Những “bông hoa” điển hình ngành dệt may

Cập nhật: 12-05-2017 | 18:47:02

Hưởng ứng Tháng thanh niên công nhân năm 2017, ngành dệt may tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực cho công nhân lao động (CNLĐ), trong đó có việc tuyên dương 143 “bông hoa” điển hình trong ngành. Nhận giấy khen, vòng hoa, CNLĐ càng có thêm động lực để lao động, sáng tạo đóng góp sức lực, trí tuệ phát triển doanh nghiệp (DN) nói riêng, xây dựng Bình Dương giàu mạnh nói chung.

Những “bông hoa” điển hình ngành dệt may được tuyên dương khen thưởng

Thành quả từ nỗ lực

Chúng tôi vừa có dịp tham dự buổi tuyên dương CNLĐ điển hình ngành dệt may tỉnh. Mặc dù chưa đến giờ diễn ra hội nghị nhưng các bạn CNLĐ đã có mặt từ khá sớm. Trên gương mặt mỗi người đều toát lên niềm vui, hạnh phúc khi những đóng góp, sáng kiến của mình cho DN, cho ngành được công nhận. Thế nhưng, mấy ai biết được rằng để nhận được tấm giấy khen, vòng hoa, các bạn đã phải nỗ lực rất nhiều, tích lũy kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn sản xuất.

“Bông hoa” được nhắc đến đầu tiên trong hội nghị là anh Bùi Hữu Lý, Tổ trưởng tổ bảo trì Công ty Dae Seung SGN với 2 sáng kiến hữu ích. Sáng kiến đầu tiên là máy thổi lông vịt đã giúp tiết kiệm nhiên liệu và thu dọn lông vịt nhanh, gọn; sáng kiến thứ 2 thay đổi cơ chế máy Kansai từ 2 chỉ sang 1 chỉ, đáp ứng yêu cầu khách hàng, tiết kiệm chi phí thuê máy, mua máy cho công ty. “Ban đầu khi đưa ra sáng kiến, tôi không nghĩ nó sẽ hữu ích và được áp dụng ngay công ty. Để có những ý tưởng hay, tôi thường xuyên quan sát, chú ý từng chi tiết nhỏ trong các công đoạn sản xuất, chủ yếu là những việc cần nhiều nhân công, chi phí rồi tìm cách khắc phục. Thử nghiệm nhiều ý tưởng cuối cùng tôi cũng có được thành quả”, anh Bùi Hữu Lý nói.

Không để thua kém nam giới, chị em phụ nữ ngành dệt may đã phát huy khả năng sáng tạo của mình để đưa ra những sáng kiến hữu ích làm lợi hàng chục tỷ đồng cho DN. Trong đó chị Nguyễn Thị Quý, Tổ trưởng chuyền may Công ty Green Vina là một điển hình. Chị áp dụng hệ thống Lean trong nhà máy nên đã xây dựng được định mức sản xuất cho công nhân phù hợp, giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí của DN. Sáng kiến của chị được công nhân hài lòng vì đánh giá công bằng, chính xác, hiệu quả công việc từng cá nhân và giữa các tổ sản xuất với nhau.

Phát động thi đua

Để có được những điển hình trong ngành, phải nói đến vai trò của Công đoàn ngành, công đoàn cơ sở (CĐCS) các công ty khi tích cực triển khai phong trào thi đua yêu nước trong CNLĐ.

Khẳng định với chúng tôi, ông Đặng Thanh Vân, Chủ tịch Công đoàn ngành dệt may nói, trong thời gian qua, tình hình sản xuất của các DN trong ngành gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế biến động. Để vượt qua những thách thức đó, Công đoàn ngành đã chỉ đạo CĐCS công ty phối hợp cùng người sử dụng lao động tổ chức nhiều hoạt động thi đua với các hình thức, nội dung phong phú, đa dạng tạo thêm động lực cho người lao động nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, tích cực sáng tạo, hăng hái thi đua lao động sản xuất và công tác, góp phần nâng cao “năng suất, chất lượng, hiệu quả” trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động công đoàn.

Qua phát động, phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến lỹ thuật được đông đảo CNLĐ tích cực hưởng ứng. Theo đó đã có hàng trăm ý tưởng hay, sáng tạo giỏi của CNLĐ được công ty áp dụng trong sản xuất, đem lại hàng chục tỷ đồng. Đối với phong trào “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” luôn được duy trì, phát huy tốt ở các DN; việc tổ chức hoạt động mạng lưới an toàn vệ sinh viên ngày càng được CĐCS và người sử dụng lao động quan tâm. Tính đến nay, toàn ngành có 32 hội đồng với 209 người và 24 mạng lưới an toàn vệ sinh viên với gần 600 người tại các DN.

Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” được đông đảo nữ CNLĐ hưởng ứng tích cực, qua phong trào đã động viên chị em sắp xếp kế hoạch hợp lý để vừa tham gia tích cực công tác xã hội, phấn đấu vươn lên trong tập thể, vừa xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng và tiến bộ. Kết quả, đã có 6.322 nữ CNLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Phát huy những kết quả đạt được trong phong trào thi đua yêu nước của toàn thể cán bộ, CNLĐ trong ngành, ông Đặng Thanh Vân đề nghị, Ban Giám đốc các DN, CĐCS và tất cả CNLĐ tiếp tục tham gia thực hiện nhằm phát huy những kết quả đạt được; đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại để thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong CNLĐ của ngành dệt may tỉnh ngày càng được phát triển rộng khắp, thu hút đông đảo người lao động tham gia hưởng ứng, đem lại lợi ích thiết thực cho bản thân, DN, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Bình Dương và của đất nước.

THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết
Tags
dệt may

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên