Những bác tài xe ôm nghĩa hiệp

Cập nhật: 21-11-2014 | 11:14:49

Họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau và mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm, xe ba gác nhưng cùng gặp nhau ở một điểm là không ngại nguy hiểm, sẵn sàng tham gia cứu người. Họ là những thành viên trong Đội xe máy cứu thương của phường Dĩ An, TX.Dĩ An.

Sau hơn 10 năm thành lập, Đội xe máy cứu thương đã tham gia sơ cứu hàng ngàn trường hợp bị tai nạn giao thông (TNGT), chuyển viện kịp thời. 

Một nạn nhân bị TNGT được thành viên trong Đội xe máy cứu thương P.Dĩ An sơ cứu trước khi đưa đi bệnh viện chữa trị. Ảnh: NGUYỄN HẬU

Bỏ khách, cứu người

Đội xe máy cứu thương P.Dĩ An được thành lập vào tháng 3-2004 với 15 thành viên là những người đến từ nhiều địa phương hành nghề chạy xe ôm, xe ba gác trên địa bàn P.Dĩ An. Anh Tô Minh Châu, Đội trưởng tâm sự: “Chúng tôi làm nghề này thường đi nhiều nơi, không ít lần gặp các vụ TNGT thương tâm, nạn nhân nằm quằn quại đau đớn nhưng ít ai tham gia cấp cứu người bị nạn vì sợ rắc rối. Gặp người bị thương, lương tâm không cho chúng tôi vô cảm được nên tham gia chở họ đi cấp cứu càng sớm càng tốt. Mỗi lần như vậy, chúng tôi luôn trăn trở suy nghĩ cần phải có một đội xe máy cứu thương để làm việc chuyên nghiệp hơn, từ đó Đội xe máy cứu thương này ra đời!”.

Hiện đội có 24 thành viên tham gia hoạt động tại 12 chốt sơ cấp cứu tại các nút giao thông trọng điểm. Đến nay, người dân ở TX.Dĩ An hầu như đã quá quen với hình ảnh những bác tài xế xe ôm, xe ba gác tham gia cứu người, họ còn nhớ nằm lòng số điện thoại “nóng” của đội. Bất kể lúc nào, thời tiết ra sao, khi phát hiện tai nạn là các anh lập tức tổ chức sơ cứu và đưa nạn nhân đến bệnh viện kịp thời. Ông Phạm Ngọc Ẩn, “trực” tại chốt ngã tư Đường Mồi cho biết: “Tôi vừa cấp cứu một ca bị TNGT ở đường ĐT743 (đoạn đi qua KP.Thống Nhất 1). May mà nạn nhân đi chậm nên chỉ bị thương ở chân. Chở nạn nhân tới bệnh viện, tôi phải chờ người nhà đến để làm thủ tục rồi mới yên tâm ra về”. Ông Ẩn tâm sự: “Vào những ngày cuối tuần có nhiều đám tiệc nên TNGT cũng tăng, có ngày xảy ra 3 -4 vụ tai nạn, những lúc như thế chúng tôi sẽ liên hệ với người đang ở gần vị trí đó đến cấp cứu. Nhiều khi khó khăn lắm mới có khách nhưng nhận được tin báo tai nạn, chúng tôi phải xin lỗi và giải thích cho khách thông cảm để kịp thời cứu người”.

Ông Ẩn quê Tiền Giang lên Bình Dương hành nghề xe ôm đã nhiều năm. Khi Hội Chữ thập đỏ TX.Dĩ An vận động thành lập Đội xe máy cứu thương thì ông là một trong những thành viên đầu tiên tham gia và kêu gọi các đồng nghiệp cùng tham gia. Các bác tài trong đội thường chạy xe ôm từ 4 giờ sáng đến 23 giờ mới nghỉ, nhưng khi có tai nạn thì bất kể lúc nào, ở đâu, họ đều sẵn sàng lên đường. “Nhiều lần có tai nạn, người ta báo cho mình mà mình ở xa quá, phải nhờ anh em gần đó tới đưa nạn nhân đi cấp cứu. Nhiều người cảm kích trước tấm lòng của anh em nên quay lại tặng quà cảm ơn nhưng chúng tôi nhất quyết không lấy, bởi lấy một lần rồi sẽ quen tay. Chúng tôi xác định mình làm bằng cái tâm bằng tình thương giữa con người với con người…”, ông Phạm Ngọc Ẩn khẳng khái.

Kể về quá trình tham gia, anh Phạm Văn Xuân nói: “Khi nghe anh Ẩn kêu gọi tham gia, tôi hưởng ứng ngay vì mình quen đường sá, suốt ngày chạy trên đường, có tai nạn thì đưa người ta đến bệnh viện coi như giúp được ai thì nên giúp!”. Anh Xuân kể có hôm đang chở khách bỗng điện thoại reo liên tục. Khi anh nghe máy thì đầu dây bên kia báo có tai nạn gần chỗ anh. Nhẹ nhàng xin lỗi và giải thích với khách, anh lao vội tới chỗ có người bị nạn…

Tinh thần nghĩa hiệp

Ông Phan Tuấn Thao, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TX.Dĩ An cho biết, để thành lập Đội xe máy cứu thương là rất khó khăn bởi thành viên trong đội phải là những người hành nghề xe ôm; những người này hầu như hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Sau khi thành lập, đi vào hoạt động lại càng khó khăn hơn, không ít thành viên khi chở người vào viện cấp cứu bị bệnh viện yêu cầu ở lại để làm rõ sự việc. Không ít trường hợp người nhà lầm các anh là đối tượng gây tai nạn nên đòi đánh, chửi… Để “danh chính ngôn thuận”, Hội Chữ thập đỏ TX.Dĩ An đã làm việc với các trung tâm, cơ sở y tế tại TX.Dĩ An rồi cấp thẻ hành nghề để các anh xuất trình khi đưa người đến đây cấp cứu. Từ đó các anh hoạt động thuận lợi hơn nên rất tích cực tham gia.

Ông Thao cũng cho biết thêm: “Về dụng cụ hành nghề, mỗi nhóm được trang bị một túi cứu thương đầy đủ những dụng cụ cần thiết cho việc sơ cấp cứu. Mỗi thành viên được trang bị một cái áo có dấu hiệu chữ thập đỏ. Mặc dù các thành viên làm công tác tự nguyện nhưng Hội Chữ thập đỏ TX.Dĩ An cũng hỗ trợ tiền xăng cho các anh từ 5.000 - 10.000 đồng/lần cứu người, tùy theo cự ly chuyển viện. Tuy không đáng giá là bao nhưng thể hiện được sự quan tâm, động viên của hội đến với các anh. Ngoài ra, các thành viên trong đội được tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu”.

Nhờ được trang bị một số kiến thức sơ cấp cứu mà nhiều nạn nhân đã được các thành viên trong đội sơ cấp cứu kịp thời đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần chỉ trong gang tấc. Anh Tô Minh Châu nhớ lại, cách đây không lâu, anh nhận được tin có vụ TNGT trên đường Lý Thường Kiệt. Khi đến hiện trường, anh thấy chị Trương Thị T. (ngụ KP.Bình Minh 2, P.Dĩ An) nằm bất động, máu trên đầu nạn nhân không ngừng chảy. Anh nhanh chóng dùng dụng cụ y tế mang theo để sơ cứu và đưa nạn nhân đến Trung tâm Y tế TX.Dĩ An. Sau nhiều ngày chữa trị, sức khỏe của nạn nhân bình phục và người nhà đã tìm đến nhà anh để cảm ơn và hậu tạ nhưng anh chỉ nhận lời cảm ơn. “Tôi nghĩ cứu người khi gặp hoạn nạn là việc nên làm của mỗi người và tôi thấy vui khi cứu sống kịp thời một ai đó”, anh Châu thổ lộ. Cũng như anh Minh Châu, khi anh Nguyễn Văn Vào được người dân báo tin bà Nguyễn Thị H. bị tai nạn trên đường Lý Thường Kiệt (KP.Thắng Lợi 1), anh lập tức tới hiện trường để sơ cứu và chuyển nạn nhân lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Chờ suốt 24 giờ, khi bà H. tỉnh lại, anh mới an tâm ra về. Sau này, bà H. có tìm đến nhà anh để tỏ lòng biết ơn và gửi tiền hậu tạ nhưng anh cũng kiên quyết không nhận tiền.

Tham gia bắt cướp

Ngoài việc tham gia đưa những người bị nạn đến bệnh viện chữa trị, các thành viên còn góp phần cùng địa phương điều phối giao thông vào các giờ cao điểm và tham gia trấn áp các loại tội phạm trên địa bàn phường. Anh Nguyễn Văn Trừ kể trong một lần đang đi đón khách, anh đã phát hiện đối tượng trộm xe máy của người dân nên lập tức gọi điện báo cho Công an P.Dĩ An.

Phán đoán được hướng tẩu thoát của tên trộm, công an cùng phối hợp với anh Trừ chốt chặn tại đầu chợ Dĩ An và bắt gọn đối tượng cùng tang vật. Anh Tô Minh Châu cho biết có lần đang chở khách, anh phát hiện đối tượng có biểu hiện khả nghi nên bám theo. Khi đối tượng tới đường Nguyễn An Ninh thì giật điện thoại của một học sinh. Ngay lập tức anh tăng ga đuổi theo tên cướp, đồng thời báo tin cho Công an phường. Truy đuổi tên cướp gần 5km, anh cùng lực lượng bắt gọn tên cướp. Vào năm 2011, anh Nguyễn Tấn Hoàng trên đường chở khách, nghe tiếng tri hô, anh xin lỗi và cho khách xuống xe rồi tăng ga đuổi theo tên cướp. Tới đường Lý Thường Kiệt, anh Hoàng đã bắt gọn đối tượng cùng tang vật giao cho Công an phường.

Còn nhiều, rất nhiều vụ việc các đối tượng trộm, cướp trên đường bị những bác tài xe ôm này phát hiện bắt tận tay. Tinh thần nghĩa hiệp của các anh đã góp phần rất lớn cho công tác giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, tạo an tâm cho người dân.

Mặc dù phần lớn cuộc sống của các thành viên còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng với tấm lòng nhân ái, thương người, các thành viên trong Đội xe máy cứu thương P.Dĩ An luôn sẵn sàng lên đường cứu người, không quản ngại đường sá xa xôi. Việc làm của các anh đều dựa trên tinh thần tình nguyện, bởi họ tâm niệm giúp được người là cảm thấy hạnh phúc.


NGUYỄN HẬU

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên