 tuổi. Khi chúng tôi tìm đến thăm tuy sức khỏe mẹ vẫn tốt nhưng mẹ đã quên nhiều. Mẹ Suối có 9 người con (6 trai, 3 gái). Mẹ Suối sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, những người anh em của mẹ có nhiều người tham gia cách mạng nên mẹ cũng giác ngộ cách mạng từ khi còn rất trẻ. Chồng mẹ là ông Nguyễn Văn Ninh (sinh năm 1926) tham gia cách mạng ở địa phương, làm Xã đội phó. Vào một ngày tháng 5-1953, khi đang trên đường đi công tác, ông Ninh cùng hai người đồng chí của mình đã bị địch phục kích, ông Ninh bị địch bắn chết ở xã Long Nguyên.

Người con trai thứ hai của mẹ Suối là anh Nguyễn Văn Mong (sinh năm 1948) lớn lên cũng nối gót theo con đường của cha mà tham gia chiến đấu chống giặc ngay tại địa phương. Anh Mong là đội viên du kích xã Tây Nam, huyện Bến Cát. Năm 1971, trong đơn vị của anh Mong có một người ra chiêu hồi địch, người này đã chỉ điểm cho địch thả bom những nơi du kích địa phương trú đóng. Trong đợt thả bom dữ dội đó anh Mong bị bom địch thả trúng sụp hầm vùi xác mà đến nay gia đình đã nhiều lần tổ chức đi tìm hài cốt nhưng vẫn chưa tìm được anh. Đây là điều mà mẹ Suối và những người con còn lại của mẹ còn trăn trở mãi.

Mẹ Trần Thị Suối bên những người con của mình

Chịu đựng nỗi đau mất chồng, mất con những tưởng người phụ nữ chân yếu tay mềm như mẹ có thể quỵ ngã nhưng mẹ đã sống một cách kiên cường hơn vì trong nỗi đau đó mẹ có niềm tự hào để tiếp tục sống, cống hiến cho công cuộc cách mạng, cho đàn con thơ dại của mẹ. Sống trong cảnh lửa đạn tràn lan mẹ phải dắt díu đàn con thơ chạy tới chạy lui để tránh bom đạn và vừa làm thuê làm mướn, làm ruộng nuôi đàn con. Tối đến, khi bộ đội đến nhà mẹ Suối lại tất bật nấu cơm cho các anh, mẹ mua gạo, vải vóc, thuốc men để tiếp tế cho bộ đội.

Trải qua nỗi đau mất chồng, mất con và những năm tháng sống kiên cường, cống hiến nhưng mong ước cuối đời của mẹ Suối thật khiêm nhường, không đòi hỏi gì cho bản thân mà mẹ chỉ cảm thấy vui khi những đóng góp của gia đình mẹ được Nhà nước ghi nhận. Mẹ vinh dự vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Với danh hiệu cao quý ấy, mẹ cảm thấy tự hào vì chồng vì con đã hy sinh vì lý tưởng cao đẹp cho hòa bình và còn gì vui hơn khi mẹ được Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo.

Các mẹ đã đi qua chiến tranh với nỗi đau mất chồng mất con không gì có thể bù đắp được. Các mẹ đã sống với đức hy sinh thầm lặng mà cao cả để tô điểm cho hình ảnh cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam vừa đảm đang trung hậu nhưng cũng rất kiên cường, anh hùng và trong đó có mẹ Trần Thị Suối.

Mẹ Phạm Thị Vấn: Cống hiến hết mình cho cách mạng

 Mẹ Phạm Thị Vấn bên di ảnh người con liệt sĩ

Mẹ Phạm Thị Vấn ở ấp Lồ Ồ, xã An Tây, TX.Bến Cát năm nay đã 84 tuổi. Trò chuyện với chúng tôi trông mẹ vẫn còn minh mẫn. Mẹ Vấn có 6 người con, trong đó có người con gái thứ hai và người con trai thứ ba của mẹ tham gia hoạt động cách mạng. Chồng mẹ Vấn là ông Nguyễn Công Minh, tham gia cách mạng làm cán bộ xã An Tây, huyện Bến Cát.

Vào một ngày cuối tháng 11-1966 máy bay địch ném bom dữ dội ở xã Thanh Tuyền (Dầu Tiếng), nơi chồng mẹ Vấn đang trên đường đi công tác. Sau đó mẹ nhận được hung tin chồng mẹ bị máy bay địch ném bom chết. Lúc đó dẫu biết rằng chiến tranh là có mất mát đau thương nhưng mẹ không sao kiềm nén được nước mắt. Mẹ khóc rất nhiều nhưng khi gặp lính hỏi thì mẹ phải nén đau thương bảo rằng mình bị bệnh, bị đau bụng không để cho địch biết được chồng mẹ đi cách mạng. Nhưng tụi lính nào có buông tha, sau khi chồng chết mẹ bị chúng bắt, tra hỏi và kể cả đánh đập nhưng mẹ nhất định không khai gì về chồng. Qua những lần đấu trí khôn khéo của mẹ bọn lính không có cớ gì bắt mẹ nên phải thả mẹ về. Sau sự hy sinh của chồng, mẹ Vấn kể cho chúng tôi nghe tiếp nỗi đau mà mẹ phải chịu đựng quá lớn, đó là sự hy sinh của người con gái thứ hai của mẹ Nguyễn Ngọc Anh. Chúng tôi cũng không khỏi bồi hồi khi nghe mẹ kể trong xúc động từng chi tiết: con mẹ hy sinh hồi 10 giờ 40 phút ngày 18-8-1972 khi đang trên đường tiễn chiến sĩ lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Lúc đó cô Nguyễn Ngọc Anh là Bí thư Đoàn xã Thanh An (Dầu Tiếng), cô hy sinh cho đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt, điều đó làm nỗi đau của mẹ nhân lên gấp bội.

Có sự mất mát, chịu đựng nào to lớn hơn sự chịu đựng của người mẹ mất con, của người vợ mất chồng. Mẹ đã thấm thía nỗi đau và đã vượt qua nỗi đau ấy bằng sự kiên trung mà tiếp bước cha, con để cống hiến hết mình cho cách mạng. Sống trong cảnh bom đạn chiến tranh, mẹ phải gánh trăm mối lo về gia đình, con cái. Mẹ phải đi làm thuê, làm mướn để nuôi con. Dù khó khăn gian khổ đến đâu mẹ vẫn bám đất bám làng để sống, để đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích. Mẹ làm liên lạc với cán bộ, bộ đội ta ở trong rừng, mẹ dò la nắm thông tin và thông báo tình hình địch cho bộ đội, tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho bộ đội địa phương. Mẹ còn nhớ hồi Mậu Thân năm 68, bộ đội ta bị thương rất nhiều được đưa về bằng tàu đậu ở bến sông ở xã Thanh An (Dầu Tiếng), lúc đó mẹ ra sức đi vận động chị em phụ nữ trong xóm đi tải thương, đưa thương binh về chăm sóc chu đáo, an toàn. Nhớ lại những năm tháng đó mẹ bảo thật gian lao nhưng cũng phấn khởi làm sao, phấn khởi vì mình đã đóng góp một phần công sức cho sự nghiệp chung của dân tộc, mà trong đó có sự hy sinh xương máu của chồng, con mình.

Người con trai thứ ba của mẹ là anh Nguyễn Tấn Thành cũng tham gia bộ đội năm 16 tuổi, nhưng anh Thành chọn nhiệm vụ chăm sóc vết thương cho những người đồng chí của mình. Anh Thành công tác trong ngành quân y cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Trò chuyện cùng chúng tôi, mẹ rất vui khi vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Vì danh hiệu này là một niềm vinh dự lớn của gia đình.

Đ.LÊ - T.NAM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên